Hé lộ chi tiết 30 phút cuối trước khi máy bay Airbus đâm vào núi

Thông tin cơ phó cố tình điều khiển chiếc máy bay mang số hiệu 4U 9525 lao vào vách núi Alps đã khiến dư luận thế giới bị sốc và gia đình các nạn nhân tức giận.
Hé lộ chi tiết 30 phút cuối trước khi máy bay Airbus đâm vào núi ảnh 1Người thân các nạn nhân thiệt mạng tham gia lễ tưởng niệm tại Le Vernet, Pháp. (Nguồn: EPA)

Thông tin do cơ quan công tố Pháp công bố, cho biết cơ phó của chiếc Airbus A320 xấu số thuộc hãng hàng không Germanwings đã cố tình khóa trái cửa khoang lái rồi điều khiển máy bay lao vào vách núi Alps, đã khiến dư luận thế giới bị sốc và gia đình các nạn nhân tức giận.

Hôm 26/3, công tố viên Brice Robin, quan chức Pháp đang điều tra vụ tai nạn của chuyến bay mang số hiệu 4U 9525, đã tiết lộ thông tin trích ra từ thiết bị ghi âm buồng lái, cho thấy nhiều chi tiết trong 30 phút cuối trước khi máy bay đâm vào núi.

Ông nói rằng cơ phó Andreas Lubitz, 28 tuổi, đã cố tình khóa cửa để chiếm quyền kiểm soát chiếc A320. Anh này cũng kích hoạt chế độ khiến máy bay hạ dần độ cao. Ông đánh giá Lubitz đã “thể hiện mong muốn phá hủy chiếc máy bay” và cơ trưởng không liên quan tới ý định của anh này.

Hé lộ chi tiết 30 phút cuối trước khi máy bay Airbus đâm vào núi ảnh 2Công tố viên Brice Robin (giữa) công bố thông tin điều tra nguyên nhân vụ tai nạn máy bay số hiệu 4U 9525. (Nguồn: matrixpictures.co.uk)

Công tố viên Robin cho biết các hành khách đã chết ngay sau khi máy bay đâm vào vách núi. Có thể họ đã không nhận ra thảm họa đang tới gần và chỉ phát hiện việc này vào những giây cuối cùng.

“Những tiếng la hét thất thanh chỉ vang lên vào những giây cuối trước vụ va chạm” - ông Robin nói.

Cơ trưởng, người rời khỏi khoang lái để đi vệ sinh, đã nỗ lực tìm cách trở lại, nhưng không thành công. Robin cho biết dữ liệu ghi âm có thu được tiếng cơ trưởng đấm thùm thụp vào cửa khoang lái.

Cơn ác mộng tồi tệ nhất

Tại thành phố Haltern nằm ở Tây Bắc nước Đức, nơi đã mất 16 học sinh và 2 giáo viên trong vụ tai nạn, thông tin mới đã khiến những người ở đây sốc và tức giận.

“Tôi kinh ngạc, tức giận, không thể nói nên lời và hoàn toàn bị sốc” - Thị trưởng Haltern, ông Bodo Klimpel, nói trong một cuộc họp báo.

“Tôi tự hỏi mình khi nào cơn ác mộng này sẽ kết thúc. Thật tồi tệ khi các gia đình phải nghe tin người thân của họ đã chết trong vụ tai nạn. Việc người ta phát hiện ra một cá nhân có thể gây ra vụ tai nạn đã khiến tình hình càng thêm tồi tệ hơn,” Klimpel nói.

Vị hiệu trưởng của trường Ulrich Wessel nói rằng thông tin một kẻ muốn tự sát đã dẫn tới cái chết của 149 người khác đã khiến tất thảy những người nhận tin “tức giận và choáng váng.”

Hé lộ chi tiết 30 phút cuối trước khi máy bay Airbus đâm vào núi ảnh 3Thân nhân những người thiệt mạng trong vụ tai nạn cùng lực lượng cứu hộ tổ chức lễ tưởng niệm tại Le Vernet, gần địa điểm máy bay rơi. (Nguồn: Reuters)

Trong khi đó Carsten Spohr, lãnh đạo Lufthansa, công ty mẹ của Germanwings, nói rằng trong những cơn ác mộng tồi tệ nhất, tập đoàn của ông cũng không thể tưởng tượng chuyện này có thể xảy ra.

Một người đàn ông trong độ tuổi 50 có họ Hans-Dieter thậm chí còn tới thành phố Montabaur của Đức chỉ để nhìn thấy ngôi nhà nơi Lubitz sống với cha mẹ. “Tôi muốn biết kẻ giết người sống ở đâu,” ông này nói với AFP.

Cố tình hạ độ cao nhanh

Cơ quan công tố Pháp đã bác bỏ khả năng Lubitz không cố ý khiến chiếc máy bay gặp nạn, khi vô tình chạm vào một nút xoay có chức năng kích hoạt việc hạ độ cao máy bay.

“Nếu anh bất tỉnh và đè lên nút này, nó sẽ chỉ xoay 1/4 vòng và sẽ chẳng ảnh hưởng gì” - Robin nói. Ông cho biết thêm rằng Lubitz cố tình kích hoạt nút này để đẩy nhanh việc hạ độ cao của máy bay.

Trong 8 phút tiếp theo kể từ khi Lubitz bắt đầu hạ độ cao, anh ta giữ yên lặng và có vẻ bình tĩnh. Anh ta thở bình thường và không thể hiện bất kỳ dấu hiệu hoảng loạn nào. “Anh ta không nói câu nào. Hoàn toàn im lặng” - công tố viên người Pháp nói.

Hé lộ chi tiết 30 phút cuối trước khi máy bay Airbus đâm vào núi ảnh 4Một nhân viên cứu hộ được kéo lên trực thăng cùng một vật được cho là thi thể một nạn nhân trong vụ tai nạn. (Nguồn: AP)

Động cơ của viên cơ phó này hiện vẫn là bí ẩn lớn. “Tại thời điểm này, không có dấu hiệu cho thấy đây là hành vi khủng bố” - ông Robin nói. Đây cũng là quan điểm mà Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đức, ông Thomas de Maiziere, đã đưa ra.

Lufthansa cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy Lubitz sắp sửa ra tay thực hiện hành vi kinh khủng trên. Anh ta đã vượt qua mọi bài kiểm tra tâm lý cần thiết và được xếp loại “đủ năng lực” để điều khiển máy bay. Cơ quan điều tra hiện đang lục soát nhà Lubitz ở Duesseldorf để tìm manh mối.

Thay đổi chính sách trong khoang lái

Trong động thái giảm rủi ro đầu tiên sau vụ tai nạn này, Canada đã yêu cầu mọi hãng hàng không phải đảm bảo luôn có 2 người ở trong khoang lái vào bất kỳ thời điểm nào trong chuyến bay. Mệnh lệnh này có hiệu lực ngay lập tức.

Hé lộ chi tiết 30 phút cuối trước khi máy bay Airbus đâm vào núi ảnh 5Hoa và nến được đặt để tưởng niệm các nạn nhân trong vụ tai nạn. (Nguồn: Getty Images)

Hiệp hội hàng không BDL của Đức cũng tuyên bố sẽ triển khai quy định bắt buộc này, trong khi các hãng hàng không EasyJet của Anh, Norwegian Air Shuttle hoạt động tại khu vực Scandinavia và Icelandair của Iceland nói rằng từ nay các máy bay của họ sẽ luôn có 2 người trong khoang lái. Nhiều hãng hàng không Mỹ đã triển khai chính sách này từ lâu.

Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) thì kêu gọi kiểm tra thường xuyên hơn sức khỏe thể chất và tâm lý của các phi công./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục