Mỹ chỉ trích Ngân hàng Thế giới cấp tín dụng cho những nước giàu

Quan chức Mỹ cho biết những quốc gia như Trung Quốc có đủ tiềm lực tài chính để tài trợ cho các dự án phát triển của chính họ, song trên thực tế nước này đang là “con nợ” lớn nhất của WB.
Mỹ chỉ trích Ngân hàng Thế giới cấp tín dụng cho những nước giàu ảnh 1Một cảng hàng hóa ở Giang Tô, Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 8/11, quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ David Malpass, chỉ trích Ngân hàng Thế giới (WB) đang gây tổn thương cho các quốc gia nghèo cần hỗ trợ tài chính, khi cấp tín dụng cho những “nước giàu."

Theo ông Malpass, những quốc gia như Trung Quốc có đủ tiềm lực tài chính để tài trợ cho các dự án phát triển của chính họ, song trên thực tế nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang là “con nợ” lớn nhất của WB khi được cấp khoản tín dụng lên tới 2,4 tỷ USD trong năm nay.

Ông Malpass cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ, Donald Trump, sẽ hối thúc WB dừng cấp vốn cho các nền kinh tế đang tăng trưởng và có thể tiếp cận nguồn vốn tư nhân.

[WB tăng gấp đôi khoản hỗ trợ tài chính cho dự án tái thiết Iraq]

Ông nhấn mạnh kể từ năm 2009, các quốc gia đủ điều kiện rời khỏi chương trình vay vốn vẫn được nhận trung bình 40% các khoản tín dụng của WB. Mức thu nhập bình quân đầu người bắt đầu để WB cân nhắc ngừng cấp tín dụng là 6.895 USD, trong khi con số này tại Trung Quốc đã vượt 8.200 USD vào năm ngoái.

Tuy nhiên, mức thu nhập chỉ là một trong những yếu tố được xem xét khi WB cân nhắc đến giai đoạn dừng vay vốn. Người phát ngôn của WB cho biết các cổ đông của thể chế tài chính này đang tiến hành thảo luận về cách thức hỗ trợ các quốc gia thúc đẩy tăng trưởng và gia tăng mức đóng góp vào đà tăng trưởng và sự ổn định của kinh tế toàn cầu cũng như tối ưu hóa nguồn tài chính dành cho phát triển.

Tuy nhiên, ông Malpass cho rằng WB đang thất bại trong việc theo đuổi lịch trình của mình và thuyết phục các quốc gia dừng các chương trình vay vốn. Hồi giữa tháng 10, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bác bỏ đề xuất tăng vốn của WB.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Steven Mnuchin, cho rằng WB đang hoạt động chưa hiệu quả và thể chế này vẫn có thể hoạt động hiệu quả hơn với nguồn vốn phát triển 60 tỷ USD/năm hiện có. Theo ông Mnuchin, WB cần cắt giảm nguồn quỹ dành cho các thị trường mới nổi, vốn không cần đến sự hỗ trợ quá lớn về tài chính từ bên ngoài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục