EU tranh cãi sự tối cần thiết của việc cân bằng giới

Các chính trị gia châu Âu hiện vẫn chia rẽ ý kiến về đề xuất áp đặt tỷ lệ 40% nữ trong các hội đồng quản trị của các công ty.
Các chính trị gia tại châu Âu vẫn chia rẽ ý kiến về đề xuất của Ủy ban châu Âu nhằm áp đặt tỷ lệ 40% nữ trong các hội đồng quản trị của các công ty.

Trang tin EurActiv cho biết Nghị viện châu Âu mới tổ chức một cuộc tranh luận về “Phản ứng của phụ nữ với khủng hoảng”. Đây là sự kiện có nhiều ý nghĩa trong bối cảnh các chính khách châu Âu vẫn chia rẽ về một đề xuất liên quan tới tỷ lệ phụ nữ trong các hội đồng phi điều hành của các công ty.

Điều khoản này, được đưa ra hồi tháng 11/2012 bởi Cao ủy phụ trách về Tư pháp của Liên minh châu Âu, sẽ áp dụng cho các công ty hoạt động thương mại tại 27 nước trong Liên minh châu Âu có hơn 250 công nhân hoặc thu nhập hàng năm vượt mức 50 triệu euro. Các công ty sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt vào năm 2020 nếu không hoàn thành được mục tiêu này.

Sự cân bằng giới trong các công ty từ lâu đã gây ý kiến chia rẽ tại châu Âu. Một số chính khách và nghị sỹ châu Âu tin rằng việc tăng tỷ lệ nữ trong hội đồng quản trị công ty vẫn là “điều tối cần thiết” để đẩy nhanh sự tiến bộ hướng tới cân bằng giới trong hội đồng quản trị của các công ty châu Âu.

Elisabeth Morin-Chartier, chủ tịch Ủy ban về quyền của phụ nữ và bình đẳng giới thuộc Nghị viện châu Âu, cho biết bà thường phản đối việc áp đặt tỷ lệ này, nhưng thực tế là không có nhiều phụ nữ giữ những vị trí cao tại châu Âu hiện nay. Và theo bà có thể coi sự cải thiện tình trạng này là điều hết sức cần thiết.

Pháp hiện được coi là một điển hình với luật pháp quốc gia được đưa ra năm 2010 nhằm tăng tỷ lệ nữ trong danh sách hội đồng quản trị được niêm yết công khai. Theo Ủy ban châu Âu, ước tính tỷ lệ nữ trong hội đồng quản trị các công ty đã tăng từ 12,3% trong năm 2010 lên 22,3% trong năm 2012.

Song, không phải tất cả các nước đều nhiệt tình với việc có một điều luật về cân bằng giới.

Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle cho biết Berlin sẽ phản đối bất kỳ đề xuất nào của EU nhằm áp đặt một tỷ lệ nữ nhất định trong các hội đồng quản trị của các công ty tư nhân. Ông nói: “Đức sẽ không chỉ không chấp nhận một sự áp đặt như vậy, mà còn sẽ tích cực chống lại việc này.”

Còn Tổng thống Litva Dalia Grybauskaitė tin rằng việc áp đặt tăng tỷ lệ nữ trong các hội đồng quản trị công ty có thể có lợi ích nhưng “chỉ được lựa chọn như một giải pháp cuối cùng”. Bà phát biểu trong một cuộc phỏng vấn của EurActiv, “điều quan trọng nhất là đảm bảo các cơ hội bình đẳng. Dĩ nhiên, điều này phụ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể của mỗi nước. Đôi khi sự phân biệt giới mang tính tích cực lại là cần thiết do nền tảng mang tính truyền thống và văn hóa của một xã hội cụ thể”.

Những khác biệt mang tính dân tộc này đã khiến nhiều nước châu Âu cho rằng bất kỳ quyết định nào về tỷ lệ cân bằng giới cần được đưa ra ở cấp quốc gia, chứ không phải ở cấp EU.

Nhưng Morin-Chartier, một nghị sỹ trung hữu của Pháp, lại cho rằng có giá trị trong việc hành động tại cấp độ của toàn châu Âu. Bà nói, “có một lập luận sai lầm rằng những vấn đề này cần được giải quyết tại cấp quốc gia, vì đó là mối quan tâm thực sự của tất cả người châu Âu và được dựa trên những nguyên tắc cơ bản về công bằng và quyền bình đẳng. Điều đó là không cần tranh cãi”.

Bà còn nói rõ “cũng nên nhớ rằng EU cần trở thành “một hình tượng kiểu mẫu” đối với những nước khác trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, những người phản đối đã lập luận để chống lại chính nguyên tắc về tỷ lệ cân bằng giới, cho rằng nó chẳng giúp ích gì cho sự nghiệp của người phụ nữ.

Marina Yannakoudakis, một nghị sỹ EP thuộc đảng Bảo thủ của Anh, cho rằng một hệ thống theo kiểu hình thức thì chẳng có ích gì. Trong khi thực tế cho thấy châu Âu cần có nhiều phụ nữ hơn tham gia hội đồng quản trị của các công ty, không thể chỉ đưa phụ nữ vào những vị trí không tham gia điều hành.

Bà nhấn mạnh việc áp đặt hạn ngạch thường “không có lợi cho kinh doanh” và điều quan trọng là phải thực hiện theo cách tự nguyện. Bà nói: “Đó là lý do chúng ta cần khuyến khích nhiều phụ nữ hơn tham gia hội đồng quản trị các công ty trong khi cho các công ty có cơ hội lựa chọn.”

Evelyn Regner, một nghị sỹ người Áo và là thành viên nhóm xã hội và dân chủ trong EP nhận xét, vấn đề là công lý và sự đối xử bình đẳng mà vẫn cần có những biện pháp linh hoạt.

Theo bà sẽ là đó sẽ một thách thức, nhưng có ít nhất 30% nữ trong hội đồng quản trị công ty là “điều cần thiết để thay đổi toàn bộ cách làm việc và cách chúng ta nhìn nhận mọi thứ. Con số này có thể tạo cho chúng ta mục đích tích cực để hướng tới”./.

Thái Vân/Brussels (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục