Đánh giá Chiến lược châu Á-Thái Bình Duơng về bệnh mới nổi

Ngày 12/5, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức hội thảo “Đánh giá Chiến lược châu Á Thái Bình Dương về bệnh mới nổi.
Đánh giá Chiến lược châu Á-Thái Bình Duơng về bệnh mới nổi ảnh 1Hệ thống máy kiểm tra thân nhiệt từ xa bằng tia hồng ngoại được lắp đặt tại sân bay quốc tế Nội Bài. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Ngày 12/5, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức hội thảo “Đánh giá Chiến lược châu Á Thái Bình Dương về bệnh mới nổi (APSED) và Điều lệ y tế quốc tế (IHR)” nhằm kiểm điểm các hoạt động thời gian qua, rút ra các bài học kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi.

Các báo cáo tại hội thảo nêu rõ trước sự gia tăng của các bệnh dịch và các bệnh truyền nhiễm mới nổi, Đại Hội đồng Tổ chức Y tế thế giới lần thứ 58 đã ra Nghị quyết thông qua Điều lệ Y tế quốc tế vào năm 2005.

Điều lệ Y tế quốc tế là tài liệu mang tính pháp lý đối với tất cả các quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế thế giới và có hiệu lực từ ngày 15/6/2007.

Mục tiêu của Điều lệ Y tế quốc tế là nhằm ngăn ngừa, bảo vệ và đáp ứng với sự lây lan của bệnh dịch, các sự kiện ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng giữa các quốc gia; qua đó giảm mối đe dọa của các bệnh dịch đối với sức khoẻ cộng đồng quốc tế.

Chiến lược phòng chống bệnh truyền nhiễm mới nổi khu vực châu Á-Thái Bình Dương được Tổ chức Y tế thế giới ban hành lần đầu tiên năm 2005 và được sửa đổi bổ sung năm 2010. Đây là Chiến lược của khu vực để nâng cao khả năng quản lý và ứng phó với các bệnh mới nổi bao gồm các bệnh dịch lưu hành.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết ngay sau khi Điều lệ Y tế quốc tế được Tổ chức Y tế thế giới thông qua, Bộ Y tế Việt Nam đã chính thức cử Cục Y tế dự phòng làm cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế.

Thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành cùng chia sẻ các thông tin liên quan tới các bệnh truyền nhiễm.

Văn phòng Đáp ứng tình trạng khẩn cấp (EOC) đã được Bộ Y tế thành lập và kích hoạt trong công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt là dịch bệnh Ebola tại châu Phi.

Năm 2015, Bộ Y tế đã chính thức phê duyệt Kế hoạch phòng chống bệnh truyền nhiễm mới nổi, các sự kiện y tế công cộng ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng...

Cục Y tế dự phòng khẳng định thực hiện Chiến lược châu Á-Thái Bình dương về bệnh mới nổi trong lĩnh vực bệnh lây truyền từ động vật sang người, Bộ Y tế đã thực hiện đánh giá nguy cơ chung về cúm gia cầm A/H7N9 thường xuyên tại Văn phòng Đáp ứng tình trạng khẩn cấp; phối hợp điều tra ổ dịch như cúm gia cầm, dại, than...; tổ chức diễn tập ứng phó với bệnh cúm và Ebola.

Đối với các bệnh mới nổi có nguy cơ đại dịch như cúm gia cầm H5N1 và H7N9, cả hai ngành y tế và thú y đều lập kế hoạch ứng phó và chuẩn bị khẩn cấp; đặc biệt hệ thống phòng xét nghiệm của 2 ngành đã được nâng cấp...

Thời gian tới, ngành y tế tiếp tục tăng cường phối hợp liên ngành theo phương pháp tiếp cận “một sức khỏe”; hoàn thiện mô hình Văn phòng Đáp ứng tình trạng khẩn cấp trong công tác ứng phó dịch bệnh bao gồm các bệnh lây truyền từ động vật sang người; tăng cường giám sát một số bệnh lây truyền từ động vật sang người; nâng cao năng lực xét nghiệm; tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học và đào tạo cán bộ liên quan đến công tác này...

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận những vấn đề chính như thực hiện Điều lệ quốc tế tại Việt Nam; các hoạt động sẵn sàng ứng phó với tình huống y tế công cộng khẩn cấp; kiểm soát và phòng chống nhiễm khuẩn; truyền thông nguy cơ.../.

Tin cùng chuyên mục