Du khách cần lưu ý gì để du lịch mùa cao điểm Hè vui vẻ và an toàn?

Trước “ma trận” rủi ro tiềm ẩn của dịch vụ giá rẻ, các chuyên gia luôn nhấn mạnh việc người mua, du khách cần tỉnh táo để biết kiềm chế lòng tham, có những lựa chọn thông thái, tránh được “bẫy lừa."
Biển xanh, nắng vàng gọi mời du khách khám phá, trải nghiệm. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)
Biển xanh, nắng vàng gọi mời du khách khám phá, trải nghiệm. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

“Kiềm chế lòng tham,” “tỉnh táo,” “lựa chọn thông minh”… là những cụm từ mà các chuyên gia du lịch nhắc đi nhắc lại trong câu chuyện làm sao để tránh bẫy lừa mùa du lịch cao điểm Hè trước những cám dỗ thanh lý vé rẻ, voucher, tour giá trẻ giăng khắp cõi mạng.

Đặc biệt, lãnh đạo Tổng cục Du lịch cũng có những khuyến cáo người dân nhằm tránh “quả đắng” khi mua dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ.

Hãy “kiềm chế lòng tham”

Cao điểm du lịch Hè cũng là lúc trên mạng xã hội nở rộ tour giá rẻ, voucher siêu rẻ, thậm chí mức giá không tưởng. Câu chuyện tưởng chừng như “biết rồi khổ lắm nói mãi” nhưng người dân vẫn cứ “mắc bẫy.”

Trước thực tế này, Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á (ATI), Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC) Phạm Hải Quỳnh, cho biết trước đây có một số chương trình voucher (một hình thức các doanh nghiệp du lịch muốn tận dụng nguồn vốn của khách hàng để cân đối tài chính, tái đầu tư cho doanh nghiệp qua giai đoạn khó khăn nên buộc hải hạ giá sản phẩm và bán theo hình thức voucher) cho phép khách hàng được hưởng giá trị thật của gói ưu đãi.

[Du lịch thông minh thời công nghệ số: Khách hàng sẽ được hưởng lợi gì?]

Nhưng khi tình hình kinh tế ổn định hơn, hình thức bán voucher cũng lắng xuống cũng là lúc trên thị trường xuất hiện những voucher giả khiến khách hàng tưởng rằng mình vẫn được hưởng chính sách ưu đãi và mắc vào bẫy của những đơn vị, cá nhân lừa đảo.

Du khách cần lưu ý gì để du lịch mùa cao điểm Hè vui vẻ và an toàn? ảnh 1Sống chậm ở Đà Lạt. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

“Nhiều người đang hiểu chưa chuẩn rằng lữ hành ‘ăn %’ từ các dịch vụ mà họ sử dụng, nhưng thực chất là lữ hành ký kết hợp tác với các doanh nghiệp như nhà xe, khách sạn, nhà hàng… với hợp đồng riêng, giá riêng. Chính thế nếu, khi khách hàng quay lưng với các đơn vị lữ hành, với những doanh nghiệp có đầy đủ giấy phép quản lý của nhà nước sẽ dễ mắc bẫy của những cá nhân, tổ chức lừa đảo. Lòng tham con người luôn là vô đáy. Không ai có thể lựa chọn sử dụng dịch vụ thay bạn,” ông Quỳnh nói.

Theo vị chuyên gia này, sau COVID-19, khách du lịch thay đổi xu hướng, chọn tự đi và du lịch theo nhóm nhỏ, đa phần sử dụng dịch vụ nhỏ lẻ hoặc tự đặt tour. Chính vì thế đã nảy sinh nhiều hình thức bán tour trá hình không phải của các đơn vị lữ hành trên mạnh.

“Trước những tour giá rẻ giật mình đến mức phi lý kiểu như đi Phú Quốc chỉ hơn 2 triệu đồng bao gồm cả vé máy bay, khách sạn 5 sao 3 ngày 2 đêm, thì khách hàng cần tỉnh táo. Bởi doanh nghiệp không thể đổ nước lã vào chạy máy bay, cũng không ai làm không công để phục vụ người dân đến du lịch, kể cả các chương trình kích cầu của địa phương cũng không thể bán lỗ để kích cầu. Vì thế tôi hy vọng, khách hàng hãy là những người sử dụng dịch vụ thông minh,” ông Quỳnh nhấn mạnh.

Để tránh những rủi ro đáng tiếc khi mua lại vé máy bay thanh lý cần vào website, dùng app của hãng hàng không và liên hệ tổng đài để kiểm tra kỹ mã đặt chỗ.

Voucher giảm giá tour du lịch, nhà hàng, khách sạn là loại được mua đi bán lại phổ biến nhất trên mạng. Với loại voucher này, theo Founder Công ty Didi Travel Trần Trí Nhã, hãy liên lạc với nhà cung cấp gốc là nhà hàng, khách sạn nơi phát hành voucher để xác minh ít nhất ba thông tin: Voucher này còn hạn sử dụng không; có chấp nhận cung cấp dịch vụ cho khách mua lại voucher không; điều kiện áp dụng voucher là gì.

Theo ông Nhã, nếu có bất kỳ điều khoản bất lợi hoặc điều kiện bất minh nào như phụ thu không ghi rõ trên voucher, hoặc không thể sử dụng voucher trong ngày lễ, ngày nghỉ thì đừng cố mua. Bởi mục đích cuối cùng của dịch vụ là mang đến sự hài lòng, mà bất lợi hoặc bất minh dễ gây khó chịu và không xứng với số tiền tiết kiệm được khi mua thanh lý. Thậm chí, có trường hợp, bạn còn phải chi thêm.

Du khách cần lưu ý gì để du lịch mùa cao điểm Hè vui vẻ và an toàn? ảnh 2Hè rồi, hãy xách vali lên và đi. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Theo kinh nghiệm của các chuyên gia, đối với mọi loại vé và voucher thanh lý, tốt nhất nên mua từ nguồn quen biết, uy tín như anh em, bạn bè, đồng nghiệp hoặc người có bạn chung để dễ dàng kiểm tra thông tin. “Hãy kiềm chế lòng tham, đừng ham rẻ mà mua vu vơ trên mạng để rồi vừa mất tiền oan vừa mua bực tức vào thân,” ông Nhã nhấn mạnh.

Cảnh báo dịch vụ “sở hữu kỳ nghỉ”

Theo thông tin từ Tổng cục Du lịch, thời gian qua đơn vị này nhận được nhiều đơn, thư của công dân liên quan đến việc mua dịch vụ “sở hữu kỳ nghỉ,” nội dung phản ánh ngoài việc người mua (chủ sở hữu tuần nghỉ) có nghĩa vụ thanh toán cho bên cung cấp kỳ nghỉ khoản tiền theo giá trị hợp đồng, còn phải thanh toán các khoản phí thường niên hay phí duy trì cho từng năm được điều chỉnh tăng giảm bất thường gây thiệt hại cho các chủ sở hữu; gây nhầm lẫn cho người mua thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về sản phẩm, dịch vụ và một số nội dung khác.

Nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của công dân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch khuyến cáo người dân cần nâng cao nhận thức về mô hình “sở hữu kỳ nghỉ” theo nội dung khuyến cáo của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Bộ Công Thương.

Theo đó, người dân cần tìm hiểu rõ bản chất, lợi ích của sản phẩm, dịch vụ và các rủi ro tiềm ẩn. Trước khi quyết định tham gia sự kiện giới thiệu, chào bán “sở hữu kỳ nghỉ,” cần tìm hiểu thông tin về loại hình sản phẩm, dịch vụ sẽ được giới thiệu tại sự kiện cũng như bên cung cấp thông qua phương tiện truyền thông hoặc qua bạn bè, người thân đã tham gia sự kiện hoặc sử dụng sản phẩm; xác định trước những vấn đề cần quan tâm về lợi ích và rủi ro để chủ động yêu cầu được giải đáp thêm.

Trước khi quyết định giao kết hợp đồng, người dân cần yêu cầu cung cấp đầy đủ bộ hợp đồng và nghiên cứu kỹ, đặc biệt ở những vấn đề như: nhu cầu của bản thân, gia đình trong một thời gian dài; so sánh các thông tin được quảng cáo, chào bán hoặc “cam kết miệng” của doanh nghiệp với các điều khoản quy định chính thức tại dự thảo hợp đồng. Đặc biệt, khi có sự không thống nhất giữa thông tin chào bán và hợp đồng hoặc có các quy định, điều khoản trong hợp đồng chưa rõ ràng thì người tiêu dùng cần đề nghị doanh nghiệp giải thích, làm rõ và sửa đổi, bổ sung.

Người dân cần xác định rõ toàn bộ các chi phí phải đóng trong thời hạn hợp đồng. Hầu hết các hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ hiện nay đều là hợp đồng có thời hạn dài và bên cạnh khoản phí cố định ngay từ đầu, người tiêu dùng sẽ còn phải đóng thêm nhiều khoản phí khác phát sinh trong quá trình thực hiện như phí duy trì, phí thường niên, phí quản lý, phí vận hành, phí thực hiện quyền trao đổi các địa điểm nghỉ dưỡng… Các khoản chi phí này có thể chỉ được quy định trong hợp đồng, không có trong thông tin quảng cáo, chào bán và có thể không được quy định một cách rõ ràng, đầy đủ.

Người mua cần tìm hiểu các điều kiện, hạn chế đối với bên mua trong việc hưởng, chuyển nhượng quyền nghỉ dưỡng như: thời điểm bắt đầu được thực hiện quyền nghỉ dưỡng, dịch vụ này có được chuyển nhượng cho người khác không, nếu có thì sau khi ký hợp đồng hay sử dụng dịch vụ bao nhiêu lâu, có đi kèm điều kiện gì không…

Ngoài ra, người mua cũng cần lưu ý các điều khoản bất lợi trong hợp đồng như: Hạn chế quyền khiếu nại, khởi kiện của người mua; không cho người tiêu dùng hủy ngang hợp đồng; chế tài xử lý vi phạm không công bằng giữa hai bên; các trường hợp bên cung cấp dịch vụ được miễn trừ trách nhiệm ví dụ như không được cơ quan nhà nước cấp phép xây dựng (đối với loại hình có dự án/khách sạn) hoặc bên thứ ba không tiếp tục hợp tác (đối với loại hình không có dự án/khách sạn)…

Như vậy, trước “ma trận” rủi ro tiềm ẩn của những dịch vụ giá rẻ giăng khắp cõi mạng, các chuyên gia luôn nhấn mạnh việc người mua, du khách cần tỉnh táo để biết kiềm chế lòng tham, có những lựa chọn thông thái, tránh được “bẫy lừa” để có kỳ nghỉ vui vẻ, an toàn bên người thân cũng như bạn bè./.

Mô hình sở hữu kỳ nghỉ là người mua (Chủ sở hữu) được quyền nghỉ dưỡng trong một căn hộ/phòng khách sạn mà không sở hữu căn hộ/khách sạn đó, và quyền nghỉ dưỡng này là 1 phần trong số những quyền nghỉ dưỡng được chia ra sở hữu bởi nhiều người.

Mỗi người sở hữu vài đêm hoặc tuần tùy theo số lượng họ mua và được quy định thời gian rõ ràng trên hợp đồng. Sở hữu không chỉ ở chỗ được quyền sử dụng mà còn ở quyền được chuyển nhượng, cho thuê lại tuần nghỉ/hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ này.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục