Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết cao gấp 7 lần cùng kỳ năm trước

Tuần qua, Hà Nội ghi nhận 20 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 4 ca so với tuần trước đó), nâng số ca mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay lên 268 ca, tăng gần 7 lần so với cùng kỳ năm trước.
Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết cao gấp 7 lần cùng kỳ năm trước ảnh 1Điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 22/5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng trên địa bàn.

Trong tuần qua (từ ngày 12-19/5), Hà Nội ghi nhận 20 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 4 ca so với tuần trước đó), nâng số ca mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là 268 ca, tăng gần 7 lần so với cùng kỳ năm trước.

Bệnh nhân phân bố tại 28/30 quận, huyện, thị xã; 147/579 xã, phường, thị trấn.

Điều kiện thời tiết như hiện nay thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sinh sôi và phát triển. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội dự báo nguy cơ xuất hiện sớm các ổ dịch sốt xuất huyết, đặc biệt tại khu vực ổ dịch cũ, xã, phường có diễn biến dịch hàng năm phức tạp.

Để ngăn chặn sốt xuất huyết bùng phát, Sở Y tế yêu cầu các địa phương, đơn vị tăng cường tuyên truyền để người dân tự giác thực hiện biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động thu dọn vật dụng phế thải gây đọng nước, nơi bọ gậy, muỗi phát triển, đậy kín dụng cụ chứa nước…

Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Nội rà soát, thông báo chỉ số nguy cơ cao về sốt xuất huyết đối với từng quận, huyện, thị xã, khu vực... để có những cảnh báo cho người dân.

Ngay trong tuần này, ngành y tế tiếp túc tăng cường hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết, trong đó tập trung giám sát ổ dịch cũ tại các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Thạch Thất.

Ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, chính quyền địa phương, người dân cần nâng cao nhận thức, ý thức, thực hiện nghiêm túc quy định về phòng, chống sốt xuất huyết.

[Hai nữ sinh lớp 9 với giải pháp đuổi muỗi chống sốt xuất huyết]

Năm 2022, toàn thành phố ghi nhận 19.779 ca mắc sốt xuất huyết. Sốt xuất huyết có xu hướng tăng từ tuần 30; vượt ngưỡng cảnh báo dịch ở tuần 35 và đạt đỉnh dịch vào tuần 44; duy trì ở mức cao và giảm nhanh từ tuần 49.

Bệnh nhân ghi nhận tại 30/30 quận, huyện, thị xã; số mắc khu vực ngoại thành chiếm 53,1%, nhiều hơn ca mắc ở khu vực nội thành chiếm 46,9%.

Bệnh nhân phần lớn điều trị tại bệnh viện, cơ sở y tế tuyến quận, huyện (45%); tuyến tỉnh, thành phố (29%) và tuyến Trung ương (21%); chỉ có 5% bệnh nhân điều trị tại trạm y tế, tại nhà.

Số ca mắc có xu hướng tăng dần từ 0 đến 40 tuổi sau đó có xu hướng giảm dần theo các nhóm tuổi, số ca mắc ghi nhận phần lớn ở nhóm tuổi học sinh và người lao động.

Từ năm 2009 đến 2022, ghi nhận tuýp Dengue 1 và Dengue 2 là chủ yếu, trong đó tuýp Dengue 2 có xu hướng tăng, trong khi tuýp Dengue 1 có xu hướng giảm dần.

Ngoài sốt xuất huyết, từ ngày 12-19/5, địa bàn Hà Nội ghi nhận 36 ca mắc tay chân miệng (giảm 10 ca so với tuần trước đó), nâng tổng số ca mắc tay chân miệng từ đầu năm 2023 đến nay lên 588 ca (tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2022).

Cũng trong tuần qua, thành phố ghi nhận 49 ca mắc thủy đậu (giảm 5 ca so với tuần trước đó), nâng số ca mắc thủy đậu ghi nhận từ đầu năm 2023 đến nay trên địa bàn thành phố lên 1.488 ca (tăng gần 19 lần so với cùng kỳ năm trước)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục