Sudan: Hệ thống y tế có nguy cơ sụp đổ do các cuộc giao tranh

WHO đã hối thúc các bên giao tranh chấm dứt ngay hành động tấn công nhằm vào bệnh viện và các cơ sở y tế, cho rằng đây là hành vi vi phạm luật nhân đạo và quyền được chăm sóc sức khỏe của con người.
Sudan: Hệ thống y tế có nguy cơ sụp đổ do các cuộc giao tranh ảnh 1Khói bốc lên trong giao tranh giữa binh sỹ quân đội Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF), tại sân bay quốc tế Khartoum, Sudan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 18/4, Hiệp Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) cho biết tổ chức này "gần như không thể" triển khai các dịch vụ cứu trợ nhân đạo tại thủ đô Khartoum của Sudan trong bối cảnh giao tranh, đồng thời cảnh báo nguy cơ hệ thống y tế của nước này có thể "sụp đổ."

Trao đổi với báo giới, Trưởng phái đoàn IFRC tại Sudan Farid Aiywar nêu rõ hiện tại, IFRC gần như không thể thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo ở trong và quanh thủ đô Khartoum, dù đã ghi nhận cuộc gọi từ nhiều tổ chức cũng như cá nhân bị mắc kẹt và có nhu cầu được sơ tán.

Trưởng phái đoàn IFRC cảnh báo hệ thống y tế của Sudan đang đối mặt nguy cơ sụp đổ nếu tình trạng gián đoạn do ảnh hưởng của giao tranh tiếp tục kéo dài.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đến nay đã ghi nhận 3 cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở y tế, khiến ít nhất 3 nhân viên thiệt mạng.

Người phát ngôn của WHO Margaret Harris đã hối thúc các bên giao tranh chấm dứt ngay hành động tấn công nhằm vào bệnh viện và các cơ sở y tế, cho rằng đây là hành vi vi phạm luật nhân đạo và quyền được chăm sóc sức khỏe của con người.

[Quân đội Sudan "không hay biết" về lệnh ngừng bắn kéo dài 24 giờ]

Trước đó, bà Harris đã cảnh báo nguy cơ cạn kiệt nguồn cung thiết bị cấp cứu tại các bệnh viện ở thủ đô Khartoum, trong khi tình trạng mất điện khiến các dịch vụ y tế cơ bản nhất gặp trở ngại.

Theo bà Harris, tình hình đang rất cấp bách khi việc di chuyển trong khu vực giao tranh có thể gây nguy hiểm tính mạng, khiến nỗ lực cứu trợ của các nhân viên y tế gần như bất khả thi.

Các cuộc giao tranh giữa quân đội Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) đã khiến hơn 200 người thiệt mạng và hơn 1.800 người bị thương.

Các nước láng giềng Ai Cập và Cộng hòa Chad đã đóng cửa biên giới với Sudan, trong khi các hãng hàng không của Ai Cập, Saudi Arabia và Qatar đã ngừng các chuyến bay tới Sudan.

Liên minh châu Phi (AU), Liên đoàn Arab (AL), Cơ quan Liên chính phủ về Phát triển (IGAD, trong đó Sudan là thành viên) và cộng đồng quốc tế đã lên tiếng chỉ trích bạo lực và kêu gọi các bên đối thoại nhằm tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay.

Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đang thúc đẩy các nỗ lực trung gian cho một thỏa thuận ngừng bắn tại Sudan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục