Bài cuối: Hà Nội vươn mình đi lên trong thời đại mới

'Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không': Khát vọng hòa bình-thịnh vượng

Từ ký ức Hà Nội - Hoa Ngọc Hà, Hoa chiến thắng của 50 năm trước, những khu phố, nhà ga, bệnh viện, trường học từng bị bom Mỹ tàn phá năm xưa, nay đã là những đô thị, công trình hiện đại.
'Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không': Khát vọng hòa bình-thịnh vượng ảnh 1Bom Mỹ phá sập Trạm chống lao khu phố Đống Đa và kho được phẩm 2, Hà Nội (ảnh trên) và một góc quận Đống Đa ngày nay. (Nguồn: TTXVN)

Bài cuối: Hà Nội vươn mình đi lên trong thời đại mới

Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không,” phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện loạt bài “Khát vọng hòa bình-thịnh vượng.”

Như đã đề cập trong bài "Hoa Ngọc Hà, Hoa chiến thắng" của chùm bài, trong 12 ngày cuối năm 1972, Không lực Mỹ đã ném khoảng 40.000 tấn bom xuống Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc, làm gần 2.400 người chết và 1.355 người khác bị thương. Thủ đô Hà Nội là nơi bị bom B-52 tàn phá nhất. Những vệt bom huỷ diệt sự sống của con người kéo dài từ ga Hàng Cỏ đến ga Văn Điển, qua ga Giáp Bát. Nhiều phố phường, khu dân cư bị hủy diệt như: Khâm Thiên, Phương Liệt, Làng Tám, Tương Mai, An Dương, khu tập thể Mai Hương. Nhà trẻ, trường học rồi Bệnh viện Bạch Mai và nhiều cơ sở y tế bị san phẳng...

Qua 50 năm khôi phục và phát triển, Hà Nội, chiến địa năm xưa, nay đang căng tràn nhựa sống. Những khu phố, nhà ga, khu dân cư, bệnh viện, trường học từng bị bom Mỹ tàn phá năm xưa, giờ là những đô thị, công trình hiện đại, văn minh.

Hà Nội, một ngày cuối tháng 12/2022. Không khí đón Noel ùa về trong cái rét đặc trưng của miền Bắc. Phố phường rực rỡ ánh đèn. Khó có thể hình dung vùng đất này hồi 50 năm trước rực lửa chiến tranh. Chỉ thấy từ Hà Nội, khát vọng thống nhất-hòa bình năm nào đang lan tỏa, hòa quyện với nguồn sức mạnh đại đoàn kết, ý chí của toàn dân tộc hướng đất nước tới tầm cao mới. Đó là hiện thực hoài bão về một quốc gia-dân tộc phồn vinh, thịnh vượng.

Kỷ nguyên thống nhất-hòa bình-thịnh vượng

Trong căn phòng khách rộng hơn 20m2 trên tầng 4 tại khu tập thể Thành Công, Hà Nội, ông lão gần 90 tuổi, khuôn mặt hiền hòa, ngồi bên bàn làm việc chăm chú đọc tập tài liệu dày cộp.

Ông là nhà ngoại giao Phạm Ngạc, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức Quốc tế, Bộ Ngoại giao, từng là thành viên của Phái đoàn Việt Nam tại Hội nghị Paris năm 1973.

Nhắc đến Mỹ cho B-52 ném bom Hà Nội giữa thời điểm cuộc đàm phán Hòa bình gay go nhất thế kỷ XX đang dần đi tới hồi ký kết, ký ức của ông Phạm Ngạc sống động những năm tháng vừa đàm phán vừa theo dõi tình hình chiến trường trong nước.

Bởi diễn biến chiến trường tác động mạnh mẽ, trực tiếp đến những người tham gia Hội nghị Paris.

Và dự thảo Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam do phái đoàn ta soạn thảo, đưa cho phía Mỹ thảo luận để ký kết chính là sau những thắng lợi quân sự của ta trên chiến trường.

[Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không: Chiến thắng của ý chí và bản lĩnh]

Trước sự lật lọng của Mỹ, phía Việt Nam tuyên bố phản đối thái độ xảo trá này và ngừng đàm phán.

Mặt khác, đoàn đàm phán rất lo, các nước bạn bè cũng rất lo. Vì B-52 là máy bay tối tân nhất lúc bấy giờ và mang sức mạnh huỷ diệt.

“Nhưng khi chiếc B-52 đầu tiên, rồi chiếc thứ hai, thứ ba bị bắn hạ, phái đoàn ta mới bớt lo và đứng vững. Rồi nhớ lại lời Bác Hồ căn dặn, Mỹ chỉ chịu thua sau khi vũ khí hiện đại nhất của chúng là B-52 bị thất bại hoàn toàn. Thất bại nặng nề trên bầu trời Hà Nội, ngày 31/12/1972 Mỹ buộc phải chấm dứt ném bom và đề nghị ta trở lại đàm phán. Hiệp định Paris ta ký sau đó là cơ bản chuẩn bị từ hồi tháng 10 năm 1972,” ông Phạm Ngạc kể lại.

'Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không': Khát vọng hòa bình-thịnh vượng ảnh 2Các lực lượng phòng không Hà Nội tạo thành lưới lửa trên bầu trời Thủ đô, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ trong trận 12 ngày đêm tháng 12/1972. (Nguồn: TTXVN)

Nhắc đến cảm xúc hạnh phúc khi Hiệp định Paris được ký kết, nhà ngoại giao kỳ cựu nhớ giây phút ngày 27/1/1973, Phái đoàn Việt Nam bước ra cửa. Rợp trời là cờ đỏ sao vàng và cờ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Bạn bè quốc tế tụ họp rất đông chúc mừng hai đoàn Việt Nam, chia sẻ với ta niềm vui này, coi đây là thắng lợi chung của chính nghĩa.

Sự xúc động của ông Phạm Ngạc có lý do. Để đạt được lợi ích dân tộc là cuộc đấu tranh ngoại giao cam go nhất, lâu dài nhất trong lịch sử nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. Là xương máu của người Việt Nam thấm ướt khắp hai miền Nam-Bắc cho khát vọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Là 12 ngày đêm rực lửa ở bầu trời Thủ đô Hà Nội.

Hiệp định Paris được ký kết đã tạo ra cục diện có lợi cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến tranh rồi đây sẽ chấm dứt. Đất nước sẽ bước vào kỷ nguyên thống nhất, hòa bình, thịnh vượng.

Sau cuộc chiến tranh chính nghĩa đó, uy tín của Việt Nam lớn lên rất nhiều. Trải qua nhiều chục năm sau chiến tranh, hiện thực hóa chủ trương “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai,” Việt Nam và Mỹ đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện. Trong dòng chảy lịch sử đó, cả cuộc đời ông Phạm Ngạc cũng gắn bó trọn vẹn với Đảng, với đất nước, với ngành ngoại giao.

Bước phát triển từng ngày, từng giờ

Từ căn phòng làm việc của ông Phạm Ngạc hướng ánh mắt ra phía ngoài khung cửa sổ chiều đông rét buốt.

Nghe vẳng đâu đây lời bài hát thật hay về Hà Nội: “Ôi nhớ Thủ đô năm ấy/Ta đánh giặc trên mâm pháo/Truyền thống cha ông gìn giữ non sông/Từ thuở Thăng Long vẫn mang trong lòng/Hà Nội ơi.”\

Nửa thế kỷ trôi qua, âm hưởng bài ca vẫn ngọt ngào, lắng đọng, làm rung động trái tim.

Lời ca bài hát đã góp phần tôi rèn ý chí bao lớp thanh niên từ các chiến trường vững tin ở sự tất thắng của Hà Nội trước bom rơi, đạn nổ của kẻ thù; cùng người dân Hà Nội “vừa sản xuất, vừa chiến đấu,” chắc tay súng, tay búa, cùng cả nước đánh Mỹ và thắng Mỹ.

Từ ngọt lịm giọng hát, thánh thót tiếng đàn ấy, lại nhớ cuộc gặp gỡ trong tháng 12 này với Thượng tá Trịnh Thị Khuyến Lương, Phó Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng B-52 tại Triển lãm chuyên đề “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không.”

'Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không': Khát vọng hòa bình-thịnh vượng ảnh 3Ga Hàng Cỏ, nơi bị máy bay B-52 ném bom phá hủy, ngày 21/12/1972 và ga Hà Nội ngày nay. (Nguồn: TTXVN)

Chị Khuyến Lương cũng là một chứng nhân lịch sử. “Mẹ tôi kể rằng khi bụng mang dạ chửa tới bệnh viện để sinh tôi thì trên đường gặp bom Mỹ dội xuống. Xe lật nhào, bà trở dạ ngay cạnh bến phà Khuyến Lương, Hà Nội. Mẹ đã đặt tên tôi theo địa danh nơi tôi sinh ra,” Thượng tá Trịnh Thị Khuyến Lương bồi hồi nói.

Như định mệnh, sau này Khuyến Lương vào Quân đội và gắn bó với Bảo tàng Chiến thắng B-52. Mong muốn của chị là góp sức mình để khách thăm quan trong và ngoài nước hiểu rõ hơn những tàn khốc của chiến tranh, sự hào hùng, hy sinh to lớn của dân tộc Việt Nam và khát vọng Hòa bình trên mảnh đất Thăng Long-Hà Nội.

Chiều đã ngả tối. Hướng về trung tâm thành phố, dừng chân ở Đài tưởng niệm Khâm Thiên dựng lên trên nền nhà số 51 phố Khâm Thiên có một người đàn ông đứng tuổi đang thắp nén nhang thơm trước Đài, thành kính nhìn bức tượng người phụ nữ nâng trên tay một em bé cơ thể đã mềm oặt. Người đàn ông đó là Hoàng Minh Thành, nguyên tự vệ Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội, cũng là nhân chứng của trận bom hủy diệt.

“Vệt bom B-52 rải xuống Khâm Thiên làm chết toàn bộ 7 người trong ngôi nhà số 51. Bức tượng được sáng tác từ nguyên mẫu là chủ nhân của ngôi nhà. Ở Khâm Thiên, chỉ trong đêm 26/12/1972, hàng trăm gia đình phải chịu cảnh sinh ly tử biệt. Có nhiều gia đình không còn ai sống sót,” ông Hoàng Minh Thành nói!

Nhắc về những ký ức đau thương của 50 năm trước, sau khi dừng lại dòng cảm xúc, ông Hoàng Minh Thành liên hệ với sự đổi thay của nơi từng hoang tàn, đổ nát này. Trong mắt ông, thời khốc liệt đã qua.

“Cuộc sống người dân hôm nay không phải lo thiếu ăn, thiếu mặc như ngày xưa nữa. Như ở Khâm Thiên, nhiều hộ rất khá giả. Bà con giờ là ăn ngon, mặc đẹp và rất tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước,” ông Hoàng Minh Thành chia sẻ.

Từ ký ức Hà Nội của 50 năm trước, dạo bước trên phố phường Thủ đô thấy những khu phố, nhà ga, khu dân cư, bệnh viện, trường học từng bị bom Mỹ tàn phá năm xưa, giờ là những đô thị, công trình hiện đại, văn minh.

Như khu đất cũ của Nhà máy Dệt 8-3, cái tên đã ăn sâu vào ký ức đau thương của nhiều người Hà Nội hồi 12 ngày đêm cuối năm 1972, nay là Khu đô thị Times City hiện đại.

Dấu tích thời bom đạn chỉ còn là Đài Chiến thắng Nhà máy Dệt 8-3 nằm một góc bên Khu đô thị, chung quanh bốn mùa rợp bóng cây xanh.

Còn hố bom B-52 năm nào phá sập hầm trú ẩn của gia đình nữ tự vệ Phạm Thị Viễn, nay là ngôi nhà ba tầng khang trang. Khoảng sân chung của ngôi nhà, cây khế đang nảy những chồi lộc mới, vòm hoa khế trái mùa bừng nở, tím ngát lấp ló, ẩn hiện trong màu xanh của cây lá.

Hà Nội, chiến địa năm xưa nay đang căng tràn nhựa sống. Hầu hết những con người từng là nạn nhân, nhân chứng, từng chiến đấu đánh trả kẻ thù, từng sẻ chia những mất mát đau thương trong quá khứ, đều đã tự đứng lên, dựng lại hạnh phúc cho mình. Họ cũng chứng kiến những đổi thay, những bước phát triển từng ngày, từng giờ của Hà Nội.

Những thế hệ thứ hai, thứ ba đang tiếp nối nhau làm chủ nhân tương lai của Thủ đô, của đất nước. Và khát vọng vươn lên hiện thực ước mơ, hoài bão về một tương lai phồn vinh, thịnh vượng đang lan tỏa từ Hà Nội- trái tim cả nước, đô thị đầu tiên của châu Á được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì Hòa bình.”

Khát vọng đó có thể thấy từ Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.”

Với tầm nhìn xa đó, Hà Nội sẽ là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Thay cho lời kết, xin dẫn lại lời của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” là một trong những chiến công oanh liệt, là bản hùng ca vĩ đại trong thế kỷ XX. Từ chiến thắng này, có nhiều bài học kinh nghiệm quý báu vẫn còn nguyên giá trị và cần được vận dụng sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Đó là bài học về sự kiên định đường lối lãnh đạo của Đảng, xây dựng ý chí quyết chiến, quyết thắng - nhân tố quyết định giành thắng lợi; về sự chỉ đạo chiến lược và chiến dịch tài tình, sắc bén trên cơ sở nắm chắc tình hình địch, sẵn sàng đối phó thắng lợi với mọi tình huống xảy ra; về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại; về sự sáng tạo, tự chủ, tự lực, tự cường; về sự giúp đỡ thủy chung, trong sáng của bạn bè quốc tế và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới./.

Bài 1: Phát hiện và cảnh báo sớm - "Pháo đài bay" B-52 trên màn hiện sóng

Bài 2: Đánh sập "thần tượng" không lực Hoa Kỳ

Bài 3: Màu của Hòa bình và Hy vọng

Bài 4: Hoa Ngọc Hà, Hoa chiến thắng

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục