Trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện hữu, Hà Nội đang hứng chịu đợt nắng nóng khủng khiếp, dư luận lại sôi sục trước thông tin di dời 1.300 cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội) để thi công đường vành đai 3 cũng như Sở Xây dựng đang lấy ý kiến về việc thay thế 4.000 cây xà cừ...
Bên lề Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14, phó giáo sư, tiến sỹ Hoàng Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã chia sẻ về vấn đề này.
- Thưa đại biểu, những ngày gần đây, người dân đang rất quan tâm về ý kiến chặt hạ 1.300 cây xanh để thi công đường vành đai 3. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Đại biểu Hoàng Văn Cường: Tôi cho rằng những việc nói trên nếu chỉ nghe đơn thuần là chặt cây xanh để làm đường hay chuyện lấp hồ xây nhà thì rõ ràng là phản khoa học, phản về mặt nhân sinh quan, môi trường và không một ai đồng tình.
Tuy nhiên, chúng ta phải xem xét nó trong một mối quan hệ biện chứng hơn. Ví dụ trong một tuyến đường đi buộc lòng phải mở, mà trên tuyến đó có một số cây thì buộc lòng phải di dời chứ không có phương án lựa chon nào khác. Thậm chí việc di dời còn tốn hơn trồng cây mới. Do đó, vấn đề này chúng ta phải cân nhắc.
[Yêu cầu làm rõ việc chặt cây xanh gây phản cảm ở Thạch Thất]
- Báo chí cũng thông tin Sở Xây dựng Hà Nội lấy ý kiến về việc loại bỏ cây xà cừ trên địa bàn các quận để trồng các loại cây xanh khác? Là đại diện cử tri, ông nghĩ gì…?
Đại biểu Hoàng Văn Cường: Tôi không đồng tình với việc loại bỏ xà cừ đi để thay bằng cây khác. Tôi cho rằng không chỉ xà cừ, mà nhiều cây lâu năm không còn an toàn, có nguy cơ xảy ra đổ, gẫy khi mưa bão thì buộc lòng phải xử lý.
Điều này không có nghĩa chúng ta phải xử lý, thay thế xà cừ bằng một cây khác bởi bản thân xà cừ không có ảnh hưởng gì, không có lỗi gì đối với Hà Nội cả.
- Trên thực tế thì chúng ta mới chỉ nghe thấy phương án di chuyển 1.300 cây xanh chứ không hề thấy có phương án nào khác để người dân xem đâu là phương án khả thi hơn, thưa ông?
Đại biểu Hoàng Văn Cường: Thứ nhất, tôi nghĩ phương án như vậy động chạm đến nhiều vấn đề liên quan, kể cả vấn đề kinh tế. Thứ hai là liên quan đến vấn đề sử dụng và phát triển khoảng không cho nên chắc chắn các phương án này phải được trình ra Hội đồng Nhân dân thành phố để cho ý kiến chứ không thể có chuyện một cơ quan nào đó đứng lên tuyên bố rằng chặt hàng cây này đi và trồng cây khác vào được.
Tất nhiên bây giờ các ý tưởng có thể đưa ra để nhân dân có ý kiến và điều này là tốt. Tuy nhiên, khi ra quyết định thì tôi nghĩ vấn đề lớn này chắc chắn Hội đồng Nhân dân thành phố sẽ phải có ý kiến chính thức.
- Thực tế thì ai cũng muốn phát triển Thủ đô, nhưng có những đề xuất như lấp một phần hồ Thành Công để xây chung cư khi đưa ra gặp phải phản đối của dư luận và việc di dời cây xanh cũng vậy. Theo ông, Hà Nội có nên đưa ra lấy ý kiến nhân dân khi quyết định những việc này?
Đại biểu Hoàng Văn Cường: Tôi nghĩ tất cả các phương án bao giờ cũng phải lấy ý kiến nhân dân. Tôi có nghe nói một doanh nghiệp có ý tưởng lấp đi một phần hồ để xây nhà tái định cư, sau đó cải tạo khu đô thị và đào trả lại hồ. Đây là ý tưởng của họ, chúng ta đừng vội phê phán ngay mà phải khuyến khích các doanh nghiệp có những ý tưởng đề xuất. Nếu ý tưởng của họ có lợi cho xã hội, được nhân dân đồng tình thì ta phải ủng hộ họ.
Tuy nhiên, muốn biết ý tưởng đó có lợi cho xã hội và được nhân dân ủng hộ hay không thì phải được đưa ra lấy ý kiến của nhân dân, được công khai và khi đó chúng ta sẽ có được câu trả lời có nên hay không nên làm. Còn nếu chỉ nghe xong mà chúng ta vội phán quyết ngay thì nhiều khi hơi chụp mũ, làm mất tính sáng tạo, tư duy đề xuất táo bạo của doanh nghiệp, cá nhân.
[Bí thư Hà Nội: Giữ được một cây cũng quý, trăm năm mới có được]
Tôi cho rằng, việc thông tin cho người dân góp ý sớm về sự việc ngay từ đầu là cần thiết. Từ đó, chính quyền địa phương cũng thấy rằng cần phải cẩn trọng trong việc xem xét những ý tưởng như thế này. Phải công khai những phương án rất rõ ràng, minh bạch , thông tin rộng rãi đến nhân dân và phải thông qua các cơ quan có chức trách để có ý kiến chính thức…
- Theo ông, việc lấy ý kiến thực hiện như thế nào?
Đại biểu Hoàng Văn Cường: Việc chặt cây, di dời cây nhằm xây dựng một tuyến đường nào đó hay như lấp đi một phần hồ để xây nhà chung cư đều phải đưa ra được phương án, chứ không đơn giản là thông báo. Phương án làm như thế nào? Tại sao lại phải làm như vậy? Sau khi hoàn thành thì môi trường mới tạo ra có tốt hơn môi trường cũ hay không? Người dân phải đánh giá được.
Chẳng hạn, bây giờ nói lấp hồ xây nhà đương nhiên người dân phản đối, nhưng nếu như anh có phương án xây dựng phải lấp đi một cái hồ rất nhỏ nhưng sau khi hoàn thành có thể tạo ra một cái hồ lớn hơn, đẹp hơn thì tôi nghĩ người dân sẽ đồng tình, không ai phản đối cả.
Vấn đề nằm ở chỗ phải công khai minh bạch từng phương án chứ không phải người quản lý cứ toàn quyền quyết định. Nhân dân sẽ đồng tình khi nhìn thấy được những lợi ích mà xã hội có được từ dự án.
- Xin cảm ơn đại biểu!