Hà Nội xây dựng mô hình an toàn thực phẩm tại tuyến phố văn minh

Sở Y tế Hà Nội xây dựng kế hoạch triển khai bảo đảm an toàn thực phẩm đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố tại các tuyến phố văn minh.
Hà Nội xây dựng mô hình an toàn thực phẩm tại tuyến phố văn minh ảnh 1(Ảnh minh họa: Nhật Anh/TTXVN)

Để tạo sự chuyển biến tích cực đối với hoạt động quản lý kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố, Sở Y tế Hà Nội đã xây dựng kế hoạch triển khai bảo đảm an toàn thực phẩm đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố tại các tuyến phố văn minh của các quận, huyện, thị xã trên địa bàn.

Mỗi quận, huyện, thị xã có một tuyến phố xây dựng một mô hình đảm bảo an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố, 100% cơ sở dịch vụ ăn uống trên tuyến phố cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phấn đấu các tiêu chí đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đạt trên 83% và không có vụ ngộ độc lớn xảy ra trên tuyến.

Sau hơn một năm thực hiện đề án triển khai mô hình cải thiện dịch vụ ăn uống tại các phường, xã, thị trấn, việc xây dựng mô hình điểm dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố đã được các cấp, ngành quan tâm, công tác phối hợp liên ngành được đẩy mạnh, công tác kiểm tra giám sát chuyển biến tích cực.

Nhờ đó, 10 tiêu chí an toàn thực phẩm được cải thiện, không có vụ ngộ độc lớn xảy ra, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và văn minh đô thị.

Sở Y tế yêu cầu các quận, huyện, xã phường, thị trấn có tuyến phố được chọn xây dựng mô hình đảm bảo an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố kiện toàn ban chỉ đạo, triển khai kế hoạch tổ chức hội thảo, thành lập đoàn kiểm tra, duy trì tổ giám sát và mạng lưới cộng tác viên xã, phường, thị trấn.

Tổ chức điều tra ngành hàng, điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố để đánh giá thực trạng trước khi can thiệp. Lập sổ quản lý theo dõi, kiểm tra, giám sát; tổ chức ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm giữa người kinh doanh dịch vụ ăn uống với ban chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm phường; tuyên truyền trên hệ thống loa đài, tuyên dương cơ sở thực hiện tốt và phê phán đối với cơ sở vi phạm.

Tổ chức các hoạt động kiểm tra giám sát, kiểm nghiệm thức ăn, xét nghiệm nhanh; hỗ trợ găng tay dùng một lần, sổ ghi chép nguồn gốc thực phẩm và một số trang bị bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tổ chức phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm, khám sức khỏe cho người kinh doanh dịch vụ ăn uống…

Các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã và phòng y tế có trách nhiệm đôn đốc, giám sát thực hiện, tổ chức cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đồng thời phát huy vai trò của công an phường, thị trấn trong kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, xử lý vi phạm, dẹp bỏ các cơ sở thức ăn đường phố bày bán tại các điểm cấm bán hàng, gắn công tác an toàn vệ sinh thực phẩm dịch vụ ăn uống thức ăn đường phố với công tác đảm bảo an sinh xã hội và mỹ quan đô thị, hưởng ứng Năm trật tự văn minh đô thị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục