Không chỉ bị cáo buộc bán các tệp dữ liệu người dùng cho bên thứ ba, tài liệu nội bộ tuyệt mật của Facebook rơi vào tay Quốc hội Anh còn ho thấy lộ mạng xã hội này đã bán cả quyền truy cập trực tiếp hệ thống dữ liệu.
Theo Wall Street Journal (Nhật báo Phố Wall), trong khi CEO Facebook Mark Zuckerberg vào tháng 4 tuyên bố một cách rõ ràng rằng “Chúng tôi không bán dữ liệu,” thì những tài liệu trên lại cho thấy những hoạt động trái ngược bên trong mạng xã hội lớn nhất thế giới, trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến 2014, thời điểm công ty phải vật lộn để tạo doanh thu sau khi IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng).
Wall Street Journal trích dẫn từ tài liệu cho thấy trong một trường hợp, một nhân viên của Facebook đã cảnh báo tắt quyền truy cập dữ liệu của một công ty nếu công ty đó không chi “250.000 USD để duy trì quyền truy cập.”
[CNN: Tài liệu nội bộ tuyệt mật của Facebook rơi vào tay Quốc hội Anh]
Trong một email khác, một nhân viên Facebook đã đề cập tới một cuộc đàm phán “chiến lược” với Amazon để chia sẻ dữ liệu người dùng.
Tại thời điểm các email trên được trao đổi, các nhà phát triển ứng dụng bên thứ ba có thể không chỉ xem dữ liệu người dùng tương tác với ứng dụng mà còn cả bạn bè của họ. Facebook từng thừa nhận đã cho các nhà phát triển những dữ liệu có giá trị mà không thu lợi nhuận.
Chính điều này đã tạo ra kẽ hở để một ứng dụng có tên gọi "This Is Your Digital Life" (chịu trách nhiệm thu thập dữ liệu ban đầu cho Cambridge Analytica) truy cập vào dữ liệu nhạy cảm của 87 triệu tài khoản Facebook, mặc dù chỉ có hàng nghìn người dùng đồng ý cho phép nhà phát triển ứng dụng này truy cập vào dữ liệu thông tin cá nhân.
Facebook đã đóng lỗ hổng này vào năm 2015, nhưng các email được Wall Street Journal thu thập từ tài liệu trên cho thấy Gã khổng lồ truyền thông xã hội sau đó vẫn xem xét tiếp tục cung cấp quyền truy cập vào dữ liệu để đổi lấy khoản bồi thường tài chính.
Tài liệu nội bộ được xếp vào hạng tuyệt mật của Facebook rơi vào tay Quốc hội Anh, trong bối cảnh tổng giám đốc điều hành mạng xã hội lớn nhất thế giới Mark Zuckerberg liên tục từ chối ra điều trần trước các nhà lập pháp Xứ sở Sương mù.
Tài liệu này được cho chứa đựng những thông tin về các quyết định của ban lãnh đạo Facebook liên quan đến dữ liệu và kiểm soát quyền riêng tư dẫn đến vụ bê bối Cambridge Analytica. Người ta cho rằng trong đó cũng bao gồm các email bí mật giữa các giám đốc điều hành cấp cao với nhau và với Zuckerberg.
Damian Collins, Chủ tịch Ủy ban văn hóa, truyền thông và thể thao thuộc Hạ viện Anh, đã sử dụng một cơ chế nghị viện hiếm hoi, ra lệnh cho cảnh sát áp tải người sáng lập công ty phần mềm của Mỹ, Six4Three đag có chuyến công tác ở London tới trụ sở Quốc hội Anh và sau đó ép bàn giao các tài liệu trên. Six4Three hiện đang theo đuổi một vụ kiện Facebook ở California.
Việc Quốc hội Anh có được trong tay tài liệu nhạy cảm trên có thể tạo ra một bước ngoặt lớn trong cuộc chiến pháp lý với Facebook liên quan đến các vấn đề riêng tư và việc để các thành phần bên ngoài lợi dụng để can thiệp vào công việc nội bộ của nước Anh./.