Chuyện người trong cuộc

Động đất Nhật Bản: Chuyện của người trong cuộc

"Chúng tôi không thể tin vào mắt mình khi nhìn thấy hình ảnh trực tiếp về sóng thần ở Miyagi, những dòng lũ bùn cuốn trôi mọi thứ..."
Chị Thu Hằng, đang làm việc tại Tokyo, kể về trải nghiệm "có một không hai" trong đời sau khi chứng kiến vụ động đất được coi là lớn nhất ở Nhật Bản trong vòng 100 năm qua. Chị Hằng cũng là người Việt đầu tiên gửi cảm nhận chia sẻ thông tin với độc giả của Vietnam+ ngay sau trận động đất hôm 11/3.
 
"Chúng tôi không thể tin vào mắt mình khi nhìn thấy những hình ảnh trực tiếp đầu tiên về sóng thần ở tỉnh Miyagi, những dòng lũ bùn cuốn trôi mọi thứ trên đường đi của nó, nhà cửa, xe cộ, tầu thuyền, đường sá... Ai nấy đều lặng đi, mắt cay xè vì không thể ngờ hậu quả động đất lại mạnh đến vậy.
 
"Số người chết tăng lên từng phút, chúng tôi liên tục phải chữa lại con số trong bản tin. Cảnh sát Sendai phát hiện khoảng 200-300 xác người trên một bờ biển thành phố này. Tất cả những người này bị chết do ngạt nước. Gần 300 người khác được xác nhận đã chết và gần 800 người vẫn còn mất tích.
 
"Tỉnh Iwate, Miyagi, và Fukushima bị ảnh hưởng nặng nề bởi sóng thần. Toàn bộ các tỉnh từ Aomori, xuống Iwate, Yamagata và một phần Fukushima bị mất điện. Ngay tại Tokyo, gần 4 triệu hộ gia đình mất điện. Hai nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima tuyên bố tỉnh trạng khẩn cấp vì không thể làm nguội hai lò phản ứng hạt nhân. Chính phủ yêu cầu 3.000 người dân sống trong bán kính 3km quanh nhà máy đi sơ tán để đảm bảo an toàn.
 
"Toàn bộ hệ thống tầu siêu tốc shinkansen trên toàn quốc ngừng hoạt động. Các sân bay khu vực Đông Bắc đóng cửa, trong đó có sân bay Sendai bị phá hủy nặng nề. Sân bay Narita ở thủ đô Tokyo tạm ngừng hoạt động một thời gian vì đài kiểm soát không lưu phải sơ tán. Hệ thống tầu điện nội đô ngừng hoạt động hoàn toàn để kiểm tra an toàn. Đây là một ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng vì dân số của khu vực thủ đô Tokyo là hơn 30 triệu người và những người này đi lại chủ yếu bằng hệ thống giao thông công cộng. Đường phố tràn ngập người đi bộ và xe ôtô, giao thông đình trệ. Không có cách nào để đi về nhà ngoài đi bộ vì xe taxi, xe bus không thể cáng đáng xuể. Nhiều người phải đi bộ 4-5 tiếng đồng hồ để về nhà.
 
"Mặc dù đây là một thảm họa khủng khiếp, nhưng có trải qua trường hợp khẩn cấp này, tôi mới nhận ra nhiều điều hay và đáng học hỏi từ đất nước Nhật Bản, con người Nhật Bản. Trước hết là trong văn phòng, ai cũng sợ kể cả những người đã được chuẩn bị tinh thần, luyện tập phòng chống thảm họa, nhưng không ai hoảng loạn, mọi người đều tập trung vào công việc của mình và duy trì liên lạc với nhau, đồng thời cập nhật thông tin. Thông tin mới liên tục được công bố trên loa và chỉ dẫn rất chi tiết. Điều này khiến chúng tôi yên tâm hơn rất nhiều và biết mình cần làm gì. Ngay sau động đất, bộ phận phục vụ đã mang cơm nắm, nước uống đến các phòng ban, phục vụ những người làm tin khuya như chúng tôi.
 
"Chính phủ ngay lập tức thành lập nhóm công tác khẩn cấp để xử lý hậu quả động đất. Các bộ cũng có lực lượng phản ứng nhanh của mình để dễ dàng phối hợp với các bên hữu quan. Các trường học và nhà trẻ trông nom trẻ con đến khi nào bố mẹ đến đón được, bất kể giờ giấc. Mà trường học của Nhật Bản là nơi trú ẩn tạm thời cho cả dân cư xung quanh trong trường hợp khẩn cấp vì trong trường học có đồ ăn, có giếng nước dự phòng, có toilet và phòng nghỉ.
 
"Tất cả các công ty điện thoại di động lập trang web bảng thông tin cho tất cả mọi người muốn nhắn tin cho bạn bè và người thân, hoặc muốn đọc thông báo của ai đó, vì mặc dù điện thoại không gọi được, nhưng vẫn có thể truy cập Internet 3G. Một bài học rút ra từ thực tế này là chúng ta nên dùng smart phones để có thể truy cập Internet, dùng YM và Facebook. Đó là những phương tiện duy nhất mà chúng tôi đã sử dụng để giữ liên lạc với gia đình và bạn bè sau động đất.
 
"Vì phần lớn các tuyến tầu điện nội đô không hoạt động, nhiều người phải đi bộ về nhà hoặc không thể về được nhà, nên các cở sở công cộng đều mở cửa qua đêm để mọi người có chỗ nghỉ chân, nghỉ qua đêm hay có thể dùng toilet.
 
"Tại những ga tầu điện trên những tuyến đã hoạt động trở lại sau khoảng 6 giờ đồng hồ tạm ngừng, người xếp hàng đợi tầu ken chật cứng, nhưng không một ai chen lấn xô đẩy. Mọi người kiên nhẫn nhích từng chút một, chờ đợi tới lượt mình. Nhân viên nhà ga tận tâm chỉ dẫn và ai việc nấy rất trật tự, thuần thục, không hề lúng túng, cho thấy có sự chuẩn bị kế hoạch kỹ càng. Các tuyến tầu hoạt động trở lại miễn vé cho hành khách và chạy suốt đêm để đưa những người còn kẹt lại về nhà.
 
"Thảm họa động đất này đối với đất nước Nhật Bản là đau buồn và tổn thất to lớn, nhưng phải nói tất cả các ban ngành, các cơ quan, tổ chức của Nhật Bản đã chuẩn bị rất kỹ để đối phó với thiên tai và các trường hợp khẩn cấp, nếu không, hậu quả của thảm họa này có lẽ còn lớn hơn rất nhiều. Đối với một người nước ngoài sống ở Nhật như tôi, đây là một bài học quý báu mà tôi sẽ luôn ghi nhớ, cũng là một trải nghiệm cho mình thấy, cuộc sống mong manh và đáng quý biết bao!"

Bài viết của chị Thu Hằng/Tokyo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục