Đâu là nguyên nhân cốt lõi của tình trạng bất ổn ở Trung Đông?

Nhiều nhà phân tích Thổ Nhĩ Kỳ nói động thái gần đây của chính quyền Tổng thống Trump nhằm chống lại Iran làm gia tăng "bóng đen" của một cuộc xung đột khác tại Trung Đông - khu vực vốn đã rất bất ổn.
Đâu là nguyên nhân cốt lõi của tình trạng bất ổn ở Trung Đông? ảnh 1Tàu sân bay USS Abraham Lincoln di chuyển qua kênh đào Suez, gần thành phố Ismailia, phía Đông Cairo của Ai Cập ngày 9/5/2019 trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Iran trong khu vực. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tân Hoa xã đưa tin trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang tại vùng Vịnh do các lệnh trừng phạt và đe dọa của Mỹ chống lại Iran, nhiều nhà phân tích của Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng các chính sách đế quốc và can thiệp của Mỹ là nguyên nhân chính gây ra hỗn loạn và bất ổn tại Trung Đông.

Những động thái gần đây của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm chống lại Iran đã làm gia tăng "bóng đen" của một cuộc xung đột khác tại Trung Đông - một khu vực vốn đã rất bất ổn.

Những động thái này, bao gồm việc tiếp tục củng cố sự hiện diện của quân đội Mỹ tại khu vực và khôi phục các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt chống Iran, đã dẫn tới tình thế đối đầu quân sự tại vùng Vịnh.

Với lý do có một mối đe dọa đến từ Iran, Washington vừa quyết định cử thêm 1.500 quân tới Trung Đông, bên cạnh việc triển khai một nhóm tác chiến tàu sân bay, các máy bay ném bom và các hệ thống chống tên lửa.

[Mỹ đe dọa trừng phạt các đồng minh châu Âu do làm ăn với Iran]

Baris Doster, một học giả người Thổ Nhĩ Kỳ, nói với Tân Hoa xã trong một cuộc phỏng vấn: "Theo tôi, chúng ta sẽ không thể giải thích được bất kỳ điều gì tại khu vực này nếu không sử dụng tới khái niệm 'chủ nghĩa đế quốc'. Khi tôi nói tới chủ nghĩa đế quốc, tất nhiên chúng ta cần hiểu đó là chủ nghĩa đế quốc của Mỹ."

Theo ông Doster, Mỹ đã gây bất ổn tại Trung Đông vì một số nhu cầu và lợi ích quan trọng của nước này, bao gồm: thỏa mãn nhu cầu an ninh của Israel cũng như của Saudi Arabia và các quốc gia Arab vùng Vịnh khác, đảm bảo các nguồn cung cấp năng lượng, cô lập Iran, tạo ra một nhà nước của người Kurd, cũng như kiềm chế Trung Quốc, Nga và các cường quốc đang nổi lên khác.

Ông Doster cũng chỉ ra rằng Afghanistan, Iraq, Libya và Syria vẫn đang chao đảo vì các cuộc xâm lược và can thiệp của Mỹ và các nước đồng minh, khiến hàng trăm nghìn dân thường thiệt mạng và nhiều người khác bị mất nhà cửa hoặc phải bỏ chạy sang châu Âu và các quốc gia láng giềng.

Tuy nhiên, bất chấp căng thẳng đang gia tăng, ông Doster cho rằng Mỹ sẽ không tấn công quân sự nhằm vào Iran - nước Cộng hòa Hồi giáo có nền ngoại giao, quân đội, kinh tế và nhà nước "mạnh."

Học giả người Thổ Nhĩ Kỳ này giải thích: "Chúng ta không thể so sánh Iran với Iraq, hay với Syria hoặc Afghanistan."

Ông cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia khác, những nước đang chịu sức ép từ "chủ nghĩa đế quốc của Mỹ," cần tiếp tục nhập khẩu dầu mỏ của Iran bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ, với lập luận rằng nếu các nước này "có thể đoàn kết và đối phó" thì họ có thể ngăn chặn "chủ nghĩa phiêu lưu" của Mỹ ở khu vực.

Bình luận kế hoạch của Mỹ về "Thỏa thuận thế kỷ" nhằm giải quyết xung đột Israel-Palestine, ông Doster tỏ ra không mấy lạc quan về nỗ lực kiến tạo hòa bình của Mỹ.

Ông nói: "Bởi vì Israel đang được Mỹ hậu thuẫn, và tôi không cho rằng Mỹ - một quốc gia theo chủ nghĩa đế quốc và không phải là quốc gia trong khu vực này - có thể tạo ra hòa bình và ổn định cho khu vực. Nếu hòa bình đến với khu vực này thì nó không phải đến từ Mỹ."

Ông Doster dự đoán rằng hòa bình sẽ không trở lại với Trung Đông trong thập kỷ tới, chủ yếu là bởi cuộc cạnh tranh nhằm giành quyền kiểm soát các nguồn năng lượng vốn đã trở nên phức tạp hơn bởi các cuộc xung đột sắc tộc và phe phái như vẫn diễn ra từ nhiều thập kỷ qua.

Mỹ cũng đang sử dụng các biện pháp trừng phạt như một công cụ nhằm gây sức ép với Thổ Nhì Kỳ, buộc nước này phải khuất phục trước Washington trong lĩnh vực kinh tế và chính trị.

Nhằm ép Thổ Nhĩ Kỳ phải thả một linh mục người Mỹ bị bắt giam hồi năm ngoái và hủy bỏ việc mua hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất, chính quyền Trump đã tăng thuế nhập khẩu đối với thép và nhiều mặt hàng khác của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời đe dọa ngừng chuyển các máy bay chiến đấu tiên tiến F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Các lệnh trừng phạt và đe dọa của Mỹ là nguyên nhân chính khiến nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang xấu đi, khiến đồng tiền của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị giảm giá mạnh kể từ năm ngoái.

Selva Tor, một nhà phân tích chính trị người Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ trích việc chính quyền của Tổng thống Trump vẫn gắn bó với "các chính sách vốn đã bị mục nát" và từ lâu đã chứng minh là không có tính bền vững, bất chấp những thay đổi kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và các thách thức mà các nền kinh tế đang nổi đặt ra đối với vai trò mang tính quyết định của đồng đôla Mỹ - yếu tố then chốt của "quyền bá chủ" của Mỹ.

Theo nhà phân tích này, bởi vì phải mất một khoảng thời gian dài nữa để tính ưu việt đang dần phân rã của Mỹ sẽ bị phân rã hơn nữa, Washington được cho là sẽ tiếp tục gây ra thêm các cuộc xung đột và bất ổn không chỉ ở Trung Đông mà còn ở các khu vực dễ bị tổn thương khác.

Nhà phân tích Tor nói: "Sẽ cực kỳ tốn kém để một cỗ máy quân sự hùng mạnh như Mỹ nằm quyền bá chủ toàn cầu - điều đang dần không còn nữa - bằng vũ lực. Nếu hệ thống thế giới thay đổi được các yếu tố cốt lõi của mình như tiền tệ và hệ thống thương mại, chúng ta sẽ có khả năng mang lại hòa bình và thịnh vượng cho các khu vực đang xảy ra xung đột như Trung Đông."

Đối với người dân thường Thổ Nhĩ Kỳ, các hành động và chính sách "bắt nạt" của Mỹ bị cho là nguyên nhân chính gây ra hỗn loạn và bất ổn tại Trung Đông.

Ugur Yorga, một thanh niên ngoài 20 tuổi người Thổ Nhĩ Kỳ, khi được yêu cầu bình luận về căng thẳng đang dâng cao ở khu vực, đã nói: "Mỹ phải chịu phần lớn trách nhiệm vì tình trạng lộn xộn tại Trung Đông. Mỹ là nguyên nhân lớn nhất."

Murat Basci, một người Thổ Nhĩ Kỳ đã nghỉ hưu, nói rằng các chính sách của Mỹ đã cho thấy Washington đang hành xử như "một đứa trẻ hư hỏng" với việc can thiệp táo bạo vào các vấn đề của Trung Đông và nhiều nơi khác.

Ông nói: "Việc của Mỹ là phá hoại mọi thứ. Nước này bán vũ khí. Nước này kiểm soát dầu mỏ và nhiều thứ khác"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục