GCC tuyên bố mỏ khí Al-Durra thuộc sở hữu của Saudi Arabia và Kuwait

Tuyên bố của GCC nêu rõ quyền sở hữu các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở vùng tiếp giáp khu vực phân chia Saudi Arabia-Kuwait, bao gồm toàn bộ mỏ khí Al Durra, là quyền sở hữu chung của hai nước này.
GCC tuyên bố mỏ khí Al-Durra thuộc sở hữu của Saudi Arabia và Kuwait ảnh 1Một giàn khoan khai thác dầu khí của Saudi Arabia. (Nguồn: Oil&Gas)

Ngày 7/9, ngoại trưởng các quốc gia thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) tuyên bố mỏ khí đốt Al-Durra thuộc sở hữu của Saudi Arabia và Kuwait, đồng thời khẳng định chỉ hai nước này mới có quyền khai thác mỏ Al-Durra.

Trong tuyên bố đưa ra sau cuộc họp cùng ngày ở thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, các ngoại trưởng GCC cũng bác bỏ "mọi tuyên bố cho rằng bất kỳ bên nào khác có quyền sở hữu đối với mỏ này hoặc vùng ngập nước liền kề với khu vực đã được phân chia theo đường biên giới được xác định giữa Saudi Arabia và Kuwait."

Tuyên bố của GCC nêu rõ: "Quyền sở hữu các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở vùng ngập nước tiếp giáp với khu vực phân chia Saudi Arabia-Kuwait, bao gồm toàn bộ mỏ khí Al Durra, là quyền sở hữu chung của hai quốc gia này. Chỉ hai nước này mới có toàn quyền khai thác tài nguyên ở khu vực đó."

Mỏ khí đốt Al-Durra là khu vực ngập nước chung giữa Saudi Arabia và Kuwait trên Vịnh Arab.

Mỏ được phát hiện từ những năm 1960, trùng với thời điểm bắt đầu quá trình phân định biên giới trên biển giữa Saudi Arabia và Kuwait.

Tầm quan trọng chiến lược của mỏ Al-Durra và nguồn tài nguyên tiềm năng của mỏ này đã thu hút sự chú ý của các quốc gia láng giềng, đặc biệt là Iran.

Hồi tháng 7 năm nay, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Javad Oji tuyên bố Tehran sẽ theo đuổi các quyền và lợi ích của mình liên quan đến việc khai thác và thăm dò mỏ khí đốt Al-Durra, điều mà cả Saudi Arabia và Kuwait đã bác bỏ.

[Iran để ngỏ vấn đề khai thác mỏ khí đốt chung với Saudi Arabia, Kuwait]

Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan kêu gọi phía Iran tham gia các cuộc đàm phán để phân định biên giới phía Đông của khu vực này.

Trong khi đó, Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait Saad Al-Barrak cho rằng động thái của Iran đi ngược lại các nguyên tắc cơ bản của quan hệ quốc tế.

Tranh chấp về quyền sở hữu và quyền khai thác phát sinh từ những cách giải thích khác nhau về ranh giới trên biển của các bên.

Năm 2001, Iran bắt đầu cấp phép cho các hợp đồng thăm dò, điều này thôi thúc Saudi Arabia và Kuwait đẩy nhanh hoàn tất việc phân định biên giới trên biển giữa hai nước, trong đó có mỏ khí Al-Durra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục