Công bố Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2022

Ngày 15/9, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietnamNet công bố Bảng xếp hạng PROFIT500 - Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2022.
Công bố Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2022 ảnh 1Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) là một trong 10 doanh nghiệp được vinh danh của Bảng xếp hạng PROFIT500-Top 500 Doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam. (Nguồn: Viettel)

Ngày 15/9, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietnamNet công bố Bảng xếp hạng PROFIT500 - Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2022.

Theo đó, 10 doanh nghiệp đứng đầu bảng xếp hạng là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Quân đội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.   

Bảng xếp hạng PROFIT500 góp phần giới thiệu và nâng tầm thương hiệu doanh nghiệp Việt tới cộng đồng kinh doanh và các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Qua 6 năm công bố nhằm tìm kiếm và tôn vinh những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có khả năng tạo lợi nhuận cao và bền vững, Bảng xếp hạng PROFIT500 đã ghi nhận nhiều đóng góp của những doanh nghiệp hàng đầu là rường cột phát triển của đất nước.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều rủi ro và biến động khó lường, doanh nghiệp đứng trước bài toán giá cả và chi phí khi áp lực lạm phát ngày một gia tăng. Ý nghĩa của việc tìm kiếm các doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất càng được cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư và công chúng chờ đón và đánh giá cao.

[Bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam 2021]

Đánh giá hiệu quả kinh của các doanh nghiệp từ góc nhìn của Bảng xếp hạng, Top 3 ngành chiếm tỷ trọng nhiều doanh nghiệp nhất trong danh sách này là ngành bất động sản - xây dựng; ngành tài chính và ngành thực phẩm đồ uống.

Theo đó, tỷ lệ lần lượt là 22,2%; 13,7% và 10,7%. Theo báo cáo PROFIT50 về tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) bình quân trong giai đoạn 2019-2022, ở những giai đoạn trước, các doanh nghiệp có mức độ khai thác tài sản hiệu quả tốt hơn so với hiện nay. Cũng trong giai đoạn này, doanh nghiệp tại khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) luôn đạt giá trị ROA bình quân cao nhất, nhưng bước sang năm 2022 lại có sự sụt giảm mạnh nhất chỉ còn 11% . 

Đối với các doanh nghiệp tư nhân, dù không tránh khỏi xu hướng suy giảm; song vẫn duy trì được mức ROA bình quân năm 2021 là 9,4%. Trong khi đó, khu vực Nhà nước vẫn là nơi có ROA thấp nhất ở mức 7,8% năm 2022 và có xu hướng giảm dần qua các năm.

Về chỉ số tỷ suất lợi nhuận trên tổng vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân giai đoạn 2019-2022, các doanh nghiệp FDI cho thấy một kịch bản tích cực khi vẫn duy trì vị trí dẫn đầu ở mức 27,7%. Đây cũng là mức cao nhất mà khu vực FDI đạt được trong giai đoạn này. Kế đó là khu vực tư nhân với mức ROE bình quân đạt 21,9%.

Mặc dù có cải thiện đôi chút so với hai năm trước đó, hiệu quả sử dụng vốn của khu vực tư nhân hiện vẫn chưa quay trở về mức đỉnh 24,2% trước đại dịch. Trong khi cả 2 khu vực trên có sự gia tăng về chỉ số ROE bình quân thì khu vực Nhà nước lại có mức sụt giảm đáng kể từ mức 23,6% xuống còn 16,5% ở năm 2022 - mức thấp nhất trong 4 năm vừa qua. Như vậy, hiệu quả sử dụng vốn lẫn tài sản của các doanh nghiệp Nhà nước đang ở mức thấp nhất trong 3 khu vực.

Tổng giám đốc Vietnam Report Vũ Đăng Vinh phân tích, trái ngược với những lo ngại về sự chậm lại của kinh tế thế giới thì nền kinh tế Việt Nam đang tỏ rõ những dấu hiệu và sự phục hồi mạnh mẽ với nhiều chỉ tiêu đã vượt mức trước đại dịch. Sự phục hồi này đạt được chủ yếu nhờ tăng trưởng vững chắc của xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo sang các thị trường xuất khẩu truyền thống.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng đầu năm đạt 497,64 tỷ USD; trong đó xuất khẩu tăng 17,3%, nhập khẩu tăng 13,6%. Sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu trong nước, đặc biệt là đối với dịch vụ, cũng đóng góp tích cực vào tăng trưởng.

Quy mô bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8/2022 tăng 50,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó bán lẻ hàng hóa gấp 1,3 lần (tăng 20% so với cùng kỳ năm 2019 – thời điểm chưa xảy ra đại dịch).

Tính chung 8 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước. Biên giới quốc gia mở cửa trở lại vào tháng 3/2022 đang mang đến sự hồi sinh cho ngành du lịch, đem đến 1.440 nghìn lượt khách du lịch quốc tế trong 8 tháng, tăng gấp 12,7 lần so với cùng kỳ.

Những kết quả tích cực trong 8 tháng tạo cơ sở giúp tăng trưởng quý III có sự bứt phá, từ đó mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm có thể dễ dàng đạt được.

Khảo sát các doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam do Vietnam Report thực hiện trong tháng 8 vừa qua cũng ghi nhận sự phục hồi rất tích cực. Trên 2/3 số doanh nghiệp cho biết doanh thu đã quay trở lại hoặc vượt mức trước khi đại dịch bùng phát.

Đáng chú ý, hoạt động quản lý chi phí của doanh nghiệp tỏ ra khá hiệu quả khi trong nhóm doanh nghiệp vượt và đạt mức doanh thu chỉ có khoảng 6,2% số doanh nghiệp chưa đạt mức lợi nhuận trước đại dịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục