Đưa vào hoạt động trung tâm tiêm chủng vắcxin lớn nhất Tây Nguyên

Trung tâm tiêm chủng vắcxin lớn nhất Tây Nguyên đặt tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, sẽ phục vụ tiêm chủng đầy đủ các loại vắcxin thế hệ mới nhất dành cho trẻ em và người lớn.
Người dân tiêm vắcxin phòng bệnh bạch hầu tại Trung tâm VNVC Buôn Ma Thuột. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Người dân tiêm vắcxin phòng bệnh bạch hầu tại Trung tâm VNVC Buôn Ma Thuột. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Sáng 15/7, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Hệ thống Trung tâm tiêm chủng dành cho trẻ em và người lớn của Công ty Cổ phần Vắcxin Việt Nam (Trung tâm VNVC) đã đưa vào hoạt động trung tâm thứ 32 tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Đây là trung tâm tiêm chủng vắcxin lớn nhất Tây Nguyên, có hệ thống kho bảo quản vắcxin đạt chuẩn GSP - “Thực hành tốt bảo quản thuốc” của Bộ Y tế.

Theo Trung tâm VNVC Buôn Ma Thuột, tại đây có một kho bảo quản với đầy đủ các loại vắcxin dành cho trẻ em và người lớn như vắcxin phòng bệnh bạch hầu-ho gà-uốn ván, cúm, sởi, thủy đậu, 5 trong 1 Pentaxim, 6 trong 1 Infanrix Hexa, Hexaxim…

Đặc biệt, Trung tâm VNVC là nơi đầu tiên có các loại vắcxin thế hệ mới nhất từ các nhà sản xuất hàng đầu thế giới như Imojev phòng viêm não Nhật Bản, Prevenar 13 phòng các bệnh do phế cầu khuẩn, Menactra phòng viêm màng não mô cầu ACYW, Boostrix phòng phòng bạch hầu-ho gà-uốn ván… đáp ứng nhu cầu tiêm vắcxin của người dân Đắk Lắk nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung.

[Dịch bệnh bạch hầu ở Tây Nguyên: Hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong]

Ông Nguyễn Trọng Tiến, Giám đốc Trung tâm VNVC Buôn Ma Thuột cho biết, hiện nay bệnh bạch hầu đang diễn biến phức tạp tại khu vực Tây Nguyên, hầu hết các ca nhiễm đều do không tiêm vắcxin phòng bệnh hoặc tiêm không đầy đủ.

Trung tâm VNVC Buôn Ma Thuột đi vào hoạt động sẽ đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân Tây Nguyên về việc tiêm các loại vắcxin phòng bệnh cho cả trẻ em và người lớn, đặc biệt là vắcxin phòng bệnh bạch hầu.

Theo thông tin từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tính đến ngày 14/7/2020, khu vực Tây Nguyên đã có 83 ca bệnh bạch hầu được phát hiện ở các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum.

Theo ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, tính đến ngày 14/7, tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 6 trường hợp mắc bệnh bạch hầu.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu với số lượng các mắc bạch hầu liên tục tăng trong những ngày qua, ngành Y tế Đắk Lắk khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu bằng cách tiêm vắcxin phòng bệnh bạch hầu cho người lớn và trẻ em./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục