Hơn 2 triệu trẻ Việt Nam suy dinh dưỡng thể thấp còi

Tại Việt Nam hiện nay có khoảng 7,6 triệu trẻ dưới 5 tuổi thì số trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi vào khoảng trên 2 triệu trẻ.
Thạc sỹ Trịnh Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm truyền thông Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, hiện nay, tại Việt Nam có hơn 2 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi.

Tại buổi họp báo phát động tuần lễ "Dinh dưỡng và phát triển," do Viện Dinh dưỡng Quốc gia tổ chức chiều 8/10, ông Sơn cho hay theo số liệu giám sát dinh dưỡng (do Tổng cục Thống kê và Viện dinh dưỡng công bố) thì tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em là 16,2% (thể nhẹ cân), 26,7% (thể thấp còi) và 6,7% (thể gầy còm).

Thống kê trên ước lượng tại Việt Nam hiện nay có khoảng 7,6 triệu trẻ dưới 5 tuổi thì số trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân hiện có hơn 1,2 triệu trẻ và suy dinh dưỡng thấp còi vào khoảng trên 2 triệu trẻ.

Theo bác sỹ Sơn, những năm gần đây, tốc độ giảm suy dinh dưỡng thể thấp còi đã chậm lại so với những năm trước đây ở tất cả các địa phương. Tuy nhiên, hiện nay trên toàn quốc vẫn còn 17 tỉnh/thành phố có tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở mức cao, trên 20%; 21 tỉnh/thành phố có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thấp còi trên 30% (mức cao), trong đó đáng lưu ý nhất là tỉnh Kon Tum có tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở mức trên 40% - mức rất cao.

[300.000 trẻ em Việt Nam đang bị thừa cân, béo phì]

Bên cạnh vấn đề suy dinh dưỡng ở trẻ em, bác sỹ Sơn cũng cảnh báo về tình trạng trẻ thừa cân béo phì những năm gần đây tiếp tục tăng nhanh, đặc biệt trong 10 năm (từ 2000- 2010), tỉ lệ trẻ béo phì tăng 9 lần.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, chiều cao và thể chất con người phụ thuộc 20% vào di truyền và 80% vào dinh dưỡng, môi trường sống và rèn luyện thể thao. Vì vậy, một chế độ ăn với liều lượng dinh dưỡng hợp lý giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất.

Tuần lễ dinh dưỡng năm nay do Bộ Y tế phát động với chủ đề đảm bảo an ninh dinh dưỡng và an toàn thực phẩm để mọi người khỏe mạnh sẽ diễn ra từ ngày 16 đến 23/10.

Trong tuần lễ này, Viện Dinh dưỡng Quốc gia sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp để đưa kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và kiến thức về dinh dưỡng hợp lý tới mọi gia đình, đặc biệt là các gia đình ở những vùng khó khăn, vùng hay có thiên tai xảy ra.

Đặc biệt, trong tuần lễ việc tuyên truyền hướng dẫn người dân sử dụng đa dạng các thực phẩm giàu dinh dưỡng, an toàn để đảm bảo sức khỏe, nhất là đối tượng là bà mẹ và trẻ em sẽ được đặc biệt quan tâm. Bên cạnh đó, các chuyên gia về dinh dưỡng sẽ truyền thông để hướng dẫn cho người dân biết cách chế biến và thực hành vệ sinh đúng để đảm bảo thức ăn không trở thành nguồn lây bệnh, không bị hao hụt chất dinh dưỡng.

Trong thời gian này, Sở Y tế các địa phương sẽ phối hợp với các viện dinh dưỡng, vệ sinh dịch tễ, ngành nông nghiệp để đưa kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và kiến thức về dinh dưỡng hợp lý tới mọi gia đình./.
 10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý đến năm 2020

1. Lời khuyên số 1: Ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm và đảm bảo đủ 4 nhóm: chất bột, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng.


2. Lời khuyên số 2: Phối hợp thức ăn nguồn đạm động vật và thực vật, nên ăn tôm, cua, cá và đậu đỗ.


3. Lời khuyên số 3: Ăn phối hợp dầu thực vật và mỡ động vật hợp lý, nên ăn vừng lạc.


4. Lời khuyên số 4: Nên sử dụng muối Iốt, không ăn mặn.


5. Lời khuyên số 5: Cần ăn rau quả hàng ngày.


6. Lời khuyên số 6:
Đảm bảo an toàn vệ sinh trong lựa chọn, chế biến và bảo quản thực phẩm.


7. Lời khuyên số 7: Uống đủ nước sạch hàng ngày.


8. Lời khuyên số 8: Cho trẻ bú mẹ ngay sau khi sinh, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, ăn bổ sung hợp lý và tiếp tục cho bú mẹ đến 24 tháng.


9. Lời khuyên số 9: Trẻ sau 6 tháng và người trưởng thành nên sử dụng sữa và các sản phẩm của sữa phù hợp với từng lứa tuổi.


10. Lời khuyên số 10: Tăng cường hoạt động thể lực, duy trì cân nặng hợp lý, không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, nước có ga và ăn, uống đồ ngọt.
Thùy Giang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục