Ngày 26/7, triển lãm quốc tế vải, nguyên phụ liệu và máy móc thiết bị ngành may 2023 (SaigonTex & SaigonFabric 2023) đã khai mạc tại trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC), Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.
Triển lãm do các đơn vị đồng tổ chức, gồm: Bộ Công Thương Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS); Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VINATEX), Hiệp hội Dệt may thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh (AGTEK) và một số đơn vị khác.
SaigonTex & SaigonFabric 2023 diễn ra từ nay đến ngày 29/7, thu hút hơn 300 nhà cung cấp đến từ 8 quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Đức, Pakistan, Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam...
Tham gia triển lãm năm nay, cộng đồng doanh nghiệp và khách tham quan được trực tiếp tìm hiểu đa dạng sản phẩm và dịch vụ mới nhất từ những nhà cung cấp uy tín, mở rộng mạng lưới kinh doanh và tăng cường sự đa dạng trong nguồn cung.
Cụ thể, có thể kể đến một số sản phẩm tiêu biểu trong ngành sợi dệt, vải, nguyên phụ liệu may mặc được nhà cung cấp trưng bày tại SaigonTex & SaigonFabric 2023 là vải từ tre, sợi sen và hạt càphê; vải từ hoa các loại; sợi bông; sợi từ long cừu dài... Nhiều doanh nghiệp cũng giới thiệu phong phú nhãn hàng máy móc tiêu biểu là Cẩm Lệ, Phồn Thịnh, Hà Long, Hikari, Jack, Brother...
Đặc biệt, lần đầu tiên tại SaigonTex & SaigonFabric 2023 có khu "made in Vietnam" riêng biệt với gần 100 công ty giới thiệu những nguồn sợi, vải, nguyên phụ liệu... Còn khu "Business Matching" là nơi kết nối giao thương giữa các nhà cung ứng, nhãn hàng và người mua hàng tiềm năng tại Việt Nam; mang lại cơ hội gặp gỡ người mua và nhãn hàng nổi tiếng trong ngành thời trang để tiếp cận với đối tác tiềm năng, thiết lập hợp tác kinh doanh bền vững.
Tại lễ khai mạc SaigonTex & SaigonFabric 2023, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đánh giá, triển lãm lần này là cơ hội tốt giúp doanh nghiệp dệt may Việt Nam tiếp cận những công nghệ tiên tiến, từ đó có cơ sở định hướng đầu tư trong thời gian tới. Đây cũng là dịp tốt cho doanh nghiệp tìm kiếm, kết nối các đối tác, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng dần tỷ lệ nội địa hóa.
[Truyền thông Bangladesh phân tích lợi thế của ngành may mặc Việt Nam]
Theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, chủ động đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng trong và ngoài nước, quy tắc xuất xứ của hiệp định thương mại tực do sẽ góp phần nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, phát triển ngành dệt may Việt Nam, hội nhập hiệu quả hơn với khu vực và quốc tế. Mặt khác, cộng đồng doanh nghiệp có thể nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất - kinh doanh, quảng bá thương hiệu... hướng đến mở rộng thị trường và xây dựng chiến lược đầu tư.
Còn ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, cho hay trong suốt thời gian triển lãm diễn ra, cùng với trưng bày sản phẩm và hoạt động giao thương trực tiếp tại gian hàng, SaigonTex & SaigonFabric 2023 còn có một loạt hội thảo chuyên đề cập nhật chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ngành dệt may khắc phục thách thức, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh.
Chuỗi hội thảo được tổ chức bởi VCCI, chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh, công ty Triển lãm CP Exhibition với sự hợp tác và hỗ trợ của các đơn vị quản lý, hiệp hội như VITAS, VINATEX, AGTEK, Bộ Công Thương.../.