"Hành động khẩn cấp hoặc trả giá đắt về môi trường"

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cảnh báo thế giới phải hành động khẩn cấp để bảo vệ môi trường hoặc sẽ phải trả giá rất đắt.
Ngày 19/3, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã cảnh báo thế giới phải hành động khẩn cấp để bảo vệ môi trường hoặc sẽ phải trả giá rất đắt về hậu quả môi trường.

OECD công bố nghiên cứu về “Triển vọng môi trường đến năm 2050 và hậu quả nghiêm trọng của không hành động,” trong đó nhấn mạnh mặc dù các nước đang phải chật vật với những thách thức trực tiếp về khủng hoảng kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp cao nhưng vẫn không được lơ là những thách thức dài hạn là ngăn chặn nguy cơ môi trường bị phá hoại không thể phục hồi được.

Nghiên cứu của OECD đưa ra những dự báo mới nhất về các xu hướng kinh tế xã hội toàn cầu trong bốn thập kỷ tới, các tác động của nó đến bốn lĩnh vực chủ chốt là biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, nước và những tác động đến sức khỏe con người do ô nhiễm môi trường.

Theo dự báo này, bất chấp những suy thoái, nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng gấp bốn lần hiện nay vào năm 2050 với tiêu chuẩn cuộc sống cao hơn kéo theo nhu cầu tăng nhanh về năng lượng, lương thực, tài nguyên thiên nhiên và ô nhiễm nghiêm trọng hơn.

Nông nghiệp xanh, nước, cung cấp năng lượng và công nghiệp sẽ là các yếu tố sống còn để đáp ứng nhu cầu của 9 tỷ người trên Trái Đất vào năm 2050.

Nghiên cứu cảnh báo cái giá phải trả của việc nhân loại không hành động khẩn cấp ngay bây giờ sẽ rất khổng lồ về cả kinh tế lẫn con người.

Nhu cầu năng lượng thế giới vào năm 2050 sẽ cao hơn 80% so với hiện nay và vẫn phụ thuộc tới 85% vào nguồn nhiên liệu hóa thạch, trong đó nhu cầu tăng hầu hết từ các nước đang phát triển.

Lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ tăng thêm tới 50% trên toàn cầu và ô nhiễm không khí sẽ tồi tệ hơn nữa.

Vào năm 2050, không khí ô nhiễm ở đô thị là nguyên nhân môi trường lớn nhất gây tử vong, cao hơn cả nước bẩn và thiếu vệ sinh.

Đa dạng sinh học toàn cầu bị giảm thêm 10% nữa với tổn thất lớn nhất ở châu Á, châu Âu và miền Nam châu Phi.

Hơn 30% đa dạng sinh học ở các sông, hồ trên thế giới bị mất.

Nhu cầu về nước tăng 55% do nhu cầu từ công nghiệp tăng 400%, từ các nhà máy nhiệt điện tăng 140%, từ nhu cầu sử dụng của con người tăng 130%.

Các nhu cầu nước cạnh tranh này gây hiểm họa cho nguồn nước sử dụng trong sản xuất nông nghiệp. Số người phải sống thiếu nước nghiêm trọng sẽ tăng thêm 2,3 tỷ người nữa so với hiện nay, chiếm 40% dân số toàn cầu, đặc biệt ở Bắc và Nam châu Phi, Nam và Trung Á.

OECD nhấn mạnh những dự báo ảm đạm này làm nổi bật nhu cầu khẩn cấp con người phải có tư duy mới để bảo vệ nguồn vốn môi trường.

Thất bại trong bảo tồn nguồn vốn quý báu này sẽ làm tăng nguy cơ những biến đổi không thể đảo ngược, làm tiêu tan những thành quả nâng cao điều kiện sống mà con người đã vất vả mới giành được trong hai thế kỷ qua.

Thách thức khổng lồ này cũng không thể được xử lý riêng rẽ mà phải được xử lý cùng với các thách thức toàn cầu khổng lồ khác như lương thực, an ninh năng lượng, nghèo đói. Những chính sách được thiết kế tốt để giải quyết các vấn đề môi trường có thể giúp giải quyết các thách thức khác và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển.

Nghiên cứu của OECD đề xuất các giải pháp chính sách để vượt qua những thách thức môi trường.

Các giải pháp này bao gồm đánh thuế môi trường và thúc đẩy các kế hoạch buôn bán khí thải để làm cho ô nhiễm phải trả giá cao hơn các lựa chọn tăng trưởng xanh; coi trọng và đặt giá cao đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên và dịch vụ hệ sinh thái như không khí sạch, nước sạch và đa dạng sinh học đúng với giá trị quý của các nguồn tài nguyên này; loại bỏ mọi trợ cấp gây hại cho môi trường như trợ cấp sử dụng nhiên liệu hóa thạch, các dự án thủy lợi lãng phí; khuyến khích các đổi mới xanh thông qua các biện pháp làm cho các mô hình tiêu dùng và sản xuất gây ô nhiễm ngày càng tốn kém hơn đồng thời tăng các hỗ trợ tài chính công cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển xanh./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục