Để du lịch bắt đầu từ việc lên tàu chứ không chỉ là điểm đến

Đoàn tàu đóng mới chất lượng cao tiêu chuẩn “5 sao” được ngành đường sắt đưa vào khai thác vừa qua đã và đang dần phát huy tác dụng thay đổi hoàn toàn bộ mặt đường sắt.
Để du lịch bắt đầu từ việc lên tàu chứ không chỉ là điểm đến ảnh 1Không gian nội thất sang trọng, dịch vụ tiêu chuẩn là những gì đoàn tàu ‘5 sao’ cung cấp cho hành khách. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Với việc nâng cao chất lượng dịch vụ và từng bước cải tạo, sửa chữa kết cấu hạ tầng chạy tàu trong thời gian tới, theo ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), đường sắt sẽ tập trung thay đổi tư duy văn hóa tham gia giao thông của hành khách đó là đường sắt không phải là phương tiện chở khách đi du lịch mà là hãy đi du lịch bằng hành trình của đường sắt. Khách du lịch bắt đầu từ việc lên tàu chứ không phải tàu chỉ là phương tiện đưa khách đến điểm đến.

Du lịch tại nhà ga, trên tàu?

Thừa nhận đoàn tàu đóng mới với chất lượng dịch vụ cao đã thu hút nhiều hành khách lựa chọn đường sắt, theo báo cáo của VNR, dịp Tết Mậu Tuất vừa qua, hệ số sử dụng ghế bình quân của đoàn tàu “5 sao” tuyến Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh lên tới 87%. Hệ số này tương đối cao do tàu đi nhiều cung chặng nên có đoạn khe hở giữa các tuyến hành trình.

[Đường sắt kéo ‘thượng đế’ lại với tàu ‘5 sao’, suất ăn hàng không]

Dự kiến năm nay, ngành đường sắt sẽ đóng 6 đoàn nâng tổng số 12 đoàn đóng mới với 180 toa. VNR tiếp tục cải tạo toa tàu nếu chất lượng đạt trên dưới 80% sẽ cải tạo để giảm chi phí bởi các đoàn tàu khác có tuổi đời ít nhất cũng 10 năm, nhiều thì tầm khoảng 30-40 năm. Rõ ràng, thiết kế của tàu không phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân.

“VNR là doanh nghiệp phải tính đến hiệu quả do một số thiết bị phải nhập về cho việc đóng mới. Chưa kể, đóng mới chỉ để thay thế đoàn tàu cũ nên chi phí tăng trong khi giá không đổi. Hơn nữa, vốn vay đóng tàu mới là từ ngân hàng nên sẽ là gánh nặng cho VNR nếu không tính toán hiệu quả,” ông Minh đánh giá.

Do đó, vị Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR tin tưởng, năm 2012, đường sắt cơ bản thay được các đoàn tàu cũ, đây là lý do VNR xin vay 4.700 tỷ từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) để đầu tư các đầu tàu và toa tàu.

Bên cạnh đó, Tổng công ty Đường sắt cũng đưa ra những mục tiêu sẽ phải thực hiện sớm trong thời gian tới như bán vé sớm trước 6 tháng, nâng cao tiện ích trên tàu (lắp wifi, quảng bá du lịch trên tàu thông qua các tai nghe phát cho hành khách bằng 5-6 ngôn ngữ, điều chỉnh điều hòa khoang tàu…), xã hội hóa nhà ga (xây dựng phòng chờ hạng sang tại ga), cải tạo kết cấu hạ tầng…

Thừa nhận việc bán vé sớm trước 6 tháng sẽ là doanh thu tốt để tận dụng quay vòng tái đầu tư, lãnh đạo VNR nhìn nhận, hành khách mua vé sẽ được giảm giá như hàng không vì có nhiều mác tàu chạy. VNR cũng đã thực hiện tung chiêu giảm giá như bán vé rẻ 10.000 đồng đồng thời sẽ lựa chọn thời điểm, đối tượng và năng lực kinh tế của đơn vị để mang hiệu ứng xã hội, tôn trọng hành khách.

Cho rằng các nhà ga phục vụ hành khách không được tăng chất lượng dịch vụ sẽ dẫn đến cọc cạch, tỷ lệ nghịch với việc nâng cao chất lượng đoàn phương tiện, không đồng nhất, ông Minh đưa ra thông điệp: “Đường sắt sẽ tập trung thay đổi tư duy văn hóa tham gia giao thông của hành khách đó là đường sắt không phải là phương tiện chở khách đi du lịch mà là hãy đi du lịch bằng hành trình của đường sắt. Khách du lịch bắt đầu từ việc lên tàu chứ không phải tàu chỉ là phương tiện đưa khách đến điểm đến.”

[Trải nghiệm chuyến tàu hỏa '5 sao' hiện đại nhất Việt Nam]

Khẳng định người dân rời bỏ ngành đường sắt không phải giá cao mà bỏ tàu chính là chất lượng dịch vụ, do đó, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR cam kết, ngành đường sắt sẽ sẽ cung cấp những gì hành khách cần chứ không phải cung cấp những gì đã có.

“Chỉ phát triển khi dồn vào chân tường”

Nhấn mạnh xác định tư tưởng đường sắt là lĩnh vực khó thu hút nguồn lực và chậm phát triển nên cần có các cơ chế chính sách đột phá, ưu tiên, theo đánh giá của ông Minh, đầu tư cho các lĩnh vực giao thông bị lệch, đường sắt trong vài năm qua chỉ được đầu tư chiếm tới 2,26% tổng số vốn của ngành giao thông.

“Một đất nước chưa phát triển mà một trong những đường bay Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh là 5 đường bay hấp dẫn nhất thế giới thì đó là điều phi lý khi quốc gia chưa phát triển khách đi hàng không phát triển hơn các loại hình khác?,” ông Minh bày tỏ sự ái ngại.

[Chủ tịch Tổng công ty Đường sắt: “Chúng tôi không còn đường lùi”]

Chứng minh điều này, ông đưa ra dẫn chứng như ở Nhật Bản, nếu đi lại trong nội địa, hành khách đi tàu nhiều hơn dù giá chưa chắc rẻ nhưng an toàn là yếu tố quan trọng hàng đầu được hành khách chú trọng và đường sắt chính là phương thức an toàn. Đầu tư đường sắt hướng tới sự an toàn và tiện lợi do các nhà ga đều nằm trong lòng thành phố.

Do đó, VNR không đặt vấn đề hạ giá vé xuống với dịch vụ này mà nâng chất lượng dịch vụ, không phải hành khách đến với đường sắt vì giá vé thấp mà là tìm đến vận tải là an toàn, tiện lợi, đặt tại trung tâm thành phố. Những cự ly 4-7 tiếng cạnh tranh rất tốt.

Để du lịch bắt đầu từ việc lên tàu chứ không chỉ là điểm đến ảnh 2Đường sắt đã đưa các đoàn tàu khách đóng mới vào khai thác và phục vụ miễn phí suất ăn hàng không trên tuyến Bắc-Nam. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

“Hành khách đã rời bỏ đường sắt đi và để mời và đưa họ đến với đường sắt là một quá trình. Nhiều ý kiến cho rằng phải có hành khách mới đầu tư, nhưng quan điểm trước tiên là làm tốt và chắc chắn khẳng định hành khách sẽ quay lại không phải ngày hôm nay hay tháng sau mà cả một lộ trình,” người đứng đầu ngành đường sắt nói.

Bên cạnh đó, năm 2018, đường sắt sẽ có sự thay đổi tốt hơn khi đồng bộ thay đổi cả về hệ thống kết cấu hạ tầng, thiết kế đoàn tàu, nhà ga, dịch vụ chất lượng vận tải, tăng tiền ăn cho lái tàu.. để có sự nhìn nhận thay đổi từ phía hành khách.

[Ngành đường sắt cần 7.000 tỷ đồng để nâng cấp tốc độ chạy tàu]

Để giải quyết bài toán này, ông Minh cho rằng, đường sắt phải phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp 7.000 tỷ đồng nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương trung hạn 2016 -2020.

“Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Chính phủ, Quốc hội tháo gỡ nút thắt hạ tầng để duy trì trạng thái an toàn, tăng năng lực thông qua đỡ lãng phí tải trọng toàn tuyến. Đường sắt chỉ tạo động lực phát triển khi bị dồn vào chân tường,” ông Minh cho biết thêm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục