Hàng loạt cá thể hải cẩu Caspi bị chết, trôi dạt vào bờ biển

Số lượng hải cẩu Caspi bị suy giảm nghiêm trọng, chủ yếu do nạn săn trộm, hoạt động đánh bắt của ngư dân, quá trình phát triển gần bờ và xa bờ, cũng như tình trạng ô nhiễm môi trường.
Hàng loạt cá thể hải cẩu Caspi bị chết, trôi dạt vào bờ biển ảnh 1Hải cẩu Caspi (Nguồn: Reuters.)

Ngày 9/11, Bộ Sinh thái Kazakhstan thông báo đã phát hiện xác của khoảng hơn 130 con hải cẩu Caspi có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng trôi dạt vào các bãi biển thuộc Biển Caspi, phía Tây nước này.

Trao đổi với báo giới, người phát ngôn bộ trên cho biết các chuyên gia môi trường sẽ sớm tiến hành khám nghiệm xác hải cẩu, đồng thời thu thập mẫu đất và nước của khu vực này để phân tích nhằm tìm ra nguyên nhân khiến chúng chết hàng loạt.

Hải cẩu Caspi là loài hải cẩu duy nhất sinh sống ở biển Caspi, nằm giữa Iran, Azerbaijan, Nga, Kazakhstan và Turkmenistan. Đây là loài động vật được Chính phủ Kazakhstan đưa vào danh sách động vật có nguy cơ tuyệt chủng từ tháng 11/2020. Chúng cũng là loài "nguy cấp" theo phân loại trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế.

[Phần Lan nỗ lực bảo vệ loài hải cẩu quý hiếm nhất thế giới]

Trong suốt thời gian qua, số lượng hải cẩu Caspi đã bị suy giảm nghiêm trọng, chủ yếu do nạn săn trộm, hoạt động đánh bắt của ngư dân, quá trình phát triển gần bờ và xa bờ, cũng như tình trạng ô nhiễm môi trường.

Chỉ tính từ đầu thế kỷ 20 tới nay, số lượng hải cẩu Caspi đã giảm từ 1 triệu con xuống chỉ còn khoảng 68.000 con./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục