EU gặp khó khăn trong đàm phán về ngân sách

EU thừa nhận khó khăn trong đàm phán ngân sách

Tổng thống Pháp và Thủ tướng Italy đều thừa nhận rằng EU chưa hội đủ các điều kiện cần thiết cho một thỏa hiệp về ngân sách.
Theo nhận định của Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Italy Mario Monti, các cuộc thương lượng về ngân sách châu Âu cho giai đoạn 2014-2020 tỏ ra ngày càng khó khăn, trong khi chỉ còn vài ngày nữa sẽ diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels, Bỉ.

Trong tuyên bố chung Pháp-Italy phát đi từ Điện Elysée ngày 3/2, Tổng thống Hollande và Thủ tướng Monti đã thừa nhận EU chưa hội đủ các điều kiện cần thiết cho một thỏa hiệp về ngân sách.

Cuộc gặp cấp cao Pháp-Italy tại Paris diễn ra chỉ một ngày trước khi các Ngoại trưởng EU nhóm họp tại Brussels, bàn về vấn đề tài chính hóc búa này.

Tổng thống Pháp nói: "Chúng tôi đang làm tất cả để tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới, chúng ta có thể đi đến một thỏa hiệp, nhưng hiện vẫn chưa hội đủ các điều kiện cần thiết."

Về phần mình, Thủ tướng Italy cho rằng đóng góp của nước nào cho ngân sách cần phải tương xứng với thực trạng kinh tế của nước đó, vì phải tính đến một thực tế là cuộc khủng hoảng tài chính ảnh hưởng đến nước này nhiều hơn nước khác.

Trước đó, khi đề cập đến việc liệu EU có thông qua được một thỏa hiệp về ngân sách hay không, Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 2/2 đã công khai thừa nhận rằng bà "đã chuẩn bị tinh thần cho những cuộc đàm phán rất khó khăn."

Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh EU vào các ngày 7-8/2 tới, phiên thảo luận về ngân sách giai đoạn 2014-2020 dự kiến sẽ diễn ra chiều 7/2, trên cơ sở nội dung đề xuất của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Van Rompuy đưa ra tháng 11 năm ngoái.

Cụ thể, ông Van Rompuy đề nghị một ngân sách 973 tỷ euro cho cả giai đoạn (chiếm 1,01% GDP của EU), thấp hơn 77,4 tỷ euro so với dự thảo ngân sách của Ủy ban châu Âu (EC), chưa kể khoản cắt giảm ngoài ngân sách 3,4 tỷ euro cho hoạt động của Quỹ Phát triển châu Âu.

EU có 27 thành viên nhưng hiện chỉ có 15 nước được cho là ủng hộ đề xuất của EC, còn những nền kinh tế lớn nhất EU đã cảnh báo sẽ phủ quyết dự thảo ngân sách của EC khi thấy phần đóng góp của mình tăng lên.

Không chỉ chia rẽ về trách nhiệm đóng góp, cho đến nay các nhà lãnh đạo EU còn chưa thống nhất được quan điểm về việc phân bổ chi ngân sách như thế nào đối với những khoản chi bị cắt giảm./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục