EU sẽ chống lại mọi âm mưu cản trở tiến trình đàm phán hạt nhân Iran

Trong một tuyên bố, người phát ngôn của EU, ông Peter Stano, cho hay khối này phản đối mọi kế hoạch nhằm làm suy yếu hoặc xói mòn nỗ lực ngoại giao liên quan đến thỏa thuận hạt nhân Iran.
EU sẽ chống lại mọi âm mưu cản trở tiến trình đàm phán hạt nhân Iran ảnh 1Toàn cảnh cơ sở hạt nhân Natanz của Iran ở ngoại ô phía Nam thủ đô Tehran. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 12/4, Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo sẽ chống lại những âm mưu nhằm cản trở tiến trình đàm phán hạt nhân với Iran.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi xảy ra sự cố tại cơ sở hạt nhân Natanz mà Tehran cho là một vụ "tấn công khủng bố."

Trong một tuyên bố, người phát ngôn của EU, ông Peter Stano, cho hay khối này phản đối mọi kế hoạch nhằm làm suy yếu hoặc xói mòn nỗ lực ngoại giao liên quan đến thỏa thuận hạt nhân.

Ông Stano nhấn mạnh EU vẫn cần làm rõ sự thật xoay quanh sự cố tại nhà máy hạt nhân Natanz của Iran. Theo ông Stano, sự cố trên có thể là một "hành động khủng bố," song cho rằng đến nay, chưa có quy kết chính thức về đối tượng hoặc tổ chức đứng đằng sau.

Cùng ngày, Nga ra tuyên bố bày tỏ hy vọng sự cố tại nhà máy hạt nhân Natanz sẽ không làm xói mòn các cuộc đối thoại hạt nhân Iran.

[Iran khẳng định tiếp tục làm giàu urani tại cơ sở hạt nhân Natanz]

Trước đó, ngày 11/4,  Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (IAEO) cho biết cơ sở hạt nhân Natanz đã bị "tấn công khủng bố", chỉ vài giờ sau khi nước này xác nhận "một sự cố" dẫn tới tình trạng mất điện ở cơ sở này.

Vụ việc xảy ra một ngày sau khi Iran thông báo bắt đầu đưa vào hoạt động các máy ly tâm tiên tiến làm giàu urani với tốc độ nhanh hơn.

Theo đó, các máy ly tâm IR-5 và IR-6 sẽ giúp làm giàu urani với tốc độ nhanh hơn và với số lượng lớn hơn so với các máy ly tâm thế hệ đầu tiên của Iran - loại duy nhất mà Tehran được phép sử dụng theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015, còn được gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).

Truyền thông và các quan chức Iran thừa nhận các máy ly tâm để làm giàu urani đã bị phá hủy, gọi đây là một vụ "khủng bố hạt nhân'' mặc dù không có thương vong hoặc nguy cơ nhiễm xạ nào, đồng thời ám chỉ tình báo Israel đứng sau vụ việc và cảnh báo sẽ đáp trả.

Sự cố tại nhà máy hạt nhân Natanz xảy ra trong bối cảnh đang diễn ra các cuộc đàm phán tại Vienna (Áo) nhằm tìm cách đưa Mỹ trở lại JCPOA sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương rút Washington khỏi thỏa thuận này.

Tại vòng họp thứ 2 của Ủy ban hỗn hợp về JCPOA với sự tham gia của đại diện các nước Pháp, Nga, Anh, Trung Quốc, Đức và Iran, các đại diện của Trung Quốc và Nga đánh giá các nỗ lực hiện nay nhằm đưa Iran và Mỹ quay lại thực thi JCPOA đã đạt tiến triển. Dự kiến, các nhà đàm phán sẽ tiếp tục nhóm họp vào ngày 14/4 tới.

Chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã để ngỏ khả năng tái gia nhập JCPOA với điều kiện Iran quay trở lại tuân thủ đầy đủ các điều khoản hạn chế về hạt nhân.

Chính quyền Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu luôn phản đối ý định của Mỹ quay lại thỏa thuận hạt nhân với Iran vì cho rằng thỏa thuận có thể mở đường cho Tehran phát triển vũ khí hạt nhân cũng như "đe dọa sự sống còn" của Israel./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục