Đoàn giám sát Quốc hội làm việc ở Cần Thơ về một số dự án quan trọng quốc gia

Phó Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội Lê Quang Mạnh đề nghị UBND thành phố Cần Thơ cần bổ sung vào báo cáo các phương thức lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện về một số dự án quan trọng quốc gia ở thành phố.

Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Ngọc Thiện/TTXVN)
Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Ngọc Thiện/TTXVN)

Ngày 9/3, Đoàn giám sát của Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh làm Phó Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ về thực hiện Nghị quyết 43 và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết thành phố Cần Thơ đã có báo cáo chi tiết, cung cấp cho Đoàn nắm được bức tranh tổng thể về tình hình triển khai Nghị quyết 43 cũng như triển khai các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia trên địa bàn.

Ông Lê Quang Mạnh đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ cần bổ sung vào báo cáo các phương thức lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 43 trên địa bàn; bổ sung đánh giá về tác động của việc giảm thuế môi trường đối với xăng dầu, giảm thuế VAT trong các chính sách về tài khóa (như miễn giảm thuế, phí, lệ phí…).

Đối với việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia triển khai trên địa bàn, ông Lê Quang Mạnh yêu cầu các cơ quan chức năng thành phổ bổ sung, hoàn thiện báo cáo làm rõ về việc thực hiện 2 dự án đầu tư phát triển trong lĩnh vực y tế từ nguồn vốn theo Nghị quyết 43, các kiến nghị, đề xuất trong thời gian tới.

Đối với việc thực hiện Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng giai đoạn 1 trên địa bàn, thành phố cần học tập kinh nghiệm, cách làm hiệu quả từ các tỉnh, thành phố khác; đồng thời, quan tâm đến công tác di dời các cơ sở hạ tầng.

Về giải pháp thi công khắc phục việc thiếu cát để san lấp mặt bằng cho dự án này, Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ cần chủ động liên hệ với các địa phương tìm nguồn cát nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công. Bởi hiện nay có địa phương qua đánh giá tại các mỏ trên sông cho thấy, đang có nguồn cát san lấp nhưng chưa thấy thành phố đặt vấn đề…

ttxvn_doan_giam_sat_cua_quoc_hoi_lam_viec_voi_ubnd_thanh_pho_can_tho1.jpg
Ông Lê Quang Mạnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn Giám sát phát biểu. (Ảnh: Ngọc Thiện/TTXVN)

Theo ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, thành phố đã ban hành kế hoạch để triển khai Nghị quyết số 43 gồm 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Ủy ban Nhân dân thành phố thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đầu tư công hàng năm và giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tập trung các nhiệm vụ chuyển đổi số; các giải pháp thúc đổi chuyển đổi xanh, phục hồi xanh được chú trọng lồng nhằm tạo không gian kinh tế lớn hơn, thuận lợi hơn để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Thành phố đã nỗ lực cải cách thể chế kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm thu hút đầu tư nguồn lực ngoài ngân sách. Năm 2023, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 5,75% so năm 2022; tính chung giai đoạn 2021-2023, tăng bình quân 9,01%/năm; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thực hiện được 33.210 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 153.407 lao động...

Bên cạnh những kết quả đạt được, thành phố Cần Thơ vẫn gặp một số tồn tại, hạn chế như năng lực sản xuất một số ngành, sản phẩm quan trọng tăng chậm; các ngành có hàm lượng công nghệ cao có tỷ trọng nhỏ, năng lực cạnh tranh chưa cao. Dịch vụ logistics tuy có nhiều tiềm năng nhưng phát triển còn yếu, quy mô nhỏ, thiếu đồng bộ. Mặt khác, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng đô thị, các khu vui chơi giải trí, hạ tầng tại các khu vực dự kiến mở rộng đô thị thành phố còn thiếu và chưa đồng bộ; hạ tầng giao thông thiếu kết nối, chất lượng chưa cao. Công tác quy hoạch triển khai còn chậm.

Trước đó, Đoàn giám sát đã khảo sát Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng (dự án thành phần 2 đoạn qua địa bàn thành phố Cần Thơ); Dự án kè chống sạt lở trên sông Trà Nóc thuộc phường Trà An, quận Bình Thủy.

Báo cáo nhanh của các chủ đầu tư cho thấy, công trình kè chống sạt lở được triển khai nhanh, đúng tiến độ, không gặp các khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng (dự án thành phần 2 đoạn qua địa bàn thành phố Cần Thơ) gặp nhiều khó khăn, tiến độ triển khai chậm. Khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn cát đắp nền đang thiếu hụt nghiêm trọng và các đơn vị thi công vẫn chưa có giải pháp căn cơ để giải quyết việc này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục