Đường dây nóng: Kênh giám sát có hệ thống của ngành y tế

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, năm 2014 có 98.760 cuộc gọi phản ánh đến đường dây nóng và kết quả có hơn 6.800 cán bộ ngành bị nhắc nhở, điều chuyển vị trí công tác 19 người, 4 người bị thôi việc.
Đường dây nóng: Kênh giám sát có hệ thống của ngành y tế ảnh 1Số điện thoại đường dây nóng tại các bệnh viện để phản ánh được rất nhiều người dân quan tâm. (Ảnh: PV/Vietnam+)
 

Bác sỹ bị phản ánh hướng dẫn bệnh nhân đi chụp cắt lớp ở phòng khám ngoài vì máy của bệnh viện bị hỏng, không ít trường hợp nhân viên y tế bắt bệnh nhân ra hiệu thuốc tư nhân quen biết với bác sỹ để mua thuốc...

Đó là một phần trong bảng tổng kết một năm đường dây nóng của Bộ Y tế đi vào hoạt động (từ ngày 22/11/2013). Dù kết quả cho thấy "lời khen ít, tiếng chê nhiều" nhưng nó cũng khẳng định thực tế người dân ngày càng tích cực gọi tới đường dây nóng phản ánh mọi mặt trong công tác khám chữa bệnh.

Qua phản ánh của người dân tới đường dây nóng, lãnh đạo của Bộ Y tế đã quyết liệt “kỷ luật” những nhân viên y tế sách nhiễu, sai quy trình chuyên môn như điều chuyển vị trí công tác 19 người, cho thôi việc 4 cán bộ, cách chức 6 nhân viên y tế....

Bệnh viện Nhi Trung ương đứng đầu


Ông Nguyễn Xuân Trường - Chánh Văn phòng Bộ Y tế cho biết, theo kết quả xử lý của các đơn vị từ phản ánh của người dân qua đường dây nóng trong năm 2014, đã có hơn 6.800 cán bộ bị nhắc nhở, gần 120 người bị cắt thi đua, điều chuyển vị trí công tác 19 người, cho thôi việc 4 cán bộ, cách chức 6 người…

Theo thống kê của Bộ Y tế, ở Hà Nội, Bệnh viện Nhi Trung ương là đơn vị có nhiều ý kiến phản ánh tới đường dây nóng nhất với 121 cuộc gọi, thứ hai là Bệnh viện Bạch Mai với 93 cuộc gọi, thứ ba là Bệnh viện K có 87 cuộc gọi. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị nhận được nhiều ý kiến phản ánh là Bệnh viện Chợ Rẫy với 87 cuộc và tại miền Trung là Bệnh viện đa khoa Trung ương Huế với 56 cuộc gọi.

Điển hình như tại Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ, người dân gọi điện tới đường dây nóng phản ánh nữ điều dưỡng đã tiêm cho hai trẻ em cùng một xilanh. Ngay sau khi nhận được công văn của Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh Phú Thọ đã tiến hành kiếm tra thông tin, chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ làm rõ những vấn đề liên quan đến nội dung phản ánh của người dân.

Kết quả kiểm tra cho thấy điều dưỡng Đỗ Thị Thanh Long trong khi thực hiện nhiệm vụ đã không tuân thủ theo đúng quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ; vi phạm nguyên tắc “4 không” trong Hướng dẫn tiêm an toàn trong các cơ sở khám bệnh chữa bệnh. Hội đồng kỷ luật của Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ đã ra Quyết định kỷ luật đối với điều dưỡng Đỗ Thị Thanh Long hình thức cảnh cáo và áp dụng hình phạt bổ sung: chuyển công tác đến Khoa Huyết học Truyền máu, chuyển sang làm công tác hộ lý, kéo dài thời gian nâng lương 6 tháng và cắt thu nhập tăng thêm 3 tháng liên tiếp.

Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hưng Nhân, Thái Bình, một trưởng khoa đã bị điều chuyển vị trí công tác vì không tiên lượng được diễn biến bệnh của trẻ.

Hay tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, có ba cán bộ y tế bị xử lý vì bỏ mặc sản phụ trong lúc chuyển dạ để sang hỗ trợ sản phụ khác vì được bồi dưỡng tiền và chậm trễ trong việc chuyển bé sơ sinh cấp cứu chuyển tuyến trên dẫn đến việc bé tử vong…

Theo ông Nguyễn Xuân Trường, việc cải tiến quy trình, rút ngắn thời gian khám chữa bệnh đã phát huy tác dụng, người dân ít phàn nàn hơn. Tuy nhiên, thái độ của đội ngũ nhân viên y tế vẫn bị người dân chê nhiều. Hình thức xử lý nhiều nhất là khiển trách và cắt thi đua. Các trường hợp sai phạm liên quan đến quy định pháp luật về cán bộ công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc và cách chức.

Một năm, gần 100.000 cuộc gọi

Đường dây nóng: Kênh giám sát có hệ thống của ngành y tế ảnh 2Người dân đăng ký khám bệnh tại một bệnh viện. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, trong tổng số 98.760 cuộc gọi phản ánh đến đường dây nóng, tỷ lệ phản ánh đúng phạm vi tiếp nhận chỉ có 35.934 cuộc gọi (36%), trong khi số cuộc gọi không đúng phạm vi là 62.826 cuộc gọi (chiếm 64%).

Ông Nguyễn Xuân Trường - Chánh Văn phòng Bộ Y tế đánh giá, đa phần những phản ánh của người dân gọi tới đường dây nóng của Bộ Y tế đều được lãnh đạo Bộ giải quyết thỏa đáng và nhanh gọn.

Sau khi gửi đơn, gọi điện tới đường dây nóng của Bộ Y tế phản ánh về thái độ làm việc của bác sỹ trực tại Bệnh viện Nông nghiệp, Trần Thị Lương Huyền (ở Hà Nội) cho hay: “Tôi đã được đại diện của Bộ Y tế và Ban lãnh đạo của Bệnh viện Nông nghiệp phản hồi ý kiến và xác minh sự việc và tôi thực sự rất trân trọng điều này. Sau khi làm việc với lãnh đạo của Bệnh viện Nông nghiệp tôi được biết là quy trình của bệnh viện là với những trường hợp cấp cứu thì phải chuyển qua khoa cấp cứu trước khi chuyển lên phòng khám nhi. Về việc này, tôi đã không biết và đưa cháu trực tiếp lên khoa khám nhi trước, tôi xin rút kinh nghiệm về việc này.”

Khi được giải thích rõ chị Huyền bày tỏ: “Thực sự khi viết đơn phản ánh, tôi chỉ mong muốn góp tiếng nói để giúp ngành y tế ngày càng làm việc tốt hơn trong mắt nhân dân và tôi không mong muốn vì sự việc này bác sỹ, y tá hay ai bị kỷ luật hay nghỉ việc vì thực tế các bác sỹ cũng là người chịu rất nhiều áp lực.”

Trong năm qua, bên cạnh những ý kiến phản ánh tiêu cực, đường dây nóng ngành y tế cũng tiếp nhận được ngày càng nhiều ý kiến khen ngợi tập thể, cá nhân nhân viên y tế đã tận tình, không quản ngại khó khăn hết lòng vì người bệnh. Cụ thể, trong ba tháng đầu năm 2014 đường dây nóng tiếp nhận tổng số ba ý kiến khen ngợi nhưng đến cuối năm, riêng trong tháng 11 đã có 21 ý kiến khen ngợi.

Có thể thấy rằng, việc triển khai đường dây nóng của Bộ Y tế thời gian qua đã giúp các đơn vị quản lý nhà nước của Bộ Y tế có được kênh thông tin hữu hiệu và nhanh nhất. Đây cũng là một kênh giám sát có hệ thống của ngành y tế. Mỗi bệnh nhân sẽ trở thành giám sát viên đối với từng nhân viên y tế trong quá trình khám chữa bệnh ở tất cả các cơ sở y tế trên mọi miền tổ quốc.

Để kênh thông tin này có hiệu quả hơn nữa, trong năm 2015, Bộ Y tế sẽ tăng cường bộ phận trực đường dây nóng, đảm bảo tiếp nhận và xử lý kịp thời phản ánh của người dân 24/24; Khẩn trương tổ chức xác minh, kiểm tra thông tin phản ánh của người dân, xử lý kịp thời, thỏa đáng và đưa ra các hình thức kỷ luật người vi phạm cụ thể./.

Trong số 10 địa phương trên toàn quốc nhận được nhiều ý kiến phản ánh của người dân nhất thì các đơn vị y tế của thành phố Hà Nội dẫn đầu với tổng số 1.978 cuộc gọi, đứng thứ hai là Thành phố Hồ Chí Minh với 786 cuộc gọi, thứ ba là tỉnh Thanh Hóa với 206 cuộc gọi.

Phân loại các nội dung các ý kiến cho thấy, nội dung phản ánh của người dân về tình trạng xuống cấp của cơ sở vật chất, nội quy cơ sở y tế có số lượng cuộc gọi cao nhất là 10.108 (28%); tiếp đến là phản ánh thái độ, tinh thần trách nhiệm của y, bác sỹ với 6.824 cuộc gọi (19%); thứ ba là phản ánh về quy trình chuyên môn có 5.841 cuộc gọi (16%). Cá biệt, có hơn 2.200 cuộc gọi phản ánh về việc nhân viên y tế có thái độ vòi vĩnh, đòi hối lộ (chiếm 6%).
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục