Hai ''con sóng ngầm'' đe dọa mối quan hệ Mỹ-Trung

Dự kiến, nguyên thủ hai nước sẽ gặp nhau sớm nhất là vào cuối tháng Năm tới để ký kết thỏa thuận thương mại, tuy nhiên vấn đề là quan hệ Mỹ-Trung lại đang đối mặt với những "con sóng ngầm" lớn.
Hai ''con sóng ngầm'' đe dọa mối quan hệ Mỹ-Trung ảnh 1Quốc kỳ Trung Quốc (giữa) và quốc kỳ Mỹ. (Nguồn: Getty Images/TTXVN)

Thời gian biểu cho các vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung cơ bản đã được xác định.

Dự kiến, nguyên thủ hai nước sẽ gặp nhau sớm nhất là vào cuối tháng Năm tới để ký kết thỏa thuận thương mại. Vấn đề là quan hệ Mỹ-Trung lại đang đối mặt với những "con sóng ngầm" lớn.

Phóng viên TTXVN tại Malaysia dẫn thông tin đăng tải trên truyền thông địa phương cho biết vào ngày 29/4, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tới Bắc Kinh tham gia vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung mới.

Sau đó khoảng một tuần, có thể vào ngày 6/5, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ dẫn đầu đoàn đàm phán thương mại Trung Quốc tới Washington tiếp tục bàn thảo vấn đề liên quan với phía Mỹ.

[Có khả năng đạt thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung vào cuối tháng Năm]

Sắp xếp sơ bộ nêu trên cơ bản phù hợp với những gì mà Tổng thống Mỹ Donald Trump nêu ra trong cuộc gặp ông Lưu Hạc ở Nhà Trắng hồi đầu tháng tư cũng như mong muốn về việc hai nước có thể đạt được thỏa thuận thương mại trong vòng bốn tuần. Nếu đạt được thỏa thuận vào đầu tháng Năm, hai bên có thể phải cần vài tuần để hoàn thành văn bản, sớm nhất sẽ ký kết vào ngày kỷ niệm Chiến sỹ trận vong (27/5).

Trong khi đó, Đài CNBC dẫn ba nguồn thạo tin cho biết thêm các quan chức Trung Quốc đang tìm hiểu về thời gian và hành trình thăm Nhật Bản vào cuối tháng Năm nhằm tạo điều kiện để nguyên thủ Mỹ-Trung gặp nhau bên ngoài lãnh thổ Mỹ.

Quan chức Nhà Trắng xác nhận phía Trung Quốc thiên về ý tưởng tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung ở châu Á, nhưng vẫn chưa rõ địa điểm cuối cùng được chọn là ở đâu.

Dự kiến vào cuối tháng Năm, đầu tháng Sáu tới, ông Trump sẽ thăm châu Á và dự hội nghị thượng đỉnh của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Osaka (Nhật Bản).

Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-Trung Erin Ennis cho rằng việc nguyên thủ hai nước gặp nhau bên lề hội nghị G20 xem ra có tính khả thi cao hơn.

Hai ''con sóng ngầm'' đe dọa mối quan hệ Mỹ-Trung ảnh 2Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh tháng 11/2017. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung lần trước được tổ chức sau khi hội nghị G20 ở Argentina kết thúc. Trong cuộc gặp gỡ ăn tối hôm 1/12/2018, lãnh đạo hai nước đã đạt được thỏa thuận về việc tạm dừng chiến tranh thương mại trong 90 ngày.

Gần đây, nhiều nhân tố tích cực liên quan tới thương mại Mỹ-Trung đã xuất hiện như đàm phán thương mại Mỹ-Trung được thúc đẩy, số liệu mới công bố cho thấy thâm hụt thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc đã được thu hẹp, Bắc Kinh đồng ý tăng cường mua sắm hàng hóa Mỹ... Do đó kỳ vọng về việc Mỹ-Trung đạt được thỏa thuận thương mại đang tăng lên.

Tuy nhiên, Mỹ-Trung vẫn còn nhiều vấn đề quan trọng cần giải quyết trước khi ký kết thỏa thuận thương mại, bao gồm việc hai nước sẽ xóa bỏ việc áp thuế đối với hàng hóa nào hay yêu cầu Trung Quốc dừng trợ cấp đối với doanh nghiệp nhà nước...

Đáng chú ý là cùng với đàm phán thương mại, gần đây quan hệ Mỹ-Trung đang đối mặt với ba "con sóng ngầm" lớn:

Thứ nhất, mới đây Trump tuyên bố 5G (công nghệ truyền thông di động thế hệ thứ năm) là cuộc đua mà nước Mỹ phải giành thắng lợi. Trong khi đó, gần một năm qua, Washington nhiều lần lấy lý do an ninh quốc gia kêu gọi đồng minh tẩy chay sử dụng thiết bị của tập đoàn Huawei (Trung Quốc) để xây dựng mạng 5G.

Trung Quốc công khai phản đối, chỉ trích Mỹ lợi dụng bộ máy nhà nước để đàn áp, bóp nghẹt doanh nghiệp khoa học công nghệ Trung Quốc.

Trong một động thái hiếm thấy, bốn cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc đã đồng loạt "chĩa mũi dùi" vào những phát ngôn liên quan của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Tất cả cho thấy trong tương lai, Mỹ-Trung sẽ cạnh tranh quyết liệt trong lĩnh vực phát triển và ứng dụng mạng 5G. Cuộc chiến này thậm chí còn quyết liệt hơn cả chiến tranh thương mại.

Thứ hai là thông tin Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) gần đây lấy lý do an ninh quốc gia, cấm một số sinh viên Trung Quốc nhập cảnh vào Mỹ. Cựu quan chức Nhà Trắng Michael Pillsbury tiết lộ với hãng tin Reuters rằng ông đã đệ đơn xin visa vào Trung Quốc từ ngày 22/3, nhưng tới nay vẫn chưa được phê chuẩn, do đó ông không thể đến Bắc Kinh để dự một cuộc hội thảo.

Theo Michael Pillsbury, đây có thể là đòn trả đũa của Trung Quốc đối với việc Mỹ hạn chế visa nhằm vào một số sinh viên Trung Quốc. Đây là vấn đề mới phát sinh, nhưng nếu đúng là đòn trả đũa nhằm vào nhau, nó có thể ảnh hưởng tới quan hệ Mỹ-Trung./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục