Điểm mặt các startup nổi bật tại sự kiện khởi nghiệp COMEUP 2022

Năm nay, COMEUP 2022 đã thực sự trở thành một sự kiện toàn cầu có tính cạnh tranh rất cao. Tổng cộng 881 startup từ 38 quốc gia, vùng lãnh thổ đã đăng ký tham gia để tranh 70 suất chung kết.
Điểm mặt các startup nổi bật tại sự kiện khởi nghiệp COMEUP 2022 ảnh 1Sản phẩm xe điện và dịch vụ sạc có thể hoán đổi của AIMS

Trong khuôn khổ COMEUP 2022, sự kiện khởi nghiệp (startup) thu hút nhiều quan tâm nhất Hàn Quốc, hàng loạt doanh nghiệp xuất sắc đã trưng bày các sản phẩm, dịch vụ gây ấn tượng của họ.

Năm nay, COMEUP 2022 đã thực sự trở thành một sự kiện toàn cầu có tính cạnh tranh rất cao. Có tổng cộng 881 công ty khởi nghiệp từ 38 quốc gia, vùng lãnh thổ, gồm Mỹ, Ấn Độ, Indonesia, Hong Kong... đăng ký tham gia COMEUP Stars để tranh 70 suất lọt vào vòng chung kết sự kiện.

Như vậy, "tỷ lệ chọi" lên tới 12,6/1, một mức cao chưa từng có tại các lần tổ chức COMEUP, loại từ năm 2019 khi các startup được mời tham gia chương trình, thay vì phải nộp hồ sơ. Để so sánh, trong các sự kiện COMEUP 2020 và 2021, tỷ lệ cạnh tranh lần lượt là 9/1 và 10,9/1.

Trong nhóm Rocket League, các đại diện gây chú ý gồm có Mediquitous, Vegestar, WI.Plat, ONCOCROSS, Nu Eye, Merakiplace, Storelink, XSLAB, AIRS MEDICAL, TenEleven

Nu Eye là công ty chuyên về lĩnh vực thuốc ứng dụng sinh điện. Nu Eye mang tới một giải pháp độc đáo cho các bệnh nhân bị bệnh mãn tính, giúp họ có thể được điều trị nhờ biện pháp kích thích bằng điện tại nhà, thông qua việc sử dụng các thiết bị đeo trên người.

Các thiết bị này đi kèm với những ứng dụng (app) cài trên điện thoại di động, sẽ theo dõi tình trạng bệnh của bệnh nhân, cũng như ghi lại tiến triển trong điều trị, giúp các bác sĩ thấu hiểu bệnh nhân tốt hơn.

Merakiplace tự nhận là doanh nghiệp cung cấp nền tảng khám bệnh từ xa (telehealth) số một Hàn Quốc. Ứng dụng MyDoctor của công ty giúp người dùng có thể gặp bác sĩ, được khám bệnh và gửi đơn thuốc tới tận phòng riêng bất kỳ lúc nào họ muốn và cho dù họ đang ở đâu. Ứng dụng giúp người dùng và gia đình họ có cuộc sống khỏe mạnh, trong khi vẫn có được niềm vui nhờ tham gia chương trình điểm thưởng Doctor Point do công ty thiết kế. Công ty đã được trao giải thưởng Thương hiệu hàng tiêu dùng số 1 Hàn Quốc vào năm 2022.

Điểm mặt các startup nổi bật tại sự kiện khởi nghiệp COMEUP 2022 ảnh 2Các dịch vụ xử lý thực phẩm của Vegestar

Vegestar là một startup chuyên xử lý các sản phẩm nông sản vừa được thu hoạch, thành lập vào năm 2020. Công ty chuyên mua bán, xử lý, sản xuất hàng nông sản và giải quyết bài toán thiếu hiệu quả trong xử lý nông sản. Trong 2 năm hoạt động kể từ khi thành lập, công ty đã đạt doanh số lên tới 30 tỷ won và tự tin sẽ dẫn đầu thị trường xử lý nông sản mới thu hoạch.

Mediquitous là startup chuyên sản xuất thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và thời trang. Dựa trên việc phát triển thương hiệu và bí quyết quản lý, được tối ưu cho môi trường kỹ thuật số và trực tuyến, công ty đang sở hữu hơn 500 sản phẩm với 27 thương hiệu khác nhau. Các sản phẩm này thuộc nhiều lĩnh vực hàng tiêu dùng như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và thời trang ở Hàn Quốc cũng như hải ngoại.

Storelink là một startup vừa thành lập vào tháng 4/2020, chuyên cung cấp các giải pháp marketing dựa trên phân tích dữ liệu thị trường. Công ty đã có 100.000 thành viên đang hoạt động trong ngành thương mại điện tử sử dụng dịch vụ của họ chỉ sau 2 năm hoạt động. Điều này diễn ra nhờ khả năng phân tích dữ liệu chuẩn xác, khả năng ứng dụng dữ liệu cũng như nền tảng tự động hóa của công ty. Công ty đã đạt doanh số bán hàng lên tới 20 tỷ won và gọi vốn được tổng cộng 11 tỷ won.

XSLAB cung cấp giải pháp tối ưu cho dịch vụ máy chủ. Thương hiệu máy chủ có tính kinh tế cao củacông ty là V-Raptor có khả năng tối ưu hóa hiệu quả hoạt đông, trong khi giảm thiểu mức tiêu thụ năng lượng, qua đó thu nhỏ chi phí hoạt động của các trung tâm dữ liệu.

Trong khi đó serie máy chủ Vora của công ty bao gồm nhiều module và card chạy trên nền trí thông minh nhân tạo (AI) vừa tiêu thụ điện thấp lại vừa có hiệu năng hoạt động rất cao.

AIRS MEDICAL là một startup trong lĩnh vực y tế được thành lập vào năm 2018 và đang phát triển, cung cấp các giải pháp y tế dựa trên trí thông minh nhân tạo (AI) trong bối cảnh có sự dịch chuyển mô hình trong thị trường chăm sóc sức khỏe.

Tiềm năng của công ty đã được công nhận, dẫn đến việc họ thu hút thành công các khoản đầu tư trị giá 25,3 tỷ won trong vòng gọi vốn Series B vào tháng 7 năm nay. Tổng cộng họ đã tích lũy được 33,9 tỷ won tiền đầu tư, tính đến nay.

ONCOCROSS là một công ty chuyên cung cấp dịch vụ y tế mới mẻ. Nền tảng RAPTOR AI dựa trên AI của công ty sẽ xem xét các mẫu RNA ở tế bào của bệnh nhân và tiến hành hàng loạt phân tích, so sánh để xem loại thuốc nào sẽ có hiệu quả tốt nhất khi dùng để điều trị cho bệnh nhân.

Cơ sở dữ liệu của công ty hiện lưu trữ hệ phiên mã của 100.000 bệnh nhân, 25.000 loại thuốc và dược liệu, 450 loại bệnh khác nhau, 81.000 thông tin chẩn đoán ung thư chi tiết và 42 dạng ung thư.

Điểm mặt các startup nổi bật tại sự kiện khởi nghiệp COMEUP 2022 ảnh 3Giải pháp xử lý rò nước thông minh của WI.Plat

WI.Plat là một startup cung cấp giải pháp quản lý nước sạch mang tên NELOW (Không bao giờ mất nước). NELOW là một hệ thống phát hiện rò rỉ nước thông minh, sẽ sử dụng các cảm biến âm di động có độ chính xác cao và được kết nối Internet để thu thập dữ liệu rò rỉ nước từ các đường ống dẫn, sau đó chuyển thông tin lên nền tảng đám mây.

Hệ thống cũng có thể phát hiện rò rỉ thông qua phân tích dữ liệu áp suất nước thu được từ các cảm biến có kết nối Internet. Các chuyên gia trong ngành thường phải sử dụng thiết bị âm thanh để tìm kiếm điểm rò nước và hoạt động dò lỗi này rất tốn thời gian. Tuy nhiên các cảm biến khác nhau của NELOW và đặc biệt là hệ thống phân tích dựa trên AI khiến công tác phát hiện rò nước được thực hiện vô cùng nhanh chóng và hiệu quả, giúp cho ngay cả người không chuyên môn cũng có thể xử lý rò nước như dân chuyên nghiệp.

TenEleven là một công ty hoạt động trong lĩnh vực phát triển bất động sản. TenEleven đổi mới tất cả các quy trình xây dựng bằng cách nghiên cứu và kết hợp công nghệ thông tin với công nghệ xây dựng. TenEleven hiện cung cấp các giải pháp thiết kế kiến trúc dựa trên AI mang tên BUILDIT. Công ty đồng thời cũng có giải pháp xây dựng module mang tên BUILDIT-M

Trong khi đó, nhóm Rookie League có các đại diện đáng chú ý gồm Nao Now, Flipper, Fullstack, TAGby, universe stationery, UJURA, ABZ, V+Lab,  Vlogr và molf.

molf dự đoán nhu cầu và cung cấp giải pháp xử lý tự động hóa (RPA) dựa trên công nghệ dự báo có sử dụng AI. Trong lĩnh vực bán lẻ, công ty cung cấp giải pháp sẽ tự động tính toán lượng hàng cần nhập cho mỗi cửa hàng, dựa trên các dự báo về nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Điều này giúp giảm tình trạng thừa hoặc thiếu hàng và làm giảm chi phí kho vận, thuê mướn lao động. Công ty hiện còn đang phát triển dịch vụ tư vấn và dự đoán tăng giảm giá cổ phiếu dựa trên AI cho lĩnh vực tài chính.

ABZ là startup đứng sau Inpock Link, nền tảng cho phép kết nối tất cả các nội dung, mà một người nổi tiếng hoặc một nhân vật có ảnh hưởng trên mạng muốn cho công chúng biết, về một mối duy nhất. Sao/người nổi tiếng có thể thêm liên kết không giới hạn và quản lý chúng dễ dàng. Họ được phép tự do thay đổi thứ tự của liên kết và ẩn hoặc xóa các liên kết không muốn xem. Nền tảng này cũng quản lý hoạt động kinh doanh của sao/người nổi tiếng một cách chuyên nghiệp.

UJURA gây chú ý với sản phẩm CATMOS - một ứng dụng chẩn đoán bệnh của thú cưng dựa trên công nghệ Internet vạn vật và khoa học nghiên cứu hành vi của động vật. Công ty tuyên bố sứ mạng của mình là phát hiện sớm và điều trị ngăn chặn bệnh tật trên thú cưng. Công ty khẳng định CATMOS có khả năng phát hiện hoàn hảo các triệu chứng bệnh của thú nuôi, đồng thời theo dõi và ghi nhận các thay đổi về hành vi của thú nuôi dựa trên bộ mẫu nhận dạng hành vi, với độ chính xác tới 90%. Điều này sẽ giúp chủ của thú nuôi sớm đưa ra các biện pháp can thiệp cứu mạng thú nuôi.

Điểm mặt các startup nổi bật tại sự kiện khởi nghiệp COMEUP 2022 ảnh 4Các máy chủ hiệu suất cao nhưng tiêu tốn ít năng lượng của XSLAB

Fullstack thu hút sự chú ý với sản phẩm ARGOS.ID. Đây là một công cụ cho phép người dùng tạo ra "chứng minh thư kỹ thuật số" trong thời đại công nghệ cao, qua đó hỗ trợ hoạt động chuyển tiền số (bitcoin, ETH) và giao dịch tài sản số dựa trên công nghệ blockchain trở nên hợp pháp, minh bạch, kiểm chứng được.

universe stationery sáng tạo ra Story Nation, một nền tảng sáng tạo nội dung văn học, trong đó người dùng được tự do tạo ra câu chuyện/thế giới/vũ trụ tưởng tượng của họ. Từ vũ trụ này, những người dùng khác có thể dựa vào và phát triển các nhánh nội dung riêng/vũ trụ riêng của họ.

Thông qua hệ thống hợp tác tạo vũ trụ nội dung này, người dùng sẽ làm việc với nhau qua sự trợ giúp của các trợ lý AI và cùng chia sẻ lợi nhuận với nhau từ việc phát hành câu chuyện của họ.

Nao Now là một nền tảng giáo dục trực tuyến kết nối các sinh viên ở Hàn Quốc với các giảng viên ở những trường đại học hàng đầu ở Mỹ (các trường Ivy League) thông qua phần mềm Zoom. Công ty giúp học sinh thành công thông qua việc củng cố mối quan hệ của các em với những người thầy ở các ngôi trường hàng đầu, để các em được truyền cảm hứng vươn lên. Những người thầy này cũng xây dựng các giáo trình đặc biệt cho học sinh tham gia và sử dụng dịch vụ của Nao Now, tập trung nhắm tới các mục tiêu mà cha mẹ của học sinh rất quan tâm như giáo dục toàn diện và thành công lâu dài.

TAGby là một công ty cung cấp dịch vụ marketing dành cho người nổi tiếng trên mạng. Những người sáng lập công ty tin rằng người nổi tiếng trên mạng luôn bận rộn với việc quản lý chi phí sản xuất, quản lý người hâm mộ cũng như nhiều vấn đề khác. Vì thế ứng dụng của họ được tạo ra để giúp giảm nhẹ gánh nặng cho nhóm khách hàng này, giúp họ phát triển sự nghiệp và hoạt động kinh doanh tốt hơn.

Flipper Corporation là một startup cung cấp dịch vụ chế tạo ứng dụng (app) đặc biệt, cho phép người dùng tạo ra các loại app khác nhau mà không cần phải biết gì về viết mã và lập trình. Công ty đã được trao giải thưởng xuất sắc tại ‘Try Everything 2022’, một liên hoan startup toàn cầu tổ chức hồi tháng 9 vừa qua.

Công ty giải thích rằng việc tạo app rất dễ dàng chỉ sau vài cú nhấp chuột, do Hitbim có hệ thống tạo app chạy trên JavaScript. Sau khi tạo xong, app có thể được tải xuống qua các nền tảng Google Play Store hoặc Apple App Store. Điều đặc biệt là app không chỉ được tạo ra một cách đơn giản trên Hitbim mà còn có chi phí bảo trì rất thấp và khả năng mở rộng tính năng tùy ý.

Vlogr là một nền tảng hỗ trợ biên tập, biên dựng video dành cho đại chúng. Về cơ bản, đây là một công cụ dựng video, nhưng có khả năng cho phép nhiều người cùng tham gia vào hoạt động sản xuất. Giao diện làm việc của nền tảng này được quảng bá là dễ dùng như nhiều công cụ trực tuyến khác (Canva, Figma). Công ty cũng đang nghiên cứu để xây dựng một hệ sinh thái trình cắm khổng lồ, cho phép người dựng video có thể tìm kiếm nội dung và công cụ để làm video.

V+Lab cung cấp công cụ kiểm tra phần mềm dựa trên AI mang tên Crown 2.0. Đây là một công ty phần mềm chuyên sâu, được sáng lập bởi giáo sư Moonzo Kim, người từng có thời gian dài làm việc tại Viện Khoa học kỹ thuật Hàn Quốc (KAIST). Để cải thiện độ tin cậy của phần mềm dùng trong các hệ thống an toàn quan trọng (ô tô, máy bay, thiết bị quân sự), đồng thời không gây tốn kém tài chính quá mức, công ty đã cung cấp công cụ thử phần mềm Crown 2.0. Công cụ này đã được hãng Hyundai Motor mua và sử dụng. Nhiều công ty và cơ sở khác ở Hàn Quốc như Viện nghiên cứu An ninh quốc gia cũng đã mua và sử dụng Crown 2.0.

Năm nay, COMEUP đang thực hiện quá trình chuyển đổi từ một sự kiện của chính quyền chuyển thành sự kiện do tư nhân tổ chức, lãnh đạo và được chính phủ hỗ trợ.Trong quá trình chuyển đổi này, hệ sinh thái khởi nghiệp được đưa vào trung tâm và hỗ trợ tối đa.

Tháng 3 năm ngoái, Diễn đàn Khởi nghiệp Hàn Quốc (KSF - Chủ tịch Jaewook Park), được chọn là đơn vị tổ chức COMEUP 2022. KSF đã lên kế hoạch và điều hành tổng thể COMEUP 2022, đồng thời chuẩn bị các chương trình khác nhau để thể hiện toàn diện khả năng đổi mới của hệ sinh thái khởi nghiệp.

Các chương trình của COMEUP 2022 dựa trên 4 trục là hội nghị, quảng cáo khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hợp tác và kết nối toàn cầu, nhằm phản ánh các lợi ích chính của hệ sinh thái khởi nghiệp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục