Đội tuyển Anh thành công nhờ học được sự lì lợm của người Đức

Những thất bại trong quá khứ đã dạy cho đội tuyển Anh nhiều bài học đắt giá, để rồi giờ đây họ hiên ngang tiến vào tứ kết với phong thái lì lợm như chính đội tuyển Đức trước đây.
Đội tuyển Anh sẽ gặp Ukraine ở vòng tứ kết EURO 2020. (Ảnh: Getty Images)
Đội tuyển Anh sẽ gặp Ukraine ở vòng tứ kết EURO 2020. (Ảnh: Getty Images)

Huấn luyện viên Gareth Southgate đã ngửa mặt lên trời sau khi trọng tài nổi còi kết thúc trận đấu ở vòng 1/8 giữa đội tuyển Anh và đội tuyển Đức trên sân Wembley, trước khi tiến lại bắt tay đối thủ Joachim Loew. Đấy không đơn thuần là một cử chỉ ăn mừng chiếc vé vào tứ kết, mà còn mang nhiều ý nghĩa khác.

Lần đầu tiên kể từ năm 1966, Anh mới lại thắng được Đức tại một giải đấu lớn. Và với riêng Southgate, nó giúp ông vượt qua ám ảnh từ lần đá hỏng quả penalty quyết định ở trận bán kết EURO 1996 cũng trên sân Wembley.

Từ giờ, người Anh đã có thể ngẩng cao đầu mỗi khi ra sân đối đầu với đối thủ mà cựu tiền đạo Gary Liniker từng chua xót cảm thán: "Bóng đá là cuộc chơi giữa 22 người đàn ông, và trận đấu luôn kết thúc với phần thắng thuộc về người Đức."

Trước trận, cựu tiền vệ Đức Stefen Effenberg còn cao giọng nói rằng "Anh là đối thủ dễ chịu của đội tuyển Đức," ám chỉ người Anh luôn tỏ ra yếu bóng vía khi đối đầu với đối thủ kỵ giơ. Song những cái dớp, gánh nặng lịch sử đã được người Anh cởi bỏ sau trận đấu đêm qua. Và có thể nói, đội tuyển Anh đã thấm nhuần bài học mà người Đức từng lên lớp với họ trong suốt bao năm. Đó là sự điềm tĩnh và lì lợm, đặc biệt trong những cuộc đấu ở vòng knock-out.

Tam sư đã tiễn đối thủ về nước sớm bởi hai nhát dao chí mạng ở cuối trận bằng phong cách của những kẻ luôn biết tự quyết định số phận của mình.  

Đội tuyển Anh thành công nhờ học được sự lì lợm của người Đức ảnh 1Đội tuyển Anh thắng Đức 2-0 nhờ lối chơi chắc chắn và tận dụng triệt để cơ hội. (Ảnh: Getty Images)

Suốt từ đầu giải, báo chí Anh luôn chỉ trích huấn luyện viên Southgate khi ông "cầm tù" nhiều cầu thủ tấn công xuất sắc, phung phí các tài năng, chỉ tin dùng Raheem Sterling và Harry Kane.

Ở vòng bảng, trước những đối thủ yếu thế hơn, Anh cũng vẫn chơi thận trọng với tiêu chí hàng đầu là không để thủng lưới, hài lòng với những chiến thắng tối thiểu. 

Đến trận gặp Đức, Southgate càng thận trọng hơn nữa khi tung ra sân đội hình 3 trung vệ với Kyle Walker, John Stones và Harry Maguire, chưa kể cặp tiền vệ trung tâm Declan Rice và Kalvin Philips cũng thiên về đánh chặn thay vì làm bóng.

Đó rõ ràng là bất cập khi trong tay Southgate có những cầu thủ tấn công tài năng như Jack Grealish, Phil Foden, Jadon Sancho hay thậm chí là cả Jude Bellingham.

Thế nhưng, cỗ máy của Southgate đang lừng lững tiến xa, với những bước đi rất chắc chắn, gợi lại hình ảnh của chính đội tuyển Đức trước đây. Không hào nhoáng nhưng vững chãi, với mục tiêu là giành chiến thắng. Ở vòng đấu loại trực tiếp, mỗi sai lầm đều phải trả giá rất đắt. Và khi gặp Đức, Southgate càng không thể mạo hiểm.

Đội tuyển Anh thành công nhờ học được sự lì lợm của người Đức ảnh 2Hàng phòng ngự đang làm điểm tựa cho đội tuyển Anh ở EURO 2020. (Ảnh: Getty Images)

Sau 45 phút đầu giằng co trong tẻ nhạt, trận đấu sẽ được quyết định bằng những phương án dự phòng. Đến lúc này, Southgate mới tung những quân bài tẩy vào sân, cụ thể là sự xuất hiện của Graelish ở phút 69. Đây cũng là bước ngoặt của trận đấu khi tiền vệ của Aston Villa góp công vào hai bàn thắng của Sterling và Harry Kane. 

Những gì diễn ra trên sân cho thấy, một khi đã vượt qua được những giai đoạn căng cứng về mặt tâm lý, người Anh đã đủ tỉnh táo để biết phải làm gì ở thời điểm quan trọng. 

Sau trận đấu, Toni Kroos phải ấm ức nói rằng tuyển Anh không chơi hay hơn. Những cơ hội mà Đức có được cũng rõ ràng hơn, như cú sút của Tim Werner trong hiệp 1, hay của Thomas Mueller và Kai Havertz trong hiệp 2. Chỉ cần một lần trong số đó đánh bại Jordan Pickford thì cục diện đã khác. Nhưng đã từ bao giờ người Đức phải nói lời nuối tiếc, thay vì người Anh?

Rõ ràng, cục diện đã đảo chiều. Những người tận dụng cơ hội tốt hơn mới có được điều mình cần. Có thể nói, Tam sư trừng phạt sai lầm của đối thủ sau hơn một giờ đồng hồ thi đấu kiên định và không hề nao núng. Nó cũng giống với chiến thuật cầm cự kéo dài thời gian của môn Boxing (quyền Anh), tức đợi cho đối thủ mệt mỏi rồi tung đòn quyết định. Trên vũ đài Wembley, đấu sĩ chủ nhà chính là người chủ động để hạ knock-out đối thủ theo kịch bản ấy.

Nhìn lại quá khứ, người Anh thấm thía bài học ấy hơn ai hết. Trong nhiều cuộc đối đầu trước đây với đội tuyển Đức, họ chính là đội (có vẻ) chơi tốt hơn ai, nhưng không thể tung được đòn kết liễu đối thủ, và đành nhận thật bại cay đắng. 

Đội tuyển Anh thành công nhờ học được sự lì lợm của người Đức ảnh 3Tuyển Anh khiến Đức ấm ức rời EURO 2020. (Ảnh: Getty Images)

Giờ đây, tuyển Anh đang mang chính sự lì lợm của tuyển Đức trong quá khứ để khiến đối thủ phải ôm hận. Thậm chí, trước trận đấu tuyển Anh còn tập đá luân lưu và sẵn sàng cho màn so găng với Đức trên chấm 11 mét. 

Harry Kane tự tin phát biểu: "Chúng tôi sẽ thật hạnh phúc nếu đánh bại đội tuyển Đức ở loạt sút penalty." 

Ở nhánh đấu dễ thở, việc vượt qua Đức giúp tuyển Anh rộng cửa khi chỉ gặp Ukraine ở vòng tứ kết sắp tới. Nếu thắng đoàn quân huấn luyện viên Shevchenko, họ sẽ chạm trán Đan Mạch hoặc Cộng hòa Séc ở bán kết. 

So với những đối thủ chưa bị loại, tuyển Anh vẫn được đánh giá cao nhất với đội hình nhiều ngôi sao đang vào độ chín. Điều họ cần bây giờ chỉ là duy trì trạng thái tốt nhất cùng sự kiên định trong lối chơi cho tham vọng vô địch./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục