Du lịch nông thôn: Làng đồng bào dân tộc gìn giữ sắc màu văn hóa

Đến với Khu Bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, còn gọi là bản làng Thái Hải (Thái Nguyên), nhiều du khách ngỡ ngàng vì được sống trong không khí bản làng dân tộc thực sự.
Du lịch nông thôn: Làng đồng bào dân tộc gìn giữ sắc màu văn hóa ảnh 1Một ngôi nhà sàn trong bản làng Thái Hải. (Nguồn: Khu Bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải)

Tăng trưởng của du lịch Việt Nam những năm qua có sự đóng góp của du lịch nông thôn.

Ngành du lịch đã khai thác các giá trị đặc trưng ở nông thôn khắp đất nước để làm phong phú thêm hệ thống sản phẩm du lịch.

Du lịch nông thôn là mô hình đem lại hiệu quả trong phát triển nông thôn mới; tăng thu nhập, tạo việc làm cho lao động ở các vùng quê.

Du lịch cũng tạo động lực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, di sản, nâng cao đời sống, tinh thần cho người dân nông thôn.

Đến với Khu Bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, còn gọi là bản làng Thái Hải (Thái Nguyên), nhiều du khách ngỡ ngàng vì được sống trong không khí bản làng dân tộc thực sự.

Không khí nơi đây trong lành, môi trường sạch sẽ, có bản làng đồng bào dân tộc giữ được nét văn hóa truyền thống với những đặc trưng riêng có trong đời sống hàng ngày.

Đây cũng là một điểm du lịch tiêu biểu ở Thái Nguyên về chất lượng phục vụ cũng như tính độc đáo của điểm đến ở một vùng nông thôn.

Bắt nguồn từ tình yêu với nhà sàn truyền thống

Chị Trịnh Hồng Lệ (Hà Nội) cùng gia đình đến thăm bản làng Thái Hải vào một ngày cuối tháng 11/2020.

Gia đình chị đã đi du lịch, thăm thú nhiều nơi ở cả trong và ngoài nước nhưng vẫn hết sức ngạc nhiên vì cung cách chuyên nghiệp ở nơi đây.

Chị Hồng Lệ chia sẻ gia đình 3 thế hệ nhà chị, nhất là trẻ nhỏ rất thích không khí quây quần, nấu bữa cơm gia đình bên bếp lửa hồng đun bằng củi của đồng bào dân tộc. Hít hà khói bếp, một trải nghiệm không dễ có với trẻ em thành phố. Không chỉ thế, gia đình chị còn chiêm ngưỡng 30 ngôi nhà sàn trong khu bản làng, được làm bánh, chế biến thuốc Nam, phơi thóc nếp, sao chè thủ công, giã gạo, nướng ngô khoai, thậm chí là hái rau, cuốc đất… cùng các gia đình đồng bào dân tộc.

[Kích cầu du lịch Thái Nguyên gắn với "Vòng cung Đông Bắc"]

Không chỉ gia đình chị Trịnh Hồng Lệ, rất nhiều du khách đến với bản làng Thái Hải đều thấy hài lòng về những trải nghiệm thú vị này, thậm chí không ít người ngạc nhiên vì cuộc sống đồng bào nơi đây dù rất rất bản sắc nhưng không kém phần văn minh, hội nhập.

Chia sẻ về ý tưởng hình thành bản làng Thái Hải, chị Lý Thị Chiên, Phó Giám đốc Khu Bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, cho biết đầu những năm 2000, đồng bào Tày ở nhiều nơi có xu hướng thay thế nhà sàn truyền thống bằng nhà xây hiện đại. Nhiều nhà sàn được thu mua về xuôi để phục vụ cho các hoạt động thương mại; thậm chí có nơi nhà sàn bị phá bỏ làm củi đốt. Vùng đất ATK Định Hóa cũng rơi vào tình cảnh đó.

Xót xa và tiếc nuối những ngôi nhà sàn, bà Nguyễn Thị Thanh Hải, một người con dân tộc Tày Định Hóa (Thái Nguyên) đã dốc hết vốn liếng mua lại những ngôi nhà sàn bị phá bỏ, phục dựng nguyên bản tại vùng đồi xóm Mỹ Hào, xã Thịnh Đức, thành phố Thái Nguyên.

Không chỉ dựng lại nguyên bản “phần xác” mà còn giữ lại “hồn” của bản làng nên rất nhiều đồng bào dân tộc đã về sinh sống tại đây, coi đây là nhà.

Cứ như thế, qua từng năm tháng, hơn 30 ngôi nhà sàn dân tộc Tày, Nùng nguyên bản từ ATK Định Hóa, tuổi đời ít nhất nửa thế kỷ đã được phục dựng trong không gian hơn 70ha xanh tươi với núi đồi, cỏ cây, tạo nên khu bản làng Thái Hải ngày nay.

Trong khu bản làng này, mọi hoạt động sinh hoạt và lao động diễn ra bình thường như một làng bản thu nhỏ. Các gia đình gắn bó trong một cộng đồng đoàn kết, cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất như mọi người dân nơi bản làng thôn quê. Cũng từ đây, sức sống văn hóa đặc trưng của đồng bào được bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị.

Hàng ngày, người dân trong khu bản làng Thái Hải vào rừng hái rau, lên đồi hái chè, chăm rau ngoài ruộng, dắt trâu ra đồng, nuôi gà, nuôi lợn…, đồng lòng xây dựng và gìn giữ bản làng, tự cung cấp thực phẩm và phục vụ du khách.

Sau những giờ phút lao động vất vả, họ trở thành “nghệ sỹ chân đất” với tiếng đàn tính, hát then và điệu múa đặc trưng...

Một điều đáng quý là trong khu bản làng, đồng bào mặc trang phục, nói tiếng dân tộc mình hàng ngày.

Phó Giám đốc Khu Bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải Lý Thị Chiên khẳng định Di sản chỉ thực sự phát huy được giá trị khi “sống” trong đời sống của đồng bào. Do đó, ở bản làng Thái Hải, việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa bắt đầu từ những nét văn hóa đặc trưng cả ở khía cạnh vật thể, phi vật được cộng đồng đón nhận, nên quá trình duy trì không mất nhiều công sức mà mang tính tự nguyện nhiều hơn.

Tương tác hai chiều để phát triển

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung cho biết những năm qua, hoạt động du lịch khai thác các yếu tố từ khu vực sản xuất nông nghiệp luôn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu ngành du lịch. Du lịch nông nghiệp đã trở thành một sản phẩm du lịch quan trọng của Du lịch Việt Nam.

Một số sản phẩm du lịch nông nghiệp đã trở thành thương hiệu, mô hình kinh doanh du lịch kết hợp với khai thác nông nghiệp đã thành công, mang lại giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân, đóng góp phát triển kinh tế, xã hội ở nhiều địa phương.

Có thể nói phát triển du lịch nông thôn đã góp phần khai thác có hiệu quả các tiềm năng thế mạnh của khu vực nông thôn, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.

Phó Giám đốc Khu Bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải Lý Thị Chiên chia sẻ Bản làng Thái Hải đang rất nỗ lực vừa gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa trong thực hiện phong trào nông thôn mới. Bảo tồn các giá trị văn hóa mà không gắn với cuộc sống hiện đại, đặc biệt là phong trào nông thôn mới, trong đó có phát triển du lịch ở nông thôn thì chưa phải là cách làm hay; cần có sự tương tác, dung hòa hai chiều để phát triển bền vững.

Chị Lý Thị Chiên cho rằng khi thực hiện chương trình nông thôn mới, các cơ quan chức năng, địa phương nên lắng nghe, thấu hiểu người dân trước khi bắt tay làm, như vậy sẽ nhận được sự đồng tình, ủng hộ và công việc hiệu quả hơn.

Du lịch nông thôn: Làng đồng bào dân tộc gìn giữ sắc màu văn hóa ảnh 2(Nguồn: Khu Bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải)

Ví dụ, về nhà ở, phải có quy định rõ ràng là nhà ở di sản hay nhà ở thoát nghèo. Tiêu chí nông thôn mới là nhà nông thôn phải xóa tranh, tre, nứa, lá, thay bằng nhà khang trang hơn.

Nhưng thực tế, 30 ngôi nhà sàn ở bản làng Thái Hải cũng như nhiều nơi khác đang bảo tồn nguyên bản, hầu hết là gỗ, tranh, tre, nứa, lá. Nếu tính theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới, những ngôi nhà sàn như này được xếp vào dạng “hộ nghèo.”

Do vậy, các nhà quản lý cần quan tâm đến các tiêu chí xây dựng nông thôn mới liên quan đến giá trị di sản.

Bởi lẽ, đã bảo tồn nhà sàn là phải giữ được đặc trưng văn hóa nhà ở của đồng bào, khuyến khích đồng bào bảo tồn giá trị văn hóa cộng đồng, tiếp nhận những cái mới nhưng không làm mất đi giá trị văn hóa truyền thống.

Các giá trị truyền thống chỉ thực sự có linh hồn khi “sống” trong không gian văn hóa của đồng bào với nhà ở, ngôn ngữ, trang phục, chữ viết, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng...

Then cũng có thời gian được cho là “mê tín dị đoan.” Tuy nhiên, qua nghiên cứu, qua cộng đồng tiếp nhận, then thực sự có những yếu tố rất nhân văn, hướng con người tới chân thiện mỹ, là không gian di sản văn hóa rất ý nghĩa.

Do đó, các cơ quan chức năng cần phải cân nhắc khi đưa ra quy định, vận hành để có không gian nuôi dưỡng, phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc khi thực hiện chương trình nông thôn mới.

Điều mà bản làng Thái Hải làm được là bảo tồn tốt các giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức.

Đáng chú ý là, hiện nay 30 ngôi nhà sàn đều bằng gỗ, tranh, tre, nứa, lá - những vật liệu nhanh xuống cấp.

Về lâu dài, đòi hỏi phải có nghiên cứu về chất liệu để bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp với yêu cầu chịu đựng được nền nhiệt, thời tiết, thời gian. Việc này đòi hỏi phải có được kinh phí để thường xuyên tu bổ.

Về mặt nhân lực, để sẵn sàng làm di sản, khoác  lên mình “chiếc áo di sản” từ việc giao tiếp ngôn ngữ thuần thục, trang phục hàng ngày, hiểu và thực hành tốt các phong tục tập quán, những người trẻ tuổi không phải ai cũng sẵn sàng vào cuộc ngay.

Những điều này chỉ có thể do những người lớn tuổi thường xuyên thực hiện và trao truyền, bồi dưỡng tình yêu cũng như trách nhiệm cho các thế kế cận duy trì, phát triển bền vững trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục