Giảm phí trước bạ ôtô: Khách hàng có là người thực sự hưởng lợi?

Sau khi chính thức áp dụng việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe lắp ráp trong nước từ ngày 1/12, nhiều người dân đã đổ xô đi mua ôtô để được hưởng ưu đãi, giảm giá bán đến hàng chục triệu đồng.
Đại lý xe nhộn nhịp trong những ngày áp dụng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe lắp ráp. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sau khi cơ quan chức năng chính thức giảm 50% lệ phí trước bạ cho ôtô lắp ráp trong nước kể từ ngày 1/12, các showroom bán xe lắp ráp đón nhiều lượt khách tới hỏi mua.

Lượng khách tăng gấp 3 lần bình thường

Theo ghi nhận của phóng viên tại một số các đại lý của Toyota, Honda, Hyundai, Kia, Mazda… khu vực Hà Nội trong thời gian này, khách hàng đến xem xe và đặt cọc nhiều gấp 2-3 lần so với thông thường. Cụ thể, nếu ngày thường chỉ có khoảng 10-15 lượt khách thì gần đây lượng khách tăng thành 30, thậm chí cuối tuần một số đại lý có 50 lượt khách đến xem xe.

Anh Nguyễn Duy, quản lý một đại lý xe tại Hà Nội cho biết trong hai ngày cuối tuần vừa qua, lượng khách đến showroom luôn đông từ đầu đến cuối ngày, thậm chí đến 7 giờ tối vẫn có khách vẫn xem xe, dù thông thường chỉ khoảng 4 giờ chiều đã hết khách.

"Thời điểm nửa năm đầu mình từng điêu đứng vì có tháng chẳng bán được chiếc nào, xe thì cứ tồn đọng. Nhưng từ khi có thông tin ưu đãi phí thì lượng khách bắt đầu nhỉnh dần. Đến giờ khách ký chờ mua xe rất nhiều," anh Duy cho biết.

Anh Duy còn cho hay nhiều khách hàng không đủ kiên nhẫn để xếp hàng ký hợp đồng, chờ đợi nhiều tháng mới nhận được xe nên đã ngỏ ý “bo” thêm tiền để được mua xe sớm kịp hưởng ưu đãi phí trước bạ…

Cùng tâm trạng như anh Duy, anh Tiến Hưng, nhân viên bán xe tại một đại lý Mazda ở Hà Nội vừa khoe “chốt” được 10 đơn xe từ đầu tháng 11 đến nay. “Con số này tăng gần 3 lần so với những tháng trước đó, từ mấy hôm nay ngày nào cốp xe máy của tôi chứa đầy biển số xe đi đăng ký cho khách,” anh Hưng hồ hởi chia sẻ.

Nhân viên đại lý xe khoe thành quả làm việc trong những ngày 'chạy' giảm lệ phí trước bạ. (Ảnh chụp màn hình)

Thời gian này, anh Hưng cho biết các mẫu xe tại showroom đều là xe lắp ráp trong nước áp dụng nên được hưởng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ, giúp khách tiết kiệm được 30-60 triệu đồng/xe so với trước đây. Đơn cử, mẫu xe Mazda 3 phiên bản cao cấp tại hãng có giá niêm yết 789 triệu đồng (giá chưa lăn bánh), đóng 100% phí trước bạ tương đương khoảng 79 triệu đồng thì nay chỉ phải đóng khoảng 39 triệu đồng/xe cho loại phí này nên nhiều khách tranh thủ “chạy” phí trước bạ để mua được xe giá rẻ.

Trong ngày đầu thực thi chính sách giảm phí trước bạ (1/12), theo Tổng cục thuế, có tới 12.000 ôtô lắp ráp trong nước làm thủ tục nộp lệ phí trước bạ để đăng ký. Con số này con cao hơn 8.800 xe của cả tháng Tám. Trong bình quân quý III, mỗi tháng có khoảng 16.200 xe đăng ký. Chỉ ngày đầu tháng 12 đã đăng ký bằng 70% trung bình một tháng trước đây.

Đại lý hủy cọc, đồng loại cắt giảm khuyến mãi

Theo khảo sát, tại thời điểm giảm 50% lệ phí trước bạ thông qua cũng là lúc các đại lý xe bắt đầu cắt khuyến mãi. Hiện đa số các dòng xe như Kia, Mazda, Ford… bán đúng giá niêm yết và có thể tặng thêm bảo hiểm vật chất với tùy từng mẫu xe. Một số hãng như VinFast hay Mitsubishi vẫn giữ nguyên ưu đãi.

[Giảm 50% lệ phí trước bạ, giá xe “nội” lăn bánh giảm đến 300 triệu]

Anh Nguyễn Tuấn (Hà Nam) đặt bút ký hợp đồng một chiếc Kia Sorento có giá khoảng hơn 1 tỷ đồng và đã đặt cọc trăm triệu cho chiếc xe của mình vào đầu tháng trước. Tuy nhiên đến thời điểm được áp dụng chính sách giảm phí trước bạ, bên đại lý xe lại đòi tăng giá xe theo mức “giá mới”- bằng với giá niêm yết (khoảng 1,29 tỷ đồng).

Anh Tuấn cũng cho biết giá xe trong tháng mới này không còn nhận được ưu đãi như giá cũ khi anh ký hợp đồng từ trước, do vậy hãng xe có đưa ra yêu cầu với anh là phải chấp nhận mức giá mới mới được nhận xe hoặc nếu hủy thì phải chịu phạt một phần số tiền cọc đã bỏ ra. Tuy nhiên anh Tuấn không đồng ý và tiếp tục chờ giải quyết từ đại lý.

Nhiều khách hàng mua xe bị đại lý chơi chiêu, tăng giá bán khi đến hiệu lực áp dụng giảm phí trước bạ dù đã đặt cọc từ trước. (Ảnh: Facebook)

May mắn hơn anh Tuấn, chị Liên (Hà Nội) khi mua một chiếc xe hiệu Toyota cũng rơi vào trường hợp tương tự nhưng lại có cách giải quyết thuận lợi hơn do chị đã trả hoàn toàn 100% giá trị xe tại thời điểm ký hợp đồng.

“Ban đầu nhân viên bán xe có yêu cầu tôi phải đóng thêm phần giá chênh lệch do giá xe tăng, tuy nhiên tôi không chấp nhận và đôi bên phải tranh luận rất nhiều thì họ mới chấp nhận cho tôi lấy xe về,” chị Liên cho biết.

Trên thực tế, tình trạng các đại lý tăng giá bán, bỏ khuyến mãi hay hủy cọc trong đợt “chạy phí” này đã không còn mới. Từ năm ngoái, hiện tượng này đã xảy ra và cũng gây nhiều tranh cãi khiến nhiều người mua xe không khỏi bức xúc.

Theo lời một số nhân viên đại lý xe, nguyên nhân của việc tăng giá bán, cắt khuyến mại bởi lượng đơn đặt hàng tăng đột biến trong thời gian ngắn dẫn đến nhiều xe lắp ráp có tình trạng cháy hàng mà vẫn chưa kịp tạo nguồn cung để phục vụ khách. Bên cạnh đó, việc hứng chịu kết quả kinh doanh nặng nề trong nửa năm đầu ảnh hưởng bởi dịch bệnh cũng là lý do khiến các đại lý phải điều chỉnh lợi nhuận cho hợp lý.

Anh Hải Sơn, một chuyên gia trong ngành xe cho hay với việc giảm trước bạ, thực tế hãng và các đại lý bán xe là những người nhận được lợi ích ngay lập tức vì đạt mục tiêu kép: Thứ nhất, doanh số bán xe tăng nhanh chóng; thứ hai, lợi nhuận tăng vì hạn chế được khoản tiền chi cho việc giảm giá, chạy quảng cáo…

“Có thể thấy, Nghị định 103/2021/NĐ-CP giảm 50% lệ phí trước bạ của Chính phủ dành cho ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước giúp doanh nghiệp, các hãng xe có phần hưởng lợi nhiều hơn. Còn về phía người tiêu dùng, họ vẫn là người thiệt thòi khi không thể cùng lúc nhận ưu đãi kép, trừ những người mua xe từ trước đợi đến tháng 12 mới đăng ký,” anh Sơn cho hay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục