Cuộc hội ngộ cảm động sau nửa thế kỷ xây con đường Hạnh phúc

Nửa thế kỷ đã trôi qua, những cựu thanh niên xung phong từng góp phần làm nên con đường Hạnh phúc huyền thoại nối thành phố Hà Giang với 4 huyện vùng cao cực Bắc mới có dịp hội ngộ.
Cuộc hội ngộ cảm động sau nửa thế kỷ xây con đường Hạnh phúc ảnh 1Các cựu thanh niên xung phong tưởng nhớ đồng đội. (Ảnh: Đỗ Bình/TTXVN)

Nửa thế kỷ đã trôi qua, những cựu thanh niên xung phong từng góp phần làm nên con đường Hạnh phúc huyền thoại mới có dịp trở lại Cao nguyên đá Đồng Văn.

Những chàng trai, cô gái năm xưa xung phong đi phá đá mở đường nghẹn ngào ôn lại những kỷ niệm và hạnh phúc khi được tận mắt chứng kiến cuộc sống của người dân nơi đây đang đổi thay từng ngày.

Những ngày cuối tháng Ba, người dân Hà Giang đã tưng bừng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm ngày hoàn thành con đường Hạnh phúc. Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số nơi địa đầu Tổ quốc, đây là một sự kiện quan trọng, còn những cựu thanh niên xung phong là những khách mời đặc biệt.

Trong số hơn 2.500 thanh niên ưu tú đã tham gia làm nên con đường Hạnh phúc, nay chỉ còn 342 người trở lại Hà Giang và đều đã ở tuổi “xưa nay hiếm.”

Ông Nguyễn Mạnh Thùy, Phó Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh Hà Giang, năm nay đã ngót 80 tuổi xúc động chia sẻ: Đây là cuộc hội ngộ có ý nghĩa lịch sử. Chúng tôi mãn nguyện vì được nắm nay nhau sau nửa thế kỷ xa cách, được ôn lại những kỷ niệm rất đỗi tự hào."

Ông Nguyễn Văn Chờ, quê ở Hải Dương, năm nay đã 74 tuổi nhưng ký ức của tuổi 20 khi xung phong đi mở đường Hạnh phúc thì vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của ông.

Năm 1963, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông cùng đồng đội ở Hải Dương khoác balô lên Hà Giang. Lên được vài tháng thì Ban Chỉ huy công trường H100 tổ chức tuyển chọn những thanh niên khỏe mạnh để tham gia thi công đoạn đường ở cao và nguy hiểm nhất trên đỉnh Mã Pì Lèng. Ông Chờ hăng hái làm đơn. Sau khi lọt qua vòng khám sức khỏe theo quy định của đơn vị, ông Chờ cùng hơn 20 anh em khác trúng tuyển vào đội “Thanh niên dũng cảm Mã Pì Lèng,” hay còn gọi là “đội cảm tử.” Hàng trăm người khác do không đủ sức khỏe đã khóc vì không được chọn. Ông Chờ tự hào kể lại.

Những giây phút cảm động nhất trong suốt hành trình thăm lại con đường Hạnh phúc là khoảnh khắc khi các cựu thanh niên xung phong đứng trước anh linh của 13 đồng đội đã ngã xuống nay đang yên nghỉ ở Nghĩa trang liệt sỹ Thanh niên xung phong được xây dựng tại trung tâm huyện Yên Minh. Hàng trăm đôi mắt nhòa lệ, bàn tay run run lần từng tấm bia của đồng đội trong xúc động nghẹn ngào.

Bà Đỗ Thị Quý, cựu thanh niên xung phong tỉnh Hải Dương nấc lên từng hồi khi thắp nén hương cho các đồng đội: "Các anh đã ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ. Sau ngày hoàn thành con đường Hạnh phúc, chúng tôi được Nhà nước ưu tiên cho lựa chọn vào làm việc ở bất kỳ ngành nào. Ngần ấy năm, tôi chỉ tâm niệm được một lần đến gặp và thắp nén hương cho đồng đội."

Cũng là một trong số hơn 20 thành viên trong đội “Cảm tử,” ông Lê Xuân Đới, 71 tuổi, quê ở Nam Định, là người chứng kiến sự hy sinh của nhiều đồng đội tâm sự, dù nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng hình ảnh của những đồng đội đã ngã xuống vẫn còn in trong tâm trí ông, đặc biệt là trường hợp hy sinh của anh Đào Ngọc Phẩm, quê ở Thái Nguyên.

Ông Đới hồi tưởng: "Ngày ấy, khi những thanh niên xung phong đang thi công trên đỉnh Mã Pì Lèng, một đồng đội kéo cái máng gỗ (hay còn gọi là cái chang) để hất đá xuống sông Nho Quế thì bất ngờ bị trượt chân ở miệng vực. Anh Đào Ngọc Phẩm đang làm cạnh đó nhanh chóng lao ra túm tay kéo đồng đội lại. Nhưng do kéo quá mạnh nên anh Phẩm bị mất đà lao người xuống vực sâu. Chúng tôi phải chắp nhiều sợi dây thừng để xuống vực tìm anh. Anh Phẩm được đưa lên trong tình trạng thi thể bị nát vụn, do rơi xuống quá sâu."

Nửa thế kỷ trôi qua, những công lao to lớn của các chiến sỹ thanh niên xung phong gan dạ, dũng cảm hy sinh thân mình vì cuộc sống của hàng vạn đồng bào vùng biên ải đã được Đảng, nhà nước và nhân dân ghi nhận.

Thân nhân của những người đã ngã xuống ấm lòng khi người thân của mình yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sỹ Thanh niên xung phong được tỉnh Hà Giang xây dựng khang trang tại trung tâm huyện Yên Minh.

Những cựu thanh niên xung phong ở 8 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Hải Dương, Nam Định tự hào khi được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Trong cuộc hội ngộ lần này, 342 cựu thanh niên xung phong được trở lại con đường Hạnh phúc năm xưa, đến những địa điểm mang dấu ấn của một thời gian khó nhưng hào hùng như dốc Bắc Sum, cổng trời Quản Bạ, đỉnh Mã Pì Lèng, dinh thự Nhà Vương…

Bên cạnh những ký ức bi hùng còn đọng mãi, các cựu thanh niên xung phong còn cảm thấy hạnh phúc khi chứng kiến đời sống của đồng bào trên vùng Cao nguyên đá đang ngày một đổi thay. Đó chính là niềm mong mỏi lớn nhất của hơn 2.500 thanh niên xung phong đã cống hiến hơn 2 triệu ngày công, đào đắp hơn 2,8 triệu khối đất đá để mở ra con đường Hạnh phúc huyền thoại, nối liền thành phố Hà Giang với bốn huyện cùng cao nằm ở cực bắc Tổ quốc.

50 năm trở lại, người thanh niên xung phong trẻ nhất năm xưa nay cũng đã ngoài 70 tuổi. Sắp tới, một tượng đài tôn vinh các thanh niên xung phong xây dựng nên con đường Hạnh phúc sẽ được dựng lên ngay trên đỉnh Mã Pì Lèng- một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam như một sự tri ân những con người quả cảm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục