Đắk Nông: Dịch vụ môi trường rừng chiếm hơn 70% mức đầu tư lâm nghiệp

Nguồn thu dịch vụ môi trường rừng giúp huy động nguồn tài chính ổn định để đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, góp phần quan trọng trong việc quản lý, khai thác có hiệu quả, bền vững.
Đắk Nông: Dịch vụ môi trường rừng chiếm hơn 70% mức đầu tư lâm nghiệp ảnh 1Bình quân hàng năm, Đắk Nông có hơn 148.000ha rừng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. (Ảnh: Hưng Thịnh/Vietnam+)

Sau hơn 10 năm triển khai, tỉnh Đắk Nông đã thu gần 1.000 tỷ đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Nguồn thu này đã góp phần quan trọng, là nguồn lực “sống còn” cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là từ thời điểm Chính phủ ra lệnh đóng cửa rừng (năm 2016).

Nâng cao vai trò, vị trí của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

Theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển Rừng Đắk Nông, tỉnh là một trong những tỉnh sớm thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển Rừng sau khi Nghị định 05/2008/NĐ-CP ngày 14/01/2008 của Chính phủ về Quỹ Bảo vệ và Phát triển Rừng có hiệu lực.

Quỹ Bảo vệ và Phát triển Rừng tỉnh Đắk Nông được thành lập ngày 11/11/2008 và được UBND tỉnh Đắk Nông giao quyền tự chủ về tài chính (chi thường xuyên) từ năm 2012.

Trong 15 năm qua, Quỹ Bảo vệ và Phát triển Rừng đã tổ chức hơn 100 cuộc hội thảo, tập huấn triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và các văn bản hướng dẫn có liên quan cho cán bộ và nhân dân tham gia quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn.

Đơn vị cũng tổ chức tuyên truyền trực quan trên hơn hàng nghìn băng rôn, cờ phướn, bảng cố định, truyền thanh lưu động tại các huyện, thành phố trên toàn tỉnh Đắk Nông.

Quỹ Bảo vệ và Phát triển Rừng cũng tổ chức in ấn và cấp phát hàng chục nghìn vật phẩm tuyên truyền về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn và nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển Rừng đã đề nghị các đơn vị được thụ hưởng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng tích cực tuyên truyền đến các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư sống gần rừng bằng nhiều hình thức như: đóng bảng tuyên tuyền, tổ chức họp dân để phổ biến về chính sách… về thu, chi tiền dịch vụ môi trường rừng.

Thông qua các hoạt động tuyên truyền trên, các cấp, các ngành và người dân trên địa bàn toàn tỉnh đã hiểu được rõ hơn về chi trả dịch vụ môi trường rừng, đặc biệt là những đơn vị cung ứng và sử dụng dịch vụ môi trường rừng.

Qua đó, nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng của những người được hưởng lợi từ rừng hoặc có các hoạt động ảnh hưởng trực tiếp đến rừng, góp phần thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp.

Đắk Nông: Dịch vụ môi trường rừng chiếm hơn 70% mức đầu tư lâm nghiệp ảnh 2Chính sách dịch vụ môi trường rừng đã góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. (Ảnh: Hưng Thịnh/Vietnam+)

Quỹ Bảo vệ và Phát triển Rừng Đắk Nông cũng đã chủ động, kịp thời triển khai có hiệu quả việc xây dựng các đề án, dự án liên quan nhằm triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Các đề án, dự án được xem là hành lang pháp lý quan trọng giúp các đơn vị chủ rừng triển khai thực hiện; đảm bảo công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh được công khai, minh bạch, khách quan, đúng đối tượng, đúng diện tích; là cơ sở dữ liệu số quan trọng trong quản lý diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Điển hình là dự án điều tra phân loại thống kê đối tượng tham gia chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với 2 huyện thí điểm Đắk G’long và Krông Nô (đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông phê duyệt ngày 26/12/2012); Dự án Điều tra phân loại thống kê đối tượng tham gia chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn toàn tỉnh (phê duyệt ngày 11/7/2014); Đề án xây dựng bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông (phê duyệt ngày 17/12/2019); Đề án phát triển rừng bền vững bằng phương thức trồng rừng Nông lâm kết hợp và trồng cây phân tán giai đoạn 2019-2025 (phê duyệt ngày 21/12/2021); và Công trình xây dựng bản đồ lưu vực nơi cung ứng dịch vụ môi trường rừng (được ngày 28/01/2022)…

Thời gian qua, Quỹ Bảo vệ và Phát triển Rừng Đắk Nông đã tích cực, chủ động tổ chức làm việc, tuyên truyền về Luật Lâm nghiệp 2017 và Nghị định số 156/2018/NĐ-CP, ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.

Đến nay 100% các đơn vị sử dụng dịch vụ đã thực hiện ký kết hợp đồng chi trả theo qui định. Tổng diện tích bình quân qua các năm được xác định cung ứng dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng trên địa bàn tỉnh hơn 148.000ha.

[Bắt quả tang đối tượng dùng máy múc phá rừng ở Đắk Nông]

Cũng theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển Rừng Đắk Nông, từ năm 2012 đến nay, tổng số thu tiền dịch vụ môi trường rừng đã thu đạt gần 1.000 tỷ đồng.

Nguồn thu này đã góp phần quan trọng, là nguồn lực “sống còn” cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là từ thời điểm Chính phủ ra lệnh đóng cửa rừng (năm 2016).

Hiện nay, việc chi trả dịch vụ môi trường rừng cho tất cả các đơn vị chủ rừng ở Đắk Nông đều được thực hiện bằng hình thức thanh toán qua tài khoản ngân hàng.

Điều này giúp minh bạch hóa thông tin, đồng thời giảm thời gian, chi phí đi lại và các vấn đề phát sinh trong quá trình chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Chia sẻ lợi ích, phát triển bền vững

Chi trả dịch vụ môi trường rừng ra đời đã thiết lập được một hệ thống chia sẻ lợi ích, thông qua triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã thực sự đem lại những hiệu quả đáng khích lệ cả về môi trường, kinh tế và hiệu ứng xã hội.

Theo ông Nguyễn Ngọc Xuân, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển Rừng Đắk Nông, trải qua 15 năm thành lập và hoạt động, Quỹ đã ngày càng lớn mạnh.

Điều này góp phần vào thành công chung trong công tác thu, chi tiền dịch vụ môi trường rừng của Đắk Nông nói riêng, Tây Nguyên và cả nước nói chung.

Nguồn thu dịch vụ môi trường rừng giúp huy động nguồn tài chính ổn định để đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, góp phần quan trọng trong việc quản lý, khai thác có hiệu quả, bền vững tài nguyên đất đai trong lâm nghiệp.

Điều này góp phần cải thiện điều kiện sống, giải quyết việc làm, thực hiện thành công chính sách giảm nghèo, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Nhờ chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, người tham gia trồng và bảo vệ rừng được đánh giá, ghi nhận đúng mức đúng mức, điều này đã góp phần phát triển rừng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững.

Việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng công bằng, bình đẳng, đúng đối tượng, quy định đã tác động trực tiếp góp phần làm giảm số vụ, diện tích thiệt hại vi phạm pháp luật về lâm nghiệp trên địa bàn trong thời gian qua.

Theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển Rừng Đắk Nông, thành công trong thu, chi tiền dịch vụ môi trường rừng đã góp phần trực tiếp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Đắk Nông: Dịch vụ môi trường rừng chiếm hơn 70% mức đầu tư lâm nghiệp ảnh 3Rừng trên lâm phần được giao cho Ban Quản lý Rừng Phòng hộ Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) bị cháy do một số đối tượng đốt, phá.(Ảnh: Hưng Thịnh/Vietnam+)

Việc xây dựng các đề án, dự án góp phần triển khai có hiệu quả chính sách dịch vụ môi trường rừng; công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến các cấp, các ngành và người dân trên địa bàn toàn tỉnh đặc biệt các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư sống gần rừng, tạo ra sự quan tâm và ủng hộ của toàn xã hội.

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Bảo vệ và Phát triển Rừng Đắk Nông, thời gian qua, Quỹ đã hoạt động ngày càng hiệu quả.

Đơn vị đã từng bước ứng dụng công nghệ thông tin trong theo dõi, giám sát, kiểm tra, nghiệm thu xác định diện tích chi trả dịch vụ môi trường rừng. Điều này giúp công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng thực hiện đúng đối tượng, đúng pháp luật.

Hiện nay, tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp, Quỹ Bảo vệ và Phát triển Rừng cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Cụ thể, Quỹ cần tập trung tham mưu cho ngành lâm nghiệp thực hiện các giải pháp để giữ vững diện tích rừng tự nhiên hiện có, tăng diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng.

Bên cạnh đó, Đắk Nông cũng đặt mục tiêu từng bước tăng diện tích rừng trồng mới thêm một số diện tích rừng, góp phần vào mục tiêu nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh.

Ông Phạm Tuấn Anh cũng khẳng định việc đưa vào hoạt động Quỹ Bảo vệ và Phát triển Rừng đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước.

Hiện tỷ trọng bình quân tiền dịch vụ môi trường rừng hàng năm chiếm hơn 70% tổng mức đầu tư cho ngành lâm nghiệp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục