Đụng độ với Armenia, Azerbaijan động viên một phần lực lượng dự bị

Ngoại trưởng Azerbaijan cho biết tổng cộng 6 dân thường nước này thiệt mạng, trong khi 19 người khác bị thương kể từ khi giao tranh bùng phát ngày 27/9 liên quan đến khu vực Nagorno-Karabakh.
Đụng độ với Armenia, Azerbaijan động viên một phần lực lượng dự bị ảnh 1Xe quân sự của Azerbaijan bị phá hủy trong cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan tại khu vực Nagorno-Karabakh, ngày 27/9/2020. (Ảnh: AFP)

Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev ngày 28/9 đã ký sắc lệnh động viên một phần lực lượng dự bị quân đội trong bối cảnh các lực lượng Armenia và Azerbaijan tấn công nhau dữ dội sang ngày thứ 2 liên quan đến khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh, trong đó cả 2 bên cáo buộc nhau sử dụng pháo hạng nặng.

Ngoại trưởng Azerbaijan cho biết tổng cộng 6 dân thường nước này thiệt mạng, trong khi 19 người khác bị thương kể từ khi giao tranh bùng phát ngày 27/9 liên quan đến khu vực Nagorno-Karabakh.

Trong khi đó, khu vực ly khai Nagorno-Karabakh cho biết thêm 15 binh sỹ thiệt mạng trong giao tranh với lực lượng Azerbaijan ngày 27/9.

Trước đó, hôm 27/9, Nagorno-Karabakh thông báo 16 binh sỹ ở khu vực này thiệt mạng và hơn 100 người bị thương sau khi Azerbaijan mở cuộc không kích và pháo kích dồn dập trong ngày.

[Cộng đồng quốc tế hối thúc chấm dứt xung đột tại Nagorno-Karabakh]

Amernia và Azerbaijan đã vướng vào cuộc xung đột dai dẳng kéo dài nhiều thập kỷ liên quan tới tranh chấp Nagorno-Karabakh. Khu vực này nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng lại có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống nên muốn ly khai để sáp nhập vào Armenia.

Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994.

Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó với sự trung gian của Nhóm Minsk (do Nga, Mỹ, Pháp đồng chủ tịch), xung đột vẫn xảy ra tại đây.

Kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tổ chức hơn 10 cuộc gặp cấp cao để giải quyết vấn đề này, nhưng chưa tìm được giải pháp do cả hai đều coi vùng lãnh thổ tranh chấp thuộc chủ quyền của mình và không chấp nhận các phương án hòa giải được đưa ra.

Căng thẳng tái bùng phát sáng 27/9 sau khi nổ ra các vụ đụng độ ác liệt giữa hai bên. Armenia cho rằng các lực lượng Azerbaijan đã nã pháo về phía khu vực Nagorno-Karabakh, trong đó có thành phố Stepanakert.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Azerbaijan thông báo triển khai một chiến dịch phản công và bảo vệ người dân sau khi lực lượng Armenia nã pháo vào quân đội nước này và tấn công các địa điểm dân sự.

Các vụ đụng độ được cho là nghiêm trọng nhất kể từ năm 2016 tại khu vực này càng làm gia tăng nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh. Cả Armenia và chính quyền vùng Nagorno-Karabakh đã ban hành thiết quân luật và tổng động viên sau những diễn biến trên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục