Học sinh, thiếu niên làm pháo tự chế: Làm gì để ngăn chặn tai nạn đáng tiếc?

Các tai nạn do pháo nổ tự chế gây ra rất nghiêm trọng, đe dọa tính mạng; việc điều trị những tổn thương cũng rất khó khăn, tốn thời gian và để lại di chứng nặng nề, thậm chí mất chức năng vĩnh viễn.

Học sinh, thiếu niên làm pháo tự chế: Làm gì để ngăn chặn tai nạn đáng tiếc?

Liên tiếp những vụ tai nạn từ việc tự chế pháo nổ, gây hậu quả nghiêm trọng ở nhiều địa phương trong cả nước dịp cận Tết đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cần ngăn chặn mối họa này, đặc biệt là với đối tượng thanh thiếu niên, học sinh.

Sáng 9/1, Bệnh viện Đa khoa II Lâm Đồng (thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng) đã làm thủ tục chuyển viện đến Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) tiếp tục điều trị cho hai nạn nhân bị đa chấn thương, nguy kịch, nhập viện do tự chế pháo.

Hai nạn nhân được xác định là P.G.B và Đ.N.H (14 tuổi, cùng ngụ xã Hòa Bắc, huyện Di Linh, Lâm Đồng) nhập viện đêm 8/1 trong tình trạng đa chấn thương khắp cơ thể, đặc biệt nghiêm trọng tại vùng ngực, bụng, và mặt. Nạn nhân Đ.N.H bị đa chấn thương nặng, được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng hôn mê. P.G.B được chẩn đoán thủng khí quản, thủng phổi và tràn máu màng phổi.

Theo thông tin ban đầu, hai nạn nhân trên bị thương do đốt pháo tự chế. Vụ nổ xảy ra gây hàng trăm vết thương trên người hai nạn nhân.

Trước đó, ngày 21/12/2023, tại xã Đắk Sin, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông, do tự chế pháo nổ tại nhà em Nguyễn Nhật H. (15 tuổi) bị bỏng nặng toàn thân, phải cấp cứu điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông.

Làm việc với cơ quan chức năng, H. khai nhận sau khi xem các video hướng dẫn chế tạo pháo nổ trên mạng, H. lên các trang mạng đặt mua vật liệu rồi tự chế pháo tại nhà. Trong quá trình chế tạo pháo tại nhà thì không may các loại vật liệu phát nổ.

Theo Công an tỉnh Đắk Nông, tự chế, tàng trữ, sử dụng, mua bán, vận chuyển trái phép pháo nổ là hành vi vi phạm pháp luật, dễ gây nên những hiểm họa khôn lường và sẽ bị cơ quan chức năng xử lý nghiêm.

ttxvn-1101phao2-8576.jpg

Ngày 5/1, Công an xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đã phát hiện một học sinh cấp Trung học Phổ thông có hành vi mang theo 1 hộp bên trong chứa gần 1kg chất bột màu trắng. Em học sinh khai là thuốc trộn sẵn để chế tạo pháo, đặt mua trên mạng xã hội mang về chế tạo pháo nổ để chơi Tết và bán kiếm lời.

Học sinh này thừa nhận sau khi học cách chế tạo pháo trên mạng Internet đã mua các vật dụng liên quan mang về và tự mình chế tạo được 38 quả pháo các loại. Công an xã Đắk Nia đã tạm giữ gần 1kg thuốc pháo và 38 quả pháo, đồng thời tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Theo các chuyên gia y tế, các tai nạn do pháo nổ tự chế gây ra rất nghiêm trọng. Do tiếp xúc gần nên khi hóa chất phát nổ, nạn nhân dễ bị các tổn thương nặng ở vùng mặt, mắt, tay, cổ, ngực... Vùng tổn thương có thể nhanh chóng phù nề, cản trở hô hấp, gây suy hô hấp. Hội chứng sóng nổ lớn còn gây đa chấn thương sọ não, ngực, bụng, gãy xương tay, chân... của nạn nhân và những người xung quanh.

Việc điều trị những tổn thương do pháo nổ tự chế cũng rất khó khăn, tốn nhiều thời gian và thường để lại di chứng nặng nề, thậm chí mất chức năng vĩnh viễn.

Có thể khẳng định các video hướng dẫn chế tạo pháo xuất hiện tràn lan, không thể ngăn chặn, kiểm soát trên các nền tảng mạng xã hội cũng như việc đặt mua dễ dàng các tiền chất để chế tạo pháo thông qua các nền tảng này là một trong những nguyên nhân chính làm tình trạng học sinh, sinh viên tàng trữ, chế tạo pháo diễn biến ngày càng phức tạp.

ttxvn-1101tuchephao3-7145.jpg
Công an xã Sơn Phú (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) phát hiện 4 học sinh (đều sinh năm 2009) có hành vi mua các tiền chất trên mạng xã hội về chế tạo pháo nổ. (Ảnh: TTXVN phát)

Bên cạnh đó, việc thiếu sự quan tâm, giám sát, quản lý, giáo dục của gia đình đối với con em mình cũng là một nguyên nhân quan trọng. Trên thực tế, từ các vụ việc vi phạm về pháo cho thấy, các em mua các tiền chất trên mạng xã hội sau đó đưa về nhà để chế tạo, song, bố mẹ, người thân thiếu giám sát, để ý, phó thác việc giáo dục cho nhà trường nên không phát hiện ra con em mình vi phạm.

Cá biệt, có trường hợp phát hiện nhưng không có biện pháp ngăn chặn dẫn đến việc các em vi phạm pháp luật, nghiêm trọng hơn là dẫn đến tai nạn do tự chế pháo, làm thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản.

Bên cạnh đó, chính một bộ phận người lớn có những hành vi vi phạm pháp luật về pháo như mua, bán, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép đã tác động không nhỏ đến nhận thức của một bộ phận thanh thiếu niên.

Cùng với việc phòng chống mua bán, vận chuyển pháo trái phép, Cơ quan Công an khuyến cáo người dân tuyệt đối không tự ý chế tạo pháo nổ gây nguy hại cho bản thân và xã hội.

Cùng với đó, các bậc phụ huynh và nhà trường cần tuyên truyền, giáo dục học sinh chấp hành quy định của pháp luật, không sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo.

Đặc biệt là tuyệt đối không tự chế pháo nổ vì hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn có thể gây thương tật, thậm chí đe dọa tính mạng bản thân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục