Hậu COVID-19: Xu hướng ‘xê dịch’ của người Việt sẽ thay đổi thế nào?

Du khách Việt tiết lộ COVID-19 đã thúc đẩy họ muốn đi du lịch theo cách bền vững hơn trong tương lai. Đại dịch đã khiến họ thay đổi quan điểm để hướng tới lối sống tích cực hơn...
Hậu COVID-19: Xu hướng ‘xê dịch’ của người Việt sẽ thay đổi thế nào? ảnh 1Sơn Đoòng, niềm tự hào của du lịch Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Có thể nói, chưa bao giờ tâm lý xê dịch của người Việt Nam lại phụ thuộc vào COVID-19 và không ngừng biến động theo tình hình dịch bệnh như vậy. Hơn một năm qua, mọi thứ đều đã và đang thay đổi, từ nhận thức, quan điểm, nhu cầu đến thói quen du lịch. Người dân bắt đầu quan tâm hơn đến du lịch bền vững trong tương lai.

Du lịch bền vững hậu COVID

29.000 du khách từ hơn 30 quốc gia (bao gồm cả Việt Nam) đã thực hiện một cuộc khảo sát của Booking.com. Kết quả cho thấy những diễn biến của đại dịch chính là tác nhân khiến họ theo đuổi lối sống bền vững. 97% khách Việt cho rằng du lịch bền vững rất quan trọng và 79% tin rằng cần phải hành động ngay để bảo vệ hành tinh cho các thế hệ tương lai.

Trong khi ngành công nghiệp không khói nước nhà đang âm thầm chuẩn bị kế hoạch tái khởi động ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, Báo cáo thường niên về Du lịch bền vững của một trong những nền tảng đặt phòng trực tuyến lớn nhất thế giới cũng cho thấy du khách Việt Nam đang quan tâm đến việc du lịch bền vững hơn bao giờ hết.

[COVID-19 tái bùng phát: Doanh nghiệp du lịch làm gì để không gục ngã?]

Báo cáo cho thấy 88% du khách Việt tiết lộ COVID-19 đã thúc đẩy họ muốn đi du lịch theo cách bền vững hơn trong tương lai và 41% thừa nhận cũng chính đại dịch đã khiến họ thay đổi quan điểm để hướng tới lối sống tích cực hơn; trong đó, tái chế (33%) và giảm phung phí thức ăn (40%) là những ưu tiên hàng đầu tại nhà.

Du khách cũng nhất quán với cam kết hướng tới bền vững trong sinh hoạt hằng ngày cho các chuyến du lịch sau này với 88% du khách Việt muốn giảm rác thải tổng hợp, 86% muốn giảm mức tiêu thụ năng lượng (ví dụ như tắt điều hòa không khí và đèn khi ra khỏi phòng) và 81% muốn sử dụng loại hình giao thông thân thiện với môi trường hơn như đi bộ, xe đạp hoặc phương tiện công cộng thay vì taxi hay thuê xe.

Hậu COVID-19: Xu hướng ‘xê dịch’ của người Việt sẽ thay đổi thế nào? ảnh 2Người Việt muốn được trải nghiệm văn hóa bản địa nhiều hơn. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Thay vì trải nghiệm những dịch vụ tiện ích xa xỉ, 84% du khách Việt muốn có những trải nghiệm chân thật, mang nét văn hóa đặc trưng bản địa ở nơi mà họ đến; 93% tin rằng việc nâng cao nhận thức về văn hóa cũng như bảo tồn di sản là quan trọng; 88% muốn những nguồn thu từ du lịch sẽ được phân bố đồng đều trong mọi tầng lớp xã hội.

Điều đáng nói là có đến 64% du khách Việt nói sẽ chấp nhận tránh các điểm đến phổ biến nhằm giảm áp lực lên những chỗ đã quá đông đúc đồng thời góp phần phân chia lợi ích từ du lịch đến các địa điểm và cộng đồng có ít khách ghé thăm.

Trước xu hướng thay đổi tích cực này, nhiều đơn vị lữ hành đánh giá, những cam kết bền vững đang cho “trái ngọt” bởi ngày càng nhiều du khách Việt biến ý định thành hành động khi đi du lịch trong suốt năm vừa qua. Đơn cử như việc du khách đã có ý thức cao hơn bằng việc mang theo chai nước riêng có thể tái sử dụng thay vì mua nước đóng chai khi du lịch, tham gia các hoạt động hỗ trợ cộng đồng địa phương...

Nghiên cứu thí điểm Hộ chiếu vaccine

Khi nhận thức thay đổi, nhu cầu thay đổi thì hành động sẽ khác. Đó là lộ trình của những du khách Việt sau hơn một năm đối diện với “sóng thần COVID.” Chính vì thế, đại diện các doanh nghiệp lữ hành cho rằng để đưa hoạt động du lịch trở lại trong bối cảnh bình thường mới cần phải có lộ trình, giải pháp và bước đi thận trọng. Yếu tố tiên quyết và mấu chốt nhất là làm sao đảm bảo an toàn cho du khách ở những điểm đến an toàn.

Chủ tịch Lux Group - đơn vị chuyên cung ứng các dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp, ông Phạm Hà cho rằng thời điểm này yếu tố an toàn cần phải đặt lên hàng đầu. Bởi theo ông Hà, du khách nước ngoài đang rất trông chờ vào kết quả tiêm chủng vaccine và lộ trình mở cửa đón khách an toàn của Việt Nam cũng như những quy định đảm bảo an toàn cho người dân, du khách.

Hậu COVID-19: Xu hướng ‘xê dịch’ của người Việt sẽ thay đổi thế nào? ảnh 3Dịch bệnh khiến con người có nhu cầu khám phá và trải nghiệm những điểm đến hoang sơ nhiều hơn. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Ngày 11/6, Bộ Chính trị đã kết luận về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội... Trong đó, Bộ Chính trị chỉ đạo: “Nghiên cứu cho thí điểm sử dụng hộ chiếu vaccine với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh, như Phú Quốc, Kiên Giang.”

Đây được coi là một chủ trương, định hướng quan trọng giúp ngành du lịch khắc phục hậu quả nặng nề do đại dịch COVID-19 gây ra, thực hiện mục tiêu kép, nâng cao vị thế cũng như đẩy nhanh quá trình phục hồi của du lịch nước nhà.

Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), ông Hoàng Nhân Chính bày tỏ cộng đồng du lịch đã chờ đợi chủ trương này từ lâu. Tuy nhiên, việc mở lại thị trường nào, sản phẩm ra sao cần các cấp quản lý phải tính toán kỹ.

Ông Chính cho rằng mục tiêu hướng tới của du lịch Việt trong giai đoạn bình thường mới là làm sao để đón được khách tới từ những thị trường an toàn, khách đã được tiêm phòng COVID-19, đã có xét nghiệm RT-PCR âm tính, khách lưu trú càng lâu, chi tiêu nhiều, ít di chuyển càng tốt…

Song, về phía điểm đến được thí điểm đón khách, các chuyên gia nhấn mạnh việc cần đảm bảo 100% nhân viên ngành du lịch, đa số người dân được tiêm phòng COVID-19 đồng thời đầy đủ cơ sở vật chất để đón khách, có các sản phẩm đủ hấp dẫn, phù hợp với xu hướng mới, có sân bay quốc tế, bệnh viện quốc tế… nhằm đảm bảo an toàn, tạo tâm lý an tâm cho khách đến./.

Hậu COVID-19: Xu hướng ‘xê dịch’ của người Việt sẽ thay đổi thế nào? ảnh 4Món quà của tự nhiên. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục