Gần 51.000 đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp trong năm 2015

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, trong năm 2015, có 50.975 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 10% so 2014) và đơn vị này đã chấp nhận bảo hộ cho 25.621 đối tượng sở hữu công nghiệp.
Gần 51.000 đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp trong năm 2015 ảnh 1Thứ trưởng Trần Việt Thanh kêu gọi sự giúp sức của xã hội về sở hữu trí tuệ. (Ảnh: Trung Hiền/Vietnam+)

Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, trong năm 2015, có 50.975 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 10% so 2014). Đơn vị này đã chấp nhận bảo hộ cho 25.621 đối tượng sở hữu công nghiệp.

Thông tin trên được đưa ra tại chương trình kỷ niệm “Ngày sở hữu trí tuệ thế giới 26/4” được Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp cùng Hội Truyền thông số Việt Nam, Câu lạc bộ Doanh nhân Sáng tạo, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Ngoại thương tổ chức ngày 23/4 tại Hà Nội.

Cụ thể, trong số 50.975 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp có 5.033 đơn sáng chế; 450 đơn giải pháp hữu ích; 2445 đơn kiểu dáng công nghiệp; 37.283 đơn nhãn hiệu; 7 đơn chỉ dẫn địa lý; 9 đơn đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn; 5627 đơn nhãn hiệu đăng ký quốc tế chỉ định Việt Nam; 121 đơn đăng ký quốc tế có nguồn gốc Việt Nam (16 đơn sáng chế, 105 đơn nhãn hiệu).

Theo đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, dù số lượng đơn sáng chế và giải pháp hữu ích của người Việt Nam có tăng nhưng vẫn còn tương đối khiêm tốn (chiếm khoảng 10%) và chưa đáp ứng được đòi hỏi phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên sự phát triển khoa học công nghệ, công nghệ ứng dụng mà trong đó vai trò của các bằng độc quyền sáng chế là hết sức quan trọng.

Trên thực tế, muốn phát triển thị trường công nghệ, đổi mới sáng tạo có rất nhiều yếu tố. Trong đó, vai trò của việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ để xây dựng và phát triển khối tài sản vô hình của doanh nghiệp là cực kỳ cần thiết và có vai trò then chốt trong bối cảnh thị trường có tính cạnh tranh ngày càng cao như hiện nay.

Gần 51.000 đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp trong năm 2015 ảnh 2Rất đông sinh viên tham gia hưởng ứng Ngày sở hữu trí tuệ thế giới. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Để sở hữu trí tuệ thực sự “bén rễ” trong cộng đồng doanh nghiệp, việc tuyên truyền là rất quan trọng. Bởi vậy, trong lễ kỷ niệm Ngày sở hữu trí tuệ thế giới 26/4, đã có hàng loạt các sự kiện đáng chú ý như triển lãm sáng tạo số, tọa đàm về Sở hữu trí tuệ, sáng tạo số và khởi nghiệp, chương trình biểu diễn âm nhạc điện tử.

Ông Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định: “Sở hữu trí tuệ là công cụ vô cùng hữu hiệu nhằm khuyến khích đổi mới sáng tạo. Thành quả sáng tạo cần được đãi ngộ công bằng và xứng đáng thông qua các thế chế chặt chẽ và phù hợp. Có như vậy, các nhà sáng tạo mới có động lực và lòng tin đầu tư công sức và tiền bạc cho hoạt động nghiên cứu, tạo ra các kết quả sáng tạo, ứng dụng chúng, và từ đó, mang lại lợi ích cho chính họ và xã hội.”

Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cũng nhận định, kỷ nguyên kỹ thuật số mở ra các thách thức mới cho hệ thống sở hữu trí tuệ​. Ngoài ra, hội nhập với xu thế phát triển chung của hệ thống sở hữu trí tuệ thế giới cũng là thách thức không nhỏ đối với hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam.

“Chính vì vậy, bên cạnh các nhà hoạch định chính sách có nhiệm vụ ban hành thể chế, điều phối hoạt động của hệ thống sở hữu trí tuệ, chúng tôi thật sự cần sự giúp sức của xã hội. Một mặt, tích cực khai thác tiềm năng sáng tạo của mình, nỗ lực học hỏi, nghiên cứu không ngừng và có hiểu biết nhiều hơn về sở hữu trí tuệ, nâng cao ý thức tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ,” ông Thanh chốt lại.

Gần 51.000 đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp trong năm 2015 ảnh 3Triển lãm sáng tạo số thu hút nhiều sự quan tâm từ các bạn trẻ. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Với mục tiêu đổi mới công tác tuyên truyền và tiếp nối ý tưởng “Đi bộ bằng đầu” (Walk A-head) của chương trình năm 2015, năm 2016 Ban tổ chức dùng hình tượng “IP Man” (Intellectual Property Man) để kêu gọi cộng đồng xã hội cùng hành động bảo vệ các quyền và tài sản sở hữu trí tuệ cũng như cổ vũ mạnh mẽ cho các hoạt động đổi mới sáng tạo./.

“Ngày sở hữu trí tuệ thế giới” (World Intellectual Property Day – viết tắt là IP Day) ra đời vào năm 2000 khi các quốc gia thành viên của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) quyết định ngày 26 tháng 4 hàng năm - ngày mà Công ước WIPO chính thức có hiệu lực vào năm 1970 - là ngày để các quốc gia cùng nhau gia tăng sự hiểu biết chung về IP trên toàn thế giới.

Kể từ đó, “IP Day” đã trở thành một ngày mà mọi người trên thế giới này cùng nhau tìm hiểu và cổ vũ cho những đóng góp của IP đối với sự phát triển của văn hóa nghệ thuật, công nghệ và những đổi mới sáng tạo vì cuộc sống con người. 

Năm 2016, WIPO chọn lĩnh vực công nghệ số (digital) là chủ đề của “IP Day” để kêu gọi hành động với khẩu hiệu “Digital Creativity: Culture Reimagined.” (Sáng tạo số: Tái hiện văn hóa).
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục