Giá dầu tại thị trường châu Á tăng nhẹ trong phiên giao dịch cuối tuần

Kỳ vọng về sự phục hồi nhu cầu của Trung Quốc đã hỗ trợ giá phục hồi, tuy nhiên giá “vàng đen” đang hướng tới mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 12/2022 do cuộc khủng hoảng ngân hàng mới đây.
Giá dầu tại thị trường châu Á tăng nhẹ trong phiên giao dịch cuối tuần ảnh 1Một giếng dầu tại thị trấn al-Qahtaniyah, tỉnh Hasakah (Syria). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sau khi cuộc họp giữa Saudi Arabia và Nga đã giúp xoa dịu những lo lắng trên thị trường, giá dầu châu Á ổn định trong chiều 17/3.

Dù vậy, do cuộc khủng hoảng ngân hàng làm rung chuyển thị trường tài chính và dầu mỏ toàn cầu, giá “vàng đen” đang hướng tới mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 12 năm ngoái.

Phiên chiều 17/3, giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 30 xu Mỹ lên 75 USD/thùng vào lúc 14h04 (giờ Việt Nam), nối tiếp mức tăng 1,4% trong phiên trước đó. Giá dầu ngọt WTI của Mỹ tăng 21 xu Mỹ lên 68,53 USD/thùng, sau khi đóng cửa cao hơn 1,1% trong phiên 16/3.

Cả hai hợp đồng đều chạm mức thấp nhất trong hơn một năm vào tuần này, đồng thời hướng tới mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 12/2022 là khoảng 10%.

Trong lúc lượng dầu thô xuất khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc trong tháng Ba này đã đạt mức cao nhất trong gần hai năm rưỡi, kỳ vọng về sự phục hồi nhu cầu của Trung Quốc đã hỗ trợ giá dầu phục hồi vào cuối tuần.

Tủi ro lây lan khủng hoảng giữa các ngân hàng vẫn đang khiến giới đầu tư cận trọng. Một đợt giảm giá tiếp theo có thể gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu và cắt giảm nhu cầu năng lượng.

Sự sụp đổ của các ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank cùng những rắc rối tại Credit Suisse và ngân hàng First Republic khiến thị trường dầu mỏ và các tài sản toàn cầu khác đều sụt giảm trong tuần.

Chính phủ Mỹ và Thụy Sĩ đã phải nhanh chóng tìm cách hỗ trợ ngành ngân hàng trước những diễn biến dồn dập này.

[Giá dầu châu Á tăng nhẹ sau khi trượt xuống mức thấp nhất]

Thị trường đang định giá lại nhu cầu về dầu, nhưng có ít sự thay đổi trong các điều kiện thị trường cơ bản và thị trường năng lượng rồi sẽ bỏ lại những biến động của lĩnh vực tài chính - các nhà phân tích của ngân hàng JPMorgan cho biết.

Trong lúc chờ đợi thông tin cập nhật về các hành động chính sách tiềm năng của các nước trong những tuần tới, JPMorgan vẫn giữ nguyên dự báo giá hiện tại.

Ủy ban cố vấn của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn khác (nhóm OPEC+) sẽ nhóm họp vào ngày 3/4. Việc giá dầu giảm hơn nữa có thể khiến OPEC+ giảm nguồn cung để ngăn dự trữ tăng trong quý 2 năm nay - theo nhận định của giới phân tích.

Việc giá dầu WTI lần đầu tiên giảm xuống dưới 70 USD/thùng kể từ tháng 12/2021 có thể thúc đẩy chính phủ Mỹ bắt đầu làm đầy Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) - hiện đang ở mức thấp kỷ lục - và thúc đẩy nhu cầu đi lên.

Đầu tuần này, OPEC đã nâng dự báo nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc trong năm 2023.

Báo cáo hằng tháng của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố hôm 15/3 cũng cho thấy nhu cầu dầu dự kiến sẽ ngày càng tăng do việc nối lại hoạt động hàng không và mở cửa nền kinh tế của Trung Quốc trở lại sau khi dỡ bỏ chính sách "Không COVID-19."

Dù vậy, hiện tại những lo ngại về tình trạng dư cung vẫn còn.

Dự trữ dầu thương mại ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã đạt mức cao nhất trong 18 tháng, trong khi sản lượng dầu của Nga vẫn ở gần mức trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine vào tháng Hai bất chấp lệnh trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu bằng đường biển của nước này - IEA cho biết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục