Đức tạm thời quốc hữu hóa một phần hãng hàng không Lufthansa

Chính phủ Đức nắm số cổ phần không có quyền biểu quyết, đổi lại hãng Lufthansa sẽ nhận được 5,7 tỷ euro, cộng với một hạn mức tín dụng 3 tỷ euro và 300 triệu euro mua cổ phiếu.
Đức tạm thời quốc hữu hóa một phần hãng hàng không Lufthansa ảnh 1Máy bay của hãng hàng không Lufthansa tại sân bay ở Munich, miền nam nước Đức ngày 27/3/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 25/5, Chính phủ Đức đã thông qua một gói cứu trợ trị giá 9 tỷ euro (9,8 tỷ USD) cho hãng hàng không Lufthansa.

Theo thỏa thuận đạt được hồi tuần trước giữa Bộ Kinh tế Đức và ban lãnh đạo hãng Lufthansa, Chính phủ Đức nắm số cổ phần không có quyền biểu quyết, đổi lại hãng sẽ nhận được 5,7 tỷ euro, cộng với một hạn mức tín dụng 3 tỷ euro và 300 triệu euro mua cổ phiếu. Với thỏa thuận này, chính phủ sẽ nắm 20% cổ phần và hai ghế trong ban giám đốc của Lufthansa.

Tuy nhiên, chính phủ không có quyền biểu quyết tại các cuộc họp cổ đông của Lufthansa trừ khi có thương vụ thâu tóm hãng hàng không này.

[Hãng hàng không Lufthansa nối lại các chuyến bay từ giữa tháng Sáu]

Các điều kiện cho gói cứu trợ trên yêu cầu Lufthansa không được chi trả cổ tức và hạn chế tiền lương cho bộ máy quản lý. Bên cạnh đó, chính phủ cũng có quyền ngăn chặn một thương vụ thâu tóm không mong muốn với hãng hàng không này, sử dụng Quỹ Bình ổn kinh tế (WSF) để tăng cổ phần nắm giữ lên hơn 25%.

Thỏa thuận nói trên cho thấy những lo ngại trong nội bộ tập đoàn này và giữa các thành viên Bảo thủ của liên minh cầm quyền ở Đức về tầm ảnh hưởng lớn và lâu dài của chính phủ đối với một hãng hàng không từng khá hùng mạnh.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier cho biết chính phủ không có ý định can thiệp vào việc vận hành Lufthansa và dự định cuối cùng sẽ bán lại cổ phần nắm giữ tại hãng hàng không này vào cuối năm 2023, với điều kiện các phần chính của gói cứu trợ này đã được hoàn trả và chính phủ có thể bán lại cổ phiếu ở mức giá cao hơn giá mua vào.

Gói cứu trợ nói trên sẽ cần phải được thông qua tại một cuộc họp cổ đông của Lufthansa.

Trong quý 1/2020, khi vẫn chưa tính hết các tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, Lufthansa đã thông báo khoản thua lỗ 1,2 tỷ euro và dự báo một kết quả kinh doanh thậm chí tệ hơn trong quý 2. Ngày 24/5, hãng thông báo sẽ nối lại các chuyến bay tới 20 điểm từ giữa tháng Sáu tới, bao gồm cả các điểm nghỉ dưỡng nổi tiếng.

Trong bối cảnh chưa có vắcxin và thuốc điều trị hiệu quả dịch bệnh, ngành hàng không phải đối mặt với khả năng phục hồi chậm chạp. Giám đốc Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) Alexandre de Juniac dự báo ngành này phải đối mặt với khoản thiệt hại 314 tỷ USD riêng trong năm 2020, và dự báo từ nay đến năm 2023, lượng khách đi lại bằng đường hàng không sẽ vẫn thấp hơn thời điểm trước khi xảy ra dịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục