Doanh nghiệp 'đỏ mắt' săn lao động kỹ thuật giỏi ngoại ngữ

Hàng chục doanh nghiệp ở Bình Dương đăng ký tuyển dụng các vị trí về kỹ sư điện, điện tử, bảo trì máy... giỏi ngoại ngữ với mức lương hấp dẫn từ 3.000-5.000 USD/tháng.
Doanh nghiệp 'đỏ mắt' săn lao động kỹ thuật giỏi ngoại ngữ ảnh 1Người lao động tìm kiếm thông tin doanh nghiệp tuyển dụng việc làm tại Bình Dương. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN)

Mặc dù còn gặp khó khăn do dịch COVID-19, nhưng hiện nay nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trên địa bàn tỉnh Bình Dương vẫn săn lùng, tuyển dụng lao động vừa có tay nghề kỹ thuật cao vừa giỏi ngoại ngữ.

Qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương, hàng chục doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng các vị trí về kỹ sư điện, điện tử, bảo trì máy... với mức lương hấp dẫn; thậm chí có vị trí lương thỏa thuận từ 3.000-5.000 USD/tháng.

Tuy nhiên, đa phần doanh nghiệp “đỏ mắt” săn tìm nguồn lao động này vì phần đông người lao động hạn chế về ngoại ngữ.

Giỏi tay nghề nhưng thiếu ngoại ngữ

Bà Nguyễn Minh Trúc Lệ, đại diện nhà tuyển dụng lao động của Công ty trách nhiệm hữu hạn Gre Alpha Electronics (Việt Nam) chuyên sản xuất sản phẩm điện, điện tử đang hoạt động tại Khu Công nghiệp Việt Nam-Singapore II, tỉnh Bình Dương, cho biết nhà máy đang cần tuyển nhiều vị trí kỹ sư điện tử vừa giỏi tay nghề vừa giao tiếp ngoại ngữ tốt. Tuy nhiên, đơn vị gặp khó khăn trong việc tìm kiếm.

Bà Lệ cùng các bộ phận đến tận Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương để đăng ký tìm người từ nhiều tháng nay.

[Giải quyết việc làm cho 573.500 người lao động trong 6 tháng đầu năm]

Tại đây, bà đã phỏng vấn nhiều ứng cử viên đăng ký tuyển dụng; thế nhưng để tìm đúng nhân sự đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp thật sự quá khó.

Bà Lệ cho biết nhiều kỹ sư được đào tạo tại các trường đại học trong nước có trình độ khá tốt, nhưng lại hạn chế về ngoại ngữ, thậm chí chọn chuyên ngành ngoại ngữ mà doanh nghiệp không cần nhiều.

Hiện nay, đa số các doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp ở Bình Dương là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Vì vậy, họ yêu cầu nhà quản lý, kỹ sư đảm nhiệm vị trí, trọng trách quan trọng trong nhà máy có vốn ngoại ngữ cao, thường là tiếng Hoa, tiếng Nhật, tiếng Anh…

Tuy nhiên, một nghịch lý rất phổ biến là đa số lao động kỹ thuật điện tử, máy móc đều chọn ngoại ngữ tiếng Anh, nhưng nhiều nhà máy cần kỹ sư có trình độ ngoại ngữ tiếng Trung và tiếng Nhật.

Theo bà Lệ, những vị trí kỹ sư có trình độ ngoại ngữ giỏi được các doanh nghiệp đãi ngộ với mức lương hấp dẫn, nếu đáp ứng tốt sẽ ký hợp đồng làm việc ngay với lương thỏa thuận 3.000-5.000 USD/tháng.

Bà Lệ cho biết thêm đa số doanh nghiệp tuyển dụng vào các vị trí chủ chốt trong nhà máy đều ưu tiên ngoại ngữ, sau đó mới tới trình độ chuyên môn do doanh nghiệp sẽ đào tạo lại, thậm chí cử sang nước ngoài đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu điều hành của mình.

Do hiện nay các chuyên gia nước ngoài chưa thể trở lại điều hành nên nhà xưởng đang cần rất nhiều kỹ sư, chuyên gia giỏi việc.

Nhiều doanh nghiệp muốn sản xuất lâu dài ở Việt Nam cũng mong muốn tuyển dụng nhân sự có tay nghề kỹ thuật cao để điều hành nhà máy.

Dư địa việc rất nhiều sau khi hết dịch

Theo bà Đặng Thị Ngọc Thiên Hương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Dương, khi chưa có dịch COVID-19, các doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng lao động “ồ ạt,” thậm chí có nhà máy tuyển hàng nghìn lao động cùng lúc.

Theo dự báo của Trung tâm, thời gian tới sau khi hết dịch, mọi hoạt động trở lại bình thường thì dư địa việc làm tại Bình Dương rất nhiều; trong đó khối lao động phổ thông sẽ được chú ý nhiều hơn.

Cụ thể, cuối năm 2019, số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương có nhu cầu đăng ký tuyển dụng lên đến gần 60.000 người; gồm lao động phổ thông và lao động kỹ thuật cao.

Tuy nhiên, hiện nay đa số các doanh nghiệp tạm thời ngừng tuyển dụng vị trí việc làm thuộc khối lao động phổ thông. Số lao động phổ thông thất nghiệp, mất việc làm gia tăng.

Tính đến cuối tháng 6/2020, đã có hơn 54.000 lao động ở Bình Dương được giải quyết thủ tục nhận trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương Nguyễn Đình Khánh cho biết, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến việc làm của hàng chục nghìn lao động, nhiều nhất là lao động phổ thông.

Liên đoàn Lao động tỉnh cùng Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã quan tâm tìm việc làm mới cho số lao động bị thất nghiệp.

Riêng 6 tháng đầu năm 2020, các đơn vị đã giải quyết việc làm cho hơn 17.800 lao động; trong đó rất đông lao động bị mất việc đã được giới thiệu đến doanh nghiệp cùng ngành nghề để có việc làm và có thu nhập đến hết năm 2020.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh đã có 53% lao động trong tổng số 1,2 triệu người lao động trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng; trong đó có 82.000 công nhân, người lao động tạm thời ngừng việc hoặc tạm hoãn một vài tháng để chờ công việc quay trở lại nhà máy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục