Đấu thầu nhập 60 triệu liều vắcxin cúm gia cầm

Ngày 27/10, Cục Thú y sẽ đấu thầu nhập khẩu 60 triệu liều vắcxin cúm gia cầm cho các địa phương khu vực phía Nam tiêm phòng đợt 2.
Ngày 27/10, Cục Thú y sẽ đấu thầu nhập khẩu 60 triệu liều vắcxin cúm gia cầm cho các địa phương khu vực phía Nam tiêm phòng đợt 2 năm 2011.

Thông tin được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra tại cuộc họp giao ban Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm diễn ra ngày 25/10.

Ngoài ra, Cục Thú y đã tổ chức đấu thầu nhập khẩu 3,7 triệu liều vắcxin lở mồm long móng và đang tổ chức ký hợp đồng với công ty trúng thầu cung ứng cho các địa phương tiêm phòng.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần yêu cầu ngành thú y phải chỉ đạo các địa phương quyết liệt hơn trong công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Đặc biệt, không để dịch bệnh bùng phát trên đàn lợn nhằm đảm bảo nguồn cung thực phẩm và bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm.

Ngành thú y và các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền cho người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm nhằm giảm thiểu các hành vi có nguy cơ phát sinh và lây lan dịch.

Tổ chức thực hiện các biện pháp đồng bộ phòng, chống dịch như: khuyến cáo áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi, điểm vận chuyển, giết mổ, chợ buôn bán gia cầm, đặc biệt là từ vùng có ổ dịch cúm.

Ông Hoàng Văn Năm, Cục trưởng Cục Thú y cho biết: tính đến thời điểm hiện nay, dịch cúm gia cầm vẫn tiếp tục được khống chế.

Tuy nhiên, hiện thời tiết thay đổi và chuyển lạnh, diễn biến bất thường làm giảm sức đề kháng của đàn gia cầm, nhiều đàn gia cầm đã hết miễn dịch, virus cúm lưu hành khu vực miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên đã có biến đổi và vẫn chưa có vắcxin phù hợp, việc nhập lậu gia cầm đang diễn biến phức tạp và gia tăng...

Do vậy, nguy cơ dịch tiếp tục xuất hiện trong thời gian tới là rất cao. Về dịch lở mồm long móng tiếp tục được các địa phương khống chế.

Tuy nhiên, đáng lưu ý, tại các tỉnh có ổ dịch cũ như Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Quảng Nam dịch lợn tai xanh vẫn tiếp tục phát hiện thêm ổ dịch mới và có chiều hướng lây lan chậm./.

Thành Trung (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục