Hầu hết người mắc bệnh rối loạn chảy máu Hemophilia là nam giới

Bác sỹ Nguyễn Thị Mai - Giám đốc Trung tâm Hemophilia, cho biết Hemophilia là rối loạn chảy máu di truyền. Hầu hết người mắc bệnh Hemophilia là nam giới.
Hầu hết người mắc bệnh rối loạn chảy máu Hemophilia là nam giới ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: reference.medscape.com)

Việt Nam dù đã có những bước tiến dài trong chăm sóc và điều trị Hemophilia và các rối loạn chảy máu. Tuy nhiên, đây vẫn còn là thách thức lớn khi chỉ có gần 40% số bệnh nhân trên cả nước được phát hiện và điều trị.

Thông tin trên được Bộ Y tế đưa ra tại buổi lễ míttinh kỷ niệm "Ngày Hemophilia thế giới - 17/4, do Hội rối loạn đông máu Việt Nam phối hợp với Viện huyết học Truyền máu Trung ương tổ chức sáng 14/4, tại Hà Nội.

Bác sỹ Nguyễn Thị Mai - Giám đốc Trung tâm Hemophilia, Viện huyết học Truyền máu Trung ương cho hay, Hemophilia là rối loạn chảy máu di truyền. Hầu hết người mắc bệnh Hemophilia là nam giới. Tỷ lệ mắc bệnh khoảng 1:10.000 trẻ trai mới sinh, không khác nhau về mặt chủng tộc và địa lý.

Theo bác sỹ Mai, rối loạn chảy máu là một nhóm bệnh có biểu hiện chảy máu kéo dài, lâu cầm. Nguyên nhân do cơ thể người bệnh có khó khăn trong việc tạo ra cục máu đông.

Đặc điểm nổi bật của bệnh là sự chảy máu ở khắp các vị trí trên cơ thể , điển hình nhất là chảy máu tại các cơ, khớp. Chảy máu tái phát nhiều lần gây đau đớn và dẫn tới tàn tật, thậm chí có thể gây tử vong.

Theo giáo sư Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện huyết học-Truyền máu Trung ương cho hay người mắc bệnh Hemophilia nếu được chẩn đoán và điều trị đúng cách, người bệnh hoàn toàn có thể sống, làm việc và đóng góp cho xã hội như những người khoẻ mạnh. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ có kết quả tốt, giúp hạn chế tối đa những biến chứng không đáng có.

Theo thống kê, trên thế giới cứ 1.000 người có 1 người mắc các rối loạn chảy máu. Một số ít được chẩn đoán từ khi còn rất trẻ và tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế trong suốt cuộc đời, trong khi phần lớn người bệnh không được chăm sóc, điều trị thường xuyên.

Nếu không được điều trị kịp thời người bệnh sẽ bị suy nhược, đau đớn, những biến chứng và tổn thương khớp vĩnh viễn, hoặc nặng hơn là tử vong do chảy máu ở những vị trí nghiêm trọng.

Người mắc bệnh càng nặng biểu hiện càng sớm. Triệu chứng thường xuất hiện khi trẻ bắt đầu tập đứng và lẫm chẫm biết đi. Sau những lần ngã, thường có xuất huyết dưới da hoặc chảy máu môi, lưỡi.

Biểu hiện của bệnh rất đa dạng như chảy máu bất thường, tự nhiên hoặc sau phẫu thuật có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể tuy nhiên cơ và khớp thường hay bị chảy máu hơn, khiến nhiều người lầm tưởng đó là các bệnh của cơ, khớp. Vì vậy, người bệnh nếu có các biểu hiện như trên cần đi khám và điều trị kịp thời.

Hiện nay trên toàn quốc có 7 cơ sở chính điều trị và quản lý hơn 2.500 bệnh nhân Hemophilia tại ba miền: Bắc, Trung, Nam. Các cơ sở điều trị bệnh trên gồm: Viện huyết học Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế, Bệnh viện huyết học Truyền máu Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục