EU gia hạn hỗ trợ nông dân bị ảnh hưởng từ lệnh cấm vận của Nga

Ủy ban châu Âu (EC) đã quyết định gia hạn các biện pháp hỗ trợ người trồng rau quả bị ảnh hưởng từ lệnh cấm vận của Nga cho tới cuối tháng 6/2016.
EU gia hạn hỗ trợ nông dân bị ảnh hưởng từ lệnh cấm vận của Nga ảnh 1Hoa quả Bỉ chịu thiệt hại nặng sau lệnh cấm vận của Nga. (Nguồn: moldova.org)

Ngày 7/8, Ủy ban châu Âu (EC) đã quyết định gia hạn các biện pháp hỗ trợ người trồng rau quả châu Âu cho tới cuối tháng 6/2016.

Các biện pháp hỗ trợ của Liên minh châu Âu (EU) cho nông dân được triển khai từ mùa Hè năm ngoái, nhằm đối phó với lệnh cấm nhập khẩu nông sản châu Âu do Nga áp đặt để trả đũa việc châu Âu trừng phạt Moskva vì phương Tây cáo buộc liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Theo Ủy viên châu Âu phụ trách nông nghiệp Phil Hogan, các biện pháp hỗ trợ của châu Âu sẽ giúp giảm nhẹ ảnh hưởng từ lệnh cấm vận của Nga.

Xuất khẩu hoa quả châu Âu vào Nga đã giảm 12%. Tuy nhiên, việc mở những thị trường mới đã bù đắp lại thiệt hại này.

Ngoài ngân sách dành cho kích cầu và các nỗ lực ngoại giao nhằm tìm kiếm Thị trường mới, EU cũng tăng phần bồi hoàn cho các nông dân bị thiệt hại, bao gồm hỗ trợ các sản phẩm tồn đọng với khoảng 3.000 tấn đối với mỗi quốc gia thành viên.

Riêng Bỉ, khoảng 85.000 tấn táo và lê, 16.750 tấn rau (cà chua, dưa chuột, cà rốt,…) sẽ được nhận sự hỗ trợ của EU.

Ngày 7/9 tới, Bộ trưởng Nông nghiệp các quốc gia EU sẽ nhóm họp ở Brussels nhằm đánh giá các biện pháp hỗ trợ hiện hành.

Ngày 24/6 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký gia hạn đến ngày 5/8/2016 lệnh cấm nhập khẩu ban hành ngày 7/8/2014, áp dụng cho các mặt hàng rau, quả, sữa và thịt từ Mỹ, Australia, Canada, Na Uy và EU.

Theo đánh giá của EC, lệnh cấm nhập khẩu của Nga liên quan đến 4,2% tổng xuất khẩu của 28 nước thành viên EU, trị giá 5 tỷ euro.

Trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ nông nghiệp đối phó với lệnh cấm trên, từ ngày 17/3/2014, EC đã chi 33 triệu euro để hỗ trợ thị trường đào, 125 triệu euro hỗ trợ các nhà sản xuất rau quả có thời hạn bảo quản ngắn, thịt, sữa bột và phômai, cũng như 30 triệu euro để kích cầu hàng nông nghiệp châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục