“Nhiều người nói rằng trận động đất đã trôi qua rồi, nhưng không phải thế. Chúng tôi vẫn sống trong lều bạt và container. Nếu không được hỗ trợ, chúng tôi không có gì cả.”
Đây là chia sẻ của cô Elcin, một người dân Thổ Nhĩ Kỳ từng bị chôn vùi 81 giờ trong đống đổ nát do động đất và đã mất người thân cùng toàn bộ sinh kế chỉ sau 1 đêm.
Sáu tháng kể từ sau trận động đất thảm khốc làm rung chuyển miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Bắc Syria, hiện Elcin phải sống trong 1 container rộng 12 mét vuông tại khu phố cổ ở Hatay và cô chỉ là một trong hơn 3 triệu người Thổ Nhĩ Kỳ bị mất nhà cửa do động đất.
Tình cảnh ở Thổ Nhĩ Kỳ đã gian nan như vậy, bên kia biên giới, nơi hàng triệu người Syria vốn đã phải sống trong các điều kiện thiếu thốn sau 12 năm xung đột, các nhu cầu nhân đạo càng khẩn cấp hơn.
Theo bà Sherine Ibrahim, Giám đốc văn phòng Thổ Nhĩ Kỳ của tổ chức nhân đạo CARE, các nhu cầu nhân đạo ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria là vô cùng lớn, và nó sẽ kéo dài trong nhiều năm.
Không chỉ ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, nhiều nơi trên thế giới cũng đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.
["Khủng hoảng ngân sách" cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo]
Theo Liên hợp quốc, nhu cầu nhân đạo toàn cầu trong năm nay một lần nữa ở mức kỷ lục, với hơn 360 triệu người cần hỗ trợ, tăng 30% so với đầu năm 2022. Hơn 110 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa. Hơn 260 triệu người đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, trong đó 45 triệu người ở 37 quốc gia tiến rất gần tới nạn đói.
Số người cần trợ giúp gia tăng, song lý do gây ra khủng hoảng nhân đạo không thay đổi. Đó là các cuộc giao tranh, xung đột, khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh, tiến trình phát triển bền vững trì trệ, cùng với các hình thái thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng. Tất cả những yếu tố này đều khiến cuộc sống của những người dễ bị tổn thương nhất khó khăn hơn và cần nhiều trợ giúp hơn.
Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo, ông Martin Griffiths cho biết hiện cứ 23 người trên thế giới lại có 1 người cần cứu trợ nhân đạo và con số này đặt ra không ít thách thức cho hệ thống nhân đạo toàn cầu.
Theo báo cáo Global Humanitarian Overview, tính đến giữa tháng 6/2023, cần 54,8 tỷ USD để hỗ trợ 249 triệu trong số hơn 360 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo. Con số trên cao hơn 8,4 tỷ USD so với thời điểm giữa năm ngoái.
Đáng buồn là việc huy động các nguồn tài trợ đang cách rất xa mục tiêu này. Đến giữa năm 2023, Liên hợp quốc mới chỉ huy động được 20% số tiền cần thiết, tức khoảng 10,7 tỷ USD đóng góp của các nhà tài trợ. Điều này khiến các cơ quan của Liên hợp quốc phải giảm viện trợ tại một số nước như Syria, Bangladesh, Afghanistan và Yemen.
Do thiếu kinh phí nghiêm trọng, cuối tháng Bảy vừa qua, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) đã buộc phải đình chỉ công tác phòng chống suy dinh dưỡng ở Yemen trong tháng Tám, động thái được cho là sẽ ảnh hưởng tới 2,4 triệu người suy dinh dưỡng ở nước này.
Còn tại Sudan, 4 tháng sau khi bùng phát xung đột, tình hình nhân đạo tại quốc gia này đang rất nguy cấp, khi có gần 25 triệu người, trong đó hơn một nửa là trẻ em, cần hỗ trợ. Tuy nhiên, Liên hợp quốc và các đối tác đến nay mới chỉ hỗ trợ được hơn 3 triệu người.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định nếu không có giải pháp cho cuộc khủng hoảng tài trợ, không thể tránh khỏi phải cắt giảm thêm viện trợ nhân đạo, dù đây là điều khó có thể chấp nhận được.
Nhu cầu tăng cao kỷ lục, nguồn tài chính hạn chế, trong khi các tình nguyện viên và nhân viên hỗ trợ nhân đạo lại là mục tiêu của nhiều cuộc tấn công.
Theo Liên hợp quốc, giai đoạn 2013-2022, trung bình hằng năm có 127 nhà hoạt động nhân đạo thiệt mạng.
Năm ngoái, số vụ tấn công nhằm vào nhân viên nhân đạo giảm nhẹ xuống còn 444 vụ so với 460 vụ của năm 2021, song số vụ bắt cóc lại tăng đáng kể, từ 117 người lên 185 người. Đáng chú ý, hầu hết các vụ bạo lực, tấn công và bắt cóc này đều diễn ra ở Nam Sudan, Sudan, Mali, Afghanistan và Syria.
Có thể nói, từ căng thẳng địa chính trị, sự coi thường luật nhân đạo quốc tế, cho tới các chiến dịch tấn công và thông tin sai lệch, công việc hỗ trợ nhân đạo đang trở nên khó khăn và nguy hiểm hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, những thử thách và khó khăn này càng làm cho cộng đồng nhân đạo toàn cầu mạnh mẽ hơn và quyết tâm hơn trong việc hỗ trợ và mang lại lợi ích cho các cộng đồng.
Năm ngoái, Liên hợp quốc và các tổ chức đối tác đặt mục tiêu hỗ trợ 216 triệu người thông qua 35 kế hoạch quốc gia và 8 kế hoạch khu vực, tăng 18% so với con số mục tiêu hỗ trợ đặt ra vào đầu năm. Và 157 triệu người, tức 79% trong số này, đã được hưởng lợi từ ít nhất một hình thức viện trợ trong năm.
Bất chấp những khó khăn, các nhà hoạt động nhân đạo luôn giữ vững nguyên tắc và mục tiêu bảo vệ, hỗ trợ, kề vai sát cánh với các cộng đồng, bất kể là ai, bất cứ ở đâu, dù có bất kỳ chuyện gì đi chăng nữa.
"No Matter What" (Dù gì đi chăng nữa), cũng là chủ đề của Ngày Nhân đạo thế giới (19/8) năm nay, với một thông điệp mạnh mẽ: dù có khó khăn, thậm chí nguy hiểm thế nào, các nhà hoạt động nhân đạo vẫn tiếp tục hành trình bền bỉ cứu giúp, bảo vệ mạng sống cũng như hỗ trợ, cung cấp các nhu cầu thiết yếu cơ bản của cuộc sống, mang lại hy vọng cho các cộng đồng đang chịu ảnh hưởng của các cuộc xung đột và thảm họa.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng nhân đạo toàn cầu hiện nay cũng là bằng chứng về sự thất bại của thế giới trong việc giải quyết những vấn đề nghiêm trọng nhất của thời đại.
Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres, khi nỗ lực củng cố hệ thống nhân đạo, chúng ta phải tăng gấp đôi nỗ lực ngăn chặn và giải quyết xung đột, tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết khủng hoảng khí hậu và xoa dịu nỗi đau của con người.
Đã đến lúc các nhà lãnh đạo thế giới cần hợp tác tìm kiếm các giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột hiện nay, đầu tư vào hệ thống cảnh báo sớm thiên tai thảm họa, tập trung ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn, cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Đó là lực đẩy cần thiết trên hành trình hy vọng của những người làm công tác nhân đạo toàn cầu./.