Gặp gỡ Eve, chú cá robot chuyên thu thập bí mật di truyền dưới lòng biển

Robot mới đang được phát triển có tên “Eve”, mang hình dạng giống một chú cá với chiếc đuôi làm từ silicon có thể chuyển động như “hàng thật” và thực hiện một nhiệm vụ cũng rất độc đáo.

Eve là một robot mang hình dáng cá, với khả năng di chuyển nhờ chuyển động đuôi. (Nguồn: CNN)
Eve là một robot mang hình dáng cá, với khả năng di chuyển nhờ chuyển động đuôi. (Nguồn: CNN)

Ở một khu vực đâu đó cách bờ biển gần nhất 400km, các sinh viên kỹ thuật tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ ETH Zurich đang miệt mài nghiên cứu và phát triển một dòng robot tân tiến, với khả năng thay đổi toàn bộ kiến thức về đại dương mà ta từng biết.

Robot mới đang được phát triển có tên “Eve”, mang hình dạng giống một chú cá với chiếc đuôi làm từ silicon có thể chuyển động như “hàng thật”. Những chiếc bơm được đặt bên trong robot sẽ cung cấp năng lượng cho nó hoạt động.

“Chú cá” này đang được thử nghiệm bởi nhóm SURF-eDNA (sinh viên ở Viện Công nghệ ETH Zurich) tại hồ Zurich. Họ đã mất 2 năm để tạo nên một loạt những robot giống cá này, trong đó Eve là mẫu mới nhất.

“Với việc Eve có ngoại hình y chang một con cá thật, chúng tôi sẽ có thể thực hiện hoạt động xâm nhập gây tác động tối thiểu vào hệ sinh thái đang khảo sát", nghiên cứu sinh Thạc sĩ Dennis Baumann chia sẻ với trang tin CNN. Anh cũng nói thêm rằng thiết kế mô phỏng cá tự nhiên sẽ giúp các loài sinh vật biển hay cá khác không bị giật mình bởi sự hiện diện của nó.

Bên cạnh ngoại hình cải trang thành cá, Eve được trang bị camera để quay phim kết hợp với thiết bị sóng âm sonar giúp nó tránh các chướng ngại vật trong quá trình di chuyển. Cá robot này cũng có một bộ lọc để thu thập dữ liệu di truyền (DNA) từ môi trường nó bơi qua, còn được gọi là “eDNA”. Các eDNA này sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để xem xét và xác định xem loài nào đang sống trong vùng nước robot đã bơi qua.

"Tất cả các loài sinh vật sống trong môi trường của chúng đều rơi ra DNA. Vì vậy, sẽ có những DNA trôi nổi xung quanh mà chúng ta có thể tìm thấy", nhà nghiên cứu Martina Lüthi thuộc Viện Công nghệ ETH Zurich chia sẻ với CNN.

Các sinh viên hy vọng rằng Eve có thể cung cấp cho các nhà khoa học một bức tranh “rõ nét” hơn về đại dương và những sinh vật sống trong đó. Mặc dù bao phủ hơn 70% bề mặt Trái đất, phần lớn những gì nằm dưới đáy đại dương vẫn còn là một bí ẩn.

Ngày hôm nay, các công cụ như AUV (tàu ngầm không người lái) và phương tiện điều khiển từ xa ngày càng được sử dụng nhiều hơn để khám phá đại dương cũng như tìm hiểu thêm về môi trường dưới nước.

Có thể lấy công ty khởi nghiệp Aquaai tại California làm một ví dụ. Công ty đã phát triển những phương tiện không người lái tựa như những con cá hề và có thể thu thập thông tin dưới nước như nồng độ oxy, độ mặn và độ pH. Đặc biệt vào năm ngoái, một thiết bị tự hành của công ty đã ghi lại được cảnh những con cá ốc sên bơi ở độ sâu lớn nhất từng được ghi hình là 8.300m.

Việc sử dụng eDNA để theo dõi sự phát triển đa dạng sinh học đang ngày càng phổ biến. Tuy nhiên vẫn có một số nhà khoa học ưa chuộngviệc lấy mẫu DNA theo cách “cổ điển”, đó là múc nước từ khu vực cần xem xét.

Trong tương lai, các công cụ tân tiến hơn với khả năng nghiên cứu môi trường chi tiết hơn sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các đại dương của Trái đất. Đặc biệt vào thời điểm hiện nay khi môi trường sống của đại dương đang phải đối mặt với mối đe dọa chưa từng có từ biến đổi khí hậu, đánh bắt tận diệt và các hoạt động gây ảnh hưởng xấu khác của con người.

"Chúng tôi muốn xây dựng một công cụ đáng tin cậy cho các nhà sinh vật học", Dennis Baumann nói. Anh cũng cho biết thêm rằng bản thân hy vọng một ngày nào đó có thể chia sẻ công nghệ của mình với thế giới để bất kỳ nhà khoa học nào muốn sử dụng nó đều có thể tiếp cận được. “Có thể chúng ta sẽ ngăn chặn được nhiều loài sinh vật khỏi bờ vực của tuyệt chủng và cái chết”, anh chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục