“Hậu trường” đoàn 4.500 khách Ấn Độ: Đâu là cơ hội cho các DN du lịch Việt?

Thực tế, việc đón đoàn khách Ấn Độ lại là bài học "đắt giá" cho các đơn vị kinh doanh mảng MICE trong nước, bởi lữ hành Việt Nam đã hầu như thất thu trước đoàn khách này. Tại sao có nghịch lý như vậy?

Hướng dẫn viên du lịch đón khách Ấn Độ đến Việt Nam. (Nguồn ảnh: Vietravel)
Hướng dẫn viên du lịch đón khách Ấn Độ đến Việt Nam. (Nguồn ảnh: Vietravel)

Gần 4.500 khách của tập đoàn dược phẩm Ấn Độ tới Việt Nam từ ngày 27/8-7/9, phải chia làm 6-7 nhóm nhỏ. Có thể nói, lần đầu tiên du lịch Việt đón được một đoàn khách lớn đến từ thị trường Ấn.

Theo đánh giá của các chuyên gia, đây chính là cơ hội “thử lửa” các doanh nghiệp du lịch chuyên lĩnh vực MICE nước nhà, qua đó cũng giúp bộc lộ những hạn chế để từ đó cùng ngồi lại tìm giải pháp và hoàn thiện mình.

Vì sao lữ hành Việt thất thu từ đoàn khách khủng?

Trên các phương tiện truyền thông Việt Nam cả tháng qua, thông tin về đoàn khách đến từ Ấn Độ liên tục xuất hiện, như một “điểm sáng” của bức tranh kinh tế du lịch. Nếu thống kê theo kiểu số lượng như cách mà các cơ quan chức năng tính toán hiện nay và nhìn bề ngoài, rõ ràng việc phục vụ đoàn khách khủng như vậy sẽ giúp các doanh nghiệp “thắng lớn.”

Thế nhưng, thực tế đây lại là bài học đắt giá cho các đơn vị kinh doanh mảng MICE trong nước, bởi lữ hành Việt Nam đã hầu như thất thu trước đoàn khách Ấn. Tại sao lại có nghịch lý này?

Theo ông Phùng Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ MICE Việt Nam, đoàn khách Ấn Độ chỉ sử dụng dịch vụ vận chuyển và hướng dẫn viên của duy nhất Công ty du lịch Vietravel, còn tất cả các dịch vụ khác từ nhà hàng, nguồn thực phẩm chính, lưu trú ở các khách sạn 5 sao tại Hà Nội, các dịch vụ tại Hạ Long hay các điểm đến tham quan thì đối tác Ấn Độ đều trực tiếp làm việc với đối tác.

“Những doanh nghiệp chuyên làm mảng du lịch MICE đều rất hiểu đặc điểm của dòng khách này. Họ sẽ không nhờ báo giá của một đơn vị du lịch mà phải tham khảo từ 5, thậm chí 10 đơn vị báo giá, rồi lấy giá thấp nhất và trực tiếp liên hệ với chính nhà hàng, khách sạn mà các công ty du lịch đang chào giá đó để mặc cả thêm một lần nữa,” ông Phùng Hữu Hoàng tiết lộ.

3.jpg
Một đoàn khách Ấn Độ tham quan Dinh Độc lập. (Nguồn ảnh: Vietravel)

Các chuyên gia cho rằng trong cuộc chiến cạnh tranh về giá khốc liệt và với một đoàn khách đông như vậy thì không bên nào có thể từ chối. Cho nên các doanh nghiệp về lưu trú, doanh nghiệp ẩm thực, doanh nghiệp về vận chuyển… cuối cùng sẽ đều phải “gật đầu” với khách cái giá bằng hoặc thậm chí thấp hơn mức giá mà trước đó họ “chào hàng” các đơn vị lữ hành trong nước.

Đại diện Công ty Saigontourist đánh giá: “4.500 khách Ấn Độ vẫn là con số rất khủng với ngành du lịch, ai cũng muốn phục vụ họ. Cuối cùng, doanh thu tổng của 4.500 khách đó về tay các sellers (người bán), buyers (người mua)… Vietravel thì không còn đáng là bao.”

Cũng có ý kiến cho rằng với đoàn khách Ấn Độ, có thì cũng vẫn cứ hơn. Bởi họ vào Việt Nam rồi thì doanh thu không vào “túi” doanh nghiệp này sẽ chảy vào doanh nghiệp khác.

Dẫu vậy, một thực tế không thể phủ nhận trong việc đón những đoàn khách lớn như Ấn Độ vừa qua là hạ tầng và dịch vụ của ngành du lịch Việt Nam chưa đủ sức phục vụ, dẫn đến đoàn khách phải “chia nhỏ” làm nhiều đợt đến và sự lúng túng trong công tác chuẩn bị. Đây cũng là bài toán đặt ra cho ngành du lịch Việt, rằng nếu có những đoàn khách lớn như vậy nữa thì chúng ta sẽ phục vụ thế nào?

Theo các chuyên gia, sự lúng túng này cũng là lúc để ngành du lịch, các doanh nghiệp du lịch ngồi lại với nhau để cùng bàn bạc tìm giải pháp. Việt Nam muốn biến mình trở thành điểm đến được lựa chọn nhưng khi khách đến rồi lại lúng túng vì hạ tầng không đủ để cung ứng.

z5759000557635_bf34b94f417a93cf0ffe42bf84a16de2.jpg
Ninh Bình là một trong những điểm đến của đoàn 4.500 khách Ấn Độ khi đến Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Giải pháp nào cho các đoàn khách lớn?

Là doanh nghiệp chuyên đón các đoàn, nhóm khách cao cấp, ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group nhận định: “Qua việc đoàn 4.500 khách Ấn Độ vào Việt Nam, chúng ta thấy ngành du lịch đang có rất nhiều điểm yếu, như hạ tầng cơ sở, sự hợp tác của điểm đến, cũng như sự liên kết của các nhà cung cấp dịch vụ để tổ chức được các đoàn MICE lớn.”

“Các doanh nghiệp Việt mới đang chỉ phục vụ được các đoàn khách MICE nhỏ hay các đoàn nhỏ luxury (khách cao cấp). Những điểm đến như Đà Nẵng, Ninh Bình, Thành phố Hồ Chí Minh… đã có những hạ tầng để có thể đáp ứng được các đoàn MICE lớn nhưng vấn đề là chúng ta chưa định vị được Việt Nam là điểm đến MICE trong các nhà tổ chức MICE quốc tế, cũng chưa có cơ quan hay phòng ban chuyên trách về mảng du lịch MICE để có thể ‘nói cùng ngôn ngữ’ nhằm thu hút khách hàng,” ông Phạm Hà nói.

Theo vị chuyên gia này, thời gian tới, để hấp dẫn được khách MICE chất lượng từ các thị trường trọng điểm thì ngành du lịch Việt cũng như các doanh nghiệp phải có chiến lược cụ thể, cần yếu tố văn hóa bản địa để tạo sự khác biệt và hấp dẫn so với các nước.

Ông Vũ Quốc Trí, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam đánh giá MICE là loại hình du lịch cần phải khai thác mạnh mẽ, bởi những lợi ích kinh doanh mà nó mang lại. “Đương nhiên, ở giai đoạn đầu còn những bỡ ngỡ, thiếu kinh nghiệm thì chúng ta cần phải học hỏi để làm một cách chuyên nghiệp, tạo thành xu hướng chứ không chỉ làm đơn lẻ nữa,” ông Trí nói.

Vì thế, ông Vũ Quốc Trí cho rằng đoàn khách Ấn Độ chính là cơ hội để “thử lửa,” thử sức các doanh nghiệp du lịch Việt, qua đó cũng giúp bộc lộ những vấn đề hạn chế để các doanh nghiệp cùng ngồi lại tìm giải pháp và hoàn thiện mình.

Copy of Emperor Cruises- Ov1.jpg
Vịnh Hạ Long là một trong những điểm đến đoàn 4.500 khách Ấn Độ khi đến Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Theo ông Trí, Việt Nam đã có những cán bộ, nhân viên chuyên môn về MICE rồi thì phải tập trung đầu tư vào cả lĩnh vực đào tạo MICE nữa để phát triển bền vững. Bởi mỗi đoàn khách lớn đến, đó không chỉ là câu chuyện về số lượng khách bao nhiêu mà đằng sau đó sẽ còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết từ phía các doanh nghiệp nói riêng và toàn ngành nói chung.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Anh, Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch MICE Việt Nam nhận định: “Cạnh tranh là quy luật của thị trường, chúng ta phải chấp nhận muốn phát triển phải có cạnh tranh. Do đó, để tăng sức cạnh tranh cho du lịch MICE nói riêng và du lịch Việt nói chung, các doanh nghiệp cần chú trọng vào chất lượng dịch vụ, chất lượng sản phẩm; đưa vào sản phẩm những đặc sản của điểm đến địa phương, nói rộng ra là có những chủ đề mang tính đầu tư trí tuệ, mang dấu ấn cá nhân để tránh cạnh tranh về giá”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục