Đắk Nông kiến nghị Bộ TN&MT điều tra nguyên nhân sạt lở bờ sông Krông Nô

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông, sông Krông Nô là con sông liên tỉnh, việc khảo sát, đánh giá nguyên nhân, cũng như các giải pháp giảm thiểu sạt lở bờ sông cần được thực hiện đồng bộ.

Sông Krông Nô, đoạn chảy qua thôn Phú Hưng, xã Quảng Phú có 3 vị trí sạt lở nguy hiểm. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)
Sông Krông Nô, đoạn chảy qua thôn Phú Hưng, xã Quảng Phú có 3 vị trí sạt lở nguy hiểm. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)

Ngày 7/3, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông cho biết, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lê Trọng Yên vừa ký công văn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, đề nghị Bộ chủ trì việc điều tra, đánh giá nguyên nhân sạt lở bờ sông Krông Nô, khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Đắk Nông-Đắk Lắk.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông, sông Krông Nô có tổng chiều dài 189km; trong đó, đoạn chảy qua hai tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông dài hơn 53km. Mấy năm gần đây, đoạn qua địa phận tỉnh Đắk Nông đã có 18 điểm sạt lở bờ sông, với tổng chiều dài hơn 9km.

Trên đoạn sông chảy qua hai tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, hiện có 13 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát sông.

Qua ghi nhận thực tế vào cuối năm 2023, nhiều vị trí tiếp giáp sông Krông Nô thuộc địa giới hành chính các xã Nâm N’Đir, Đắk Nang... (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) đã xảy ra sạt lở nghiêm trọng.

Tình trạng này đe dọa nhiều công trình giao thông nội đồng, đường điện, hạ tầng thủy lợi và nguy cơ sạt lở đất nông nghiệp với diện tích lớn.

Liên quan tới tình trạng sạt lở ven sông Krông Nô thuộc địa giới hành chính tỉnh Đắk Nông, từ năm 2010 đến nay, Ủy ban Nhân dân huyện Krông Nô đã phê duyệt 6 phương án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ cho hộ dân có đất bị sạt lở, ngập úng do ảnh hưởng của quá trình xây dựng, vận hành Thủy điện Buôn Tua Srah (được xây dựng trên sông Krông Nô, đoạn chảy qua xã Nam Ka, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk và xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) với tổng diện tích hơn 130ha.

Tuy nhiên, hiện nay, đối chiếu quy định của Luật Đất đai và các nghị định hướng dẫn liên quan, việc tiếp tục bồi thường, hỗ trợ để thu hồi đất do ngập úng, sạt lở đất vùng hạ lưu Nhà máy Thủy điện Buôn Tua Srah chưa được quy định cụ thể. Việc xác định nguyên nhân sạt lở bờ sông sông Krông Nô (do hoạt động khai thác cát, do quá trình vận hành thủy điện, hay do địa chất, dòng chảy tự nhiên...) vẫn chưa rõ ràng, ngã ngũ.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông, sông Krông Nô là con sông liên tỉnh, việc khảo sát, đánh giá nguyên nhân, cũng như các giải pháp giảm thiểu sạt lở bờ sông cần được thực hiện đồng bộ.

Do đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện việc điều tra, đánh giá nguyên nhân sạt lở và các giải pháp giảm thiểu sạt lở để đảm bảo an toàn cho các công trình cơ sở hạ tầng, công trình phục vụ sản xuất và đất sản xuất của người dân hai bên bờ sông.

Trước đó, trả lời chất vấn của các đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Đắk Nông về tình trạng sạt lở bờ sông Krông Nô tại kỳ họp lần thứ 7, Hội đồng Nhân dân tỉnh Đắk Nông nhiệm kỳ 2021-2026, được tổ chức vào cuối tháng 12/2023, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười cho rằng, tình trạng sạt lở bờ sông Krông Nô có nhiều nguyên nhân, trong đó nổi bật là vấn đề khai thác cát, việc vận hành của thủy điện và quy luật dòng chảy bên lở bên bồi...

Cũng theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông, cần có đơn vị tư vấn, đánh giá nghiêm túc, cụ thể và phải làm căn cơ, phải xác định rõ nguyên nhân sạt lở, giải pháp khắc phục hiệu quả, đồng bộ trước khi triển khai các giải pháp hạn chế, khắc phục, nhất là tại các khu vực đang dự kiến đầu tư công trình chống sạt lở./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục