Giới chuyên gia: Hàn Quốc cần chuẩn bị cho một trật tự thế giới mới

Theo nhận định của tờ nhật báo The Hankyoreh (Hàn Quốc), là thành viên của Nhóm các nền kinh tế lớn (G20), Hàn Quốc có thể coi sự tham gia vào G7 là một cơ hội tốt để nâng cao vị thế quốc tế của mình.
Giới chuyên gia: Hàn Quốc cần chuẩn bị cho một trật tự thế giới mới ảnh 1Toàn cảnh Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản ngày 28/6/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nhận lời mời từ Tổng thống Mỹ Donald Trump tham dự Hội nghị Thượng đỉnh của Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng vào thời điểm xung đột Mỹ-Trung đã leo thang ở tất cả các lĩnh vực và ngày càng trở nên trầm trọng hơn do tác động ảnh hưởng từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (COVID-19).

Theo nhận định của tờ nhật báo The Hankyoreh (Hàn Quốc) số ra ngày 3/6, là thành viên của Nhóm các nền kinh tế lớn (G20), Hàn Quốc có thể coi sự tham gia vào G7 là một cơ hội tốt để nâng cao vị thế quốc tế của mình.

Tuy nhiên, với thế "bị mắc kẹt" giữa hai siêu cường đang tranh giành quyền bá chủ, Hàn Quốc đang phải đối mặt với những khuyến cáo cần thận trọng trong đối ngoại.

[Đại dịch COVID-19 - phép thử đối với chủ nghĩa đa phương]

Các chuyên gia nhấn mạnh đến sự cần thiết của một "chiến lược ngoại giao hai hướng" vừa vạch ra các nguyên tắc, vừa đồng thời giảm thiểu rủi ro.

Với tư cách là Chủ tịch G7, Mỹ không chỉ gửi thư mời tới Hàn Quốc, Nga, Ấn Độ và Australia mà còn lên kế hoạch cho một G7 mở rộng trong tương lai bao gồm 11 hoặc 12 quốc gia.

Thái độ "hung hăng" của Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là nhằm mục đích tạo ra một liên minh chống Trung Quốc.

Ngoài việc cố gắng đổ lỗi cho Trung Quốc về sự lây lan của virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2), Washington cũng đã bắt đầu gửi "thông điệp chống Trung Quốc" tới các đồng minh của mình bao gồm cả Hàn Quốc.

Mỹ cũng đã nói rõ rằng "vấn đề của Trung Quốc" sẽ nằm trong chương trình nghị sự của cuộc họp thượng đỉnh G7.

Về phần mình, Trung Quốc cũng đã đáp trả động thái trên của Mỹ bằng một cảnh báo sắc bén. Trong cuộc họp giao ban hàng ngày của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Người phát ngôn Triệu Lập Kiên ngày 2/6 vừa qua đã cho thấy có sự cáu giận khi được hỏi về việc Washington mời Hàn Quốc và ba nước khác tham dự cuộc họp G7 sắp tới.

Ông Triệu Lập Kiên nói: "Quy tụ quanh mình một băng đảng để chống Trung Quốc không phải là cách có thể giành được trái tim của những người khác. Hành vi như vậy là hoàn toàn không nên vì lợi ích của các quốc gia có liên quan."

Nhà Xanh (Phủ tổng thống Hàn Quốc) giải thích rằng việc ông Moon Jae-in nhận lời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 chỉ nhằm kêu gọi sự hợp tác của cộng đồng quốc tế chung tay chống đại dịch COVID-19 và hoàn toàn không liên quan đến liên minh chống Trung Quốc.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào danh sách "khách mời mở rộng," có thể thấy Hàn Quốc thuộc nhóm các "cường quốc bậc trung" buộc phải đưa ra lựa chọn để làm mất sự cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Giáo sư Kim Han-kwon của Học viện Ngoại giao Quốc gia Hàn Quốc (KNDA) cho rằng: "Mỹ có thể tìm cách gây sức ép buộc Hàn Quốc phải lựa chọn (giữa Mỹ và Trung Quốc) và điều này có thể có tác động đến các cường quốc bậc trung đang ở trong hoàn cảnh tương tự. Hội nghị Thượng đỉnh G-7 có thể là một điểm thay đổi lớn trong quan hệ Mỹ-Trung."

Cạnh tranh Mỹ-Trung gần đây đã trở nên phức tạp hơn nhiều, mở rộng từ các vấn đề thương mại và tài chính, cạnh tranh về vai trò lãnh đạo nền kinh tế toàn cầu đến các vấn đề về an ninh, nhân quyền và tư tưởng.

Căng thẳng Mỹ-Trung đã phần nào được giải tỏa một phần khi hai nước đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 hồi đầu năm nay song lại "bùng phát" trở lại và có phần mạnh mẽ hơn trước khi liên quan đến đại dịch COVID-19 cũng như việc Trung Quốc ban hành “Luật An ninh Quốc gia về Hong Kong.”

Một lý do khiến ông Donald Trump trở nên rất "hiếu chiến" với Trung Quốc gần đây là ông đang phải tìm kiếm "một vật tế thần" cho cuộc khủng hoảng COVID-19 đang bùng phát mạnh mẽ ở Mỹ để có thể chắc chắn tái đắc cử nhiệm kỳ hai vào tháng 11 tới.

Tuy nhiên, các chuyên gia lại cho rằng hành động đó cũng phản ánh sự lo lắng ngày càng trở trong xã hội Mỹ về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nhiều người tin rằng tư tưởng chống Trung Quốc ngày càng sâu sắc của người Mỹ có thể biến cuộc xung đột giữa hai quốc gia thành một vấn đề dài hơi.

Điều này chắc chắn sẽ làm sâu sắc thêm mối quan tâm của Seoul khi Hàn Quốc phụ thuộc đồng thời vào cả Mỹ và Trung Quốc về kinh tế, an ninh và cơ hội mang lại nền hòa bình vĩnh viễn trên Bán đảo Triều Tiên.

Theo giới chuyên gia, nếu Hàn Quốc muốn tránh bị thiệt hại nặng nề từ cơn bão này, Seoul cần thiết lập cho mình các nguyên tắc nhất định trong chính sách đối ngoại.

Giáo sư Park Won-gon của Đại học Quốc tế Handong (Hàn Quốc) nhấn mạnh rằng: "Ngay cả khi chỉ trích gay gắt lẫn nhau, Mỹ và Trung Quốc cũng vẫn đang viện dẫn các nguyên tắc, chuẩn mực và thể chế quốc tế để làm bằng chứng. Vì lý do đó, Washington hay Bắc Kinh sẽ không dễ dàng tấn công Hàn Quốc khi Seoul hành động theo các nguyên tắc trong trật tự quốc tế tự do."

Trong khi đó, Giáo sư Kim Han-kwon lưu ý rằng: "Chính phủ cần có sự ủng hộ của người dân đối với bất kỳ nguyên tắc nào muốn triển khai trên thực tế. Việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đã làm nảy sinh một làn sóng phản đối lớn ở trong nước và khiến áp lực từ bên ngoài càng trở nên lớn hơn (ý nói sự phản đối gay gắt từ Trung Quốc)."

Theo nghĩa đó, Hàn Quốc nên noi gương Singapore, quốc gia theo đuổi chính sách đối ngoại thực dụng với cả Mỹ và Trung Quốc. Phát biểu tại diễn đàn an ninh châu Á, còn được gọi là Đối thoại Shangri-La, tháng 6/2019, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long lưu ý rằng các quốc gia như Mỹ "phải chấp nhận việc Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển và lớn mạnh," đồng thời cần cân nhắc kỹ lượng khi muốn thiết lập một mặt trận chống Trung Quốc.

Trong bài phát biểu tương tự, ông Lý Hiển Long cũng nói Trung Quốc cần thuyết phục các quốc gia khác rằng mình là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và "giải quyết xung đột thông qua ngoại giao và thỏa hiệp thay vì ép buộc hoặc đe dọa dùng vũ lực" liên quan đến quyền con người và các vấn đề dân chủ.

Các chuyên gia khác cho rằng Hàn Quốc nên giảm thiểu rủi ro bằng cách chuyển sang ngoại giao đa phương, bao gồm cả hành động chung với các quốc gia khác.

Kim Jun-hyeong, Giám đốc KNDA, nhấn mạnh thêm rằng: "Có rất nhiều quốc gia có mối quan tâm tương tự liên quan đến Mỹ và Trung Quốc. Chúng ta cần tạo ra một liên minh để hành động chung trước khi những vấn đề bùng nổ"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục