Hàng không với bài toán lo giữ chân nhân lực giữa đại dịch COVID-19

Dù đối mặt với nhiều khó khăn, các hãng hàng không vẫn cố gắng duy trì đội ngũ nhân lực để đảm bảo khi thị trường phục hồi sẽ sớm bắt tay vào sản xuất kinh doanh để bù doanh thu.
Vietjet đã đưa ra chính sách để giữ nhân tài, duy trì mức lương và phụ cấp cho người lao động nhằm chuẩn bị cho thời kì phục hồi hậu COVID-19. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Vietjet đã đưa ra chính sách để giữ nhân tài, duy trì mức lương và phụ cấp cho người lao động nhằm chuẩn bị cho thời kì phục hồi hậu COVID-19. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Với việc tiêm vaccine phòng COVID-19 được đẩy nhanh tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, dự báo thị trường hàng không Việt Nam sẽ bắt đầu phục hồi từ giữa quý 3/2021.

Ngay lúc này, các hãng hàng không đã rục rịch chuẩn bị nhân lực giai đoạn hậu COVID-19.

Thị trường tiềm năng nên vẫn “khát” lao động

Năm 2021, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo ngành hàng không toàn cầu sẽ lỗ khoảng 47,7 tỷ USD, thâm hụt dòng tiền khoảng 81 tỷ USD và các hãng hàng không chỉ bắt đầu có dòng tiền dương từ năm 2022.

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp hàng không đang hứng chịu những thiệt hại nặng nề về sản xuất kinh doanh khi đường bay quốc tế bị đóng băng, một số đường bay nội địa cũng chỉ duy trì với tần suất thấp do diễn biến phức tạp của đợt dịch COVID-19 tại nhiều tỉnh, thành trong thời gian vừa qua.

Để giảm bớt gánh nặng, các hãng bay bắt buộc phải cắt giảm nhân sự, cho nghỉ việc không lương hoặc làm việc luân phiên đồng thời đào tạo cho phi công, tiếp viên để khi thị trường phục hồi sẽ có đủ nhân lực.

Khẳng định hàng không là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch, bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó Tổng giám đốc Vietjet cho rằng hãng đã chủ động tìm nhiều giải pháp như tập trung mảng vận chuyển hàng hóa, ra mắt, nâng cấp hạng vé, dịch vụ mới, mở rộng danh mục đầu tư… nhằm duy trì hoạt động kinh doanh và giữ việc làm cho nhân viên.

“Vietjet đã đưa ra chính sách để giữ nhân tài, duy trì mức lương và phụ cấp cho người lao động nhằm chuẩn bị cho thời kì phục hồi hậu COVID-19 đồng thời đây là khoảng thời gian để tranh thủ đào tạo, nâng cao năng lực cho nhân viên, đầu tư, lắp đặt thêm thiết bị mô phỏng bay, tăng cường đào tạo phi công, đào tạo trực tuyến,” bà Phương đánh giá.

Với việc các sân bay được mở rộng, dự kiến thị trường hàng không nước ta sẽ tiếp tục tăng trưởng hậu COVID-19, ông Nguyễn Quốc Phương, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết sẽ có hàng nghìn việc làm mới trong những năm tới. Do đó, ngành hàng không cần định hướng tốt các khóa đào tạo ngay từ bây giờ để đáp ứng làn sóng bay mới trong tương lai gần.

“Khi nghĩ về việc làm trong ngành hàng không, mọi người thường chỉ nghĩ đến những công việc phổ biến như phi công hay tiếp viên. Nhưng còn nhiều vị trí khác nhau trong ngành, từ kỹ thuật viên đến các chuyên gia kỹ thuật, khai thác điều phối, hỗ trợ, dịch vụ mặt đất cho đến chăm sóc khách hàng cũng như các vị trí quản trị, tài chính và hành chính khác…,” ông Phương nói.

Lo ngại đối mặt hiện với tình trạng thiếu lao động, lãnh đạo Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) chia sẻ một người lao động mới tuyển dụng có thể đảm nhận vị trí làm việc độc lập trong dây chuyền cung cấp dịch vụ thì cần thời gian khoảng 3-5 năm đối với kiểm soát không lưu; khoảng 2 năm đối với các dịch vụ còn lại như thông tin, dẫn đường, giám sát, thông báo tin tức hàng không, khí tượng hàng không, tìm kiếm cứu nạn hàng không.

“Nếu tình hình thu nhập tiếp tục sụt giảm, Tổng công ty có thể đối mặt với khó khăn là tình trạng thiếu lao động cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay trong giai đoạn khi hoạt động bay phục hồi trở lại,” phía VATM đánh giá.

Trên thế giới, 3 hãng vận tải lớn nhất của Mỹ là American, United và Delta đã thông báo đang thúc đẩy các kế hoạch tuyển dụng cho đến cuối năm nay để lấp đầy các vị trí trống. Tuy nhiên, quá trình tuyển dụng có thể sẽ gặp phải nhiều khó khăn do có nhiều người đã nghỉ hưu sớm hơn dự định khi đại dịch xảy đến một số đã phải từ bỏ công việc để chuyển sang lĩnh vực khác kiếm sống. Những điều này sẽ làm số lượng người có chuyên môn về hàng không giảm đáng kể và khiến các hãng sẽ phải chật vật hơn để tìm người phù hợp.

Tránh “vết xe đổ” về thiếu nhân lực

Theo ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines, trước tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn khiến hãng buộc phải cắt giảm mạnh quỹ lương của cán bộ nhân viên. Gần 9.700 người lao động trên tổng số hơn 20.000 cán bộ nhân viên của Vietnam Airlines đã phải tạm rời xa vị trí làm việc hoặc giảm thời gian làm việc để chia sẻ khó khăn với Tổng công ty. Trong đó, 30% lực lượng lao động của Tổng công ty phải thực hiện nghỉ không lương, 70% còn lại đi làm với mức lương chỉ bằng 40-50% so với giai đoạn trước COVID-19.

 “Với những nỗ lực này, tổng chi phí nhân công năm 2021 dự kiến sẽ cắt giảm hơn 700 tỷ đồng so với kế hoạch, bằng 62% so với năm 2019. Trên cơ sở nguồn quỹ tiền lương được phê duyệt, căn cứ tình hình kinh doanh và khả năng cân đối dòng tiền, Vietnam Airlines tập trung triển khai sửa đổi chính sách phân phối, khuyến khích, giữ chân lực lượng lao động đặc thù, lao động có trình độ chuyên môn, làm việc năng suất, trách nhiệm và sáng tạo,” ông Hòa nói.

Bên cạnh đó, Tổng công ty đã triển khai một số chế độ chính sách hỗ trợ người lao động từ nguồn Quỹ phúc lợi các năm trước còn lại chuyển sang năm 2020 để hỗ trợ lương tối thiểu vùng với người lao động trong thời gian ngừng việc. Đối với lao động tạm hoãn/nghỉ không lương năm 2020-2021, Vietnam Airlines hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng và duy trì liên tục các chế độ phúc lợi (bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm hưu trí tự nguyện, chế độ vé miễn giảm cước).

Hàng không với bài toán lo giữ chân nhân lực giữa đại dịch COVID-19 ảnh 1Với phương châm người lao động là tài sản quý giá nhất, Vietnam Airlines sẽ có lộ trình đưa dần người lao động trở lại làm việc khi thị trường phục hồi. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Vietnam Airlines cũng sẽ có lộ trình đưa dần người lao động trở lại làm việc khi thị trường phục hồi, đồng thời thông tin kịp thời đến người lao động về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty, chính sách lao động, tiền lương nhằm tạo niềm tin, sự chia sẻ, gắn kết, nỗ lực của người lao động vượt qua khó khăn, đặc biệt đối với lực lượng lao động chuyên ngành.

“Vietnam Airlines sẽ tránh được ‘vết xe đổ’ của American Airlines khi đã phải cắt giảm hàng trăm chuyến bay do thiếu nguồn lực khi thị trường phục hồi do trước đó hãng này đã mạnh tay thực hiện kế hoạch cắt giảm nhân sự do ảnh hưởng của dịch bệnh,” vị Chủ tịch Vietnam Airlines đưa ra bài học nhãn tiền.

Năm 2021, Vietnam Airlines tiếp tục quyết liệt triển khai thực hiện việc tái cơ cấu, tổ chức bố trí lao động để tinh giản nguồn lực, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động; triển khai đào tạo bổ sung kiến thức, kỹ năng để người lao động có thể chuyển đổi nghề nghiệp; thực hiện điều chuyển, bổ sung, tăng cường lao động giữa các cơ quan, đơn vị, công ty con nhằm xử lý lao động dôi dư, tạo việc làm cho người lao động…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục