Đậm đà hương vị núi rừng trong ngày hội “Hương vị quê nhà”

Hàng chục món ăn nổi tiếng, đặc trưng của ẩm thực Tây Nguyên mang đậm hương vị của núi rừng đã được giới thiệu, tôn vinh trong ngày hội ẩm thực “Hương vị quê nhà.”

Hàng chục món ăn nổi tiếng, đặc trưng của ẩm thực năm tỉnh Tây Nguyên mang đậm hương vị của núi rừng, của vùng đất lạnh đã được giới thiệu, tôn vinh trong ngày hội ẩm thực “Hương vị quê nhà” do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) và Công ty Minh Long phối hợp tổ chức trong hai ngày 22-23/7 tại thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng.

Từ những món ăn nhẹ nhàng cho những ngày lang thang thưởng ngoạn phố núi Đà Lạt như bánh bèo, bánh căn, bánh xèo, mì Quảng; các món ăn dân dã của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên như gỏi trứng kiến, kiến vàng nấu bò lá lốt (Kon Tum), cá lăng sông Sê San um cà đắng, heo ướp lá mắc mật (Gia Lai), cá lăng om lá khổ qua, canh trứng kiến lá giang (Đắk Lắk); đến những món ăn được chế biến cầu kỳ, được các nghệ nhân ẩm thực sáng tạo nên như lẩu lá rừng, gỏi lá Gia Lai với gần 50 loại rau, lá, canh atiso hầm giò heo, hoa cúc cuộn cá tầm atiso, cá tầm philê cuộn hoa kim châm với sốt dâu Đà Lạt và gỏi cuốn Tây Nguyên của nhiều nhà hàng ở Đà Lạt, sâm Ngọc Linh ngủ Đông của các nghệ nhân Kon Tum...

Những món ăn của các địa phương Tây Nguyên được chế biến đơn giản, cầu kỳ khác nhau, nhưng đều đem đến cho người dùng những hương vị quen thuộc của quê hương vùng cao, nét tinh túy của ẩm thực núi rừng mang đậm cả vẻ hoang sơ lẫn hương vị vừa lạ, vừa hấp dẫn, kết hợp các loại đặc sản, thảo dược quý của Tây Nguyên. Ở đó có cả sự kết hợp của ẩm thực Việt từ ba miền Bắc-Trung-Nam, với sự biến tấu cho phù hợp với điều kiện của miền cao, để làm nên ẩm thực Tây Nguyên vừa quen mà lạ, dễ tiếp nhận mà cũng đầy lôi cuốn để khám phá.

Trong khuôn khổ ngày hội, tọa đàm “Tinh túy ẩm thực Việt-khu vực Tây Nguyên” cũng một lần nữa nhấn mạnh đến giá trị của ẩm thực Tây Nguyên trong việc góp phần thúc đẩy phát triển du lịch vùng, đóng góp cho sự đa dạng, phong phú và tinh túy của văn hóa ẩm thực Việt Nam để quảng bá với người dân trong nước và khách du lịch nước ngoài.

Theo một số chuyên gia ẩm thực, Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng vẫn chưa khai thác hết lợi thế về đặc sản, ẩm thực, nhất là Đà Lạt chưa tận dụng ưu thế là vùng sản xuất rau củ quả lớn nhất nước.

Mặt khác, nhiều món ngon cũng cần có sự thay đổi, cải tiến, sáng tạo trong chế biến, trình bày để phù hợp với đời sống hiện đại và để thuận tiện cho việc thưởng thức của du khách quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục