Trong 5 năm qua, tổng vốn đầu tư phát triển ở vùng miền núi tỉnh Phú Yên đạt hơn 4.170 tỷ đồng, góp phần làm thay đổi rõ nét diện mạo vùng miền núi và nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.
Đến nay, mạng lưới giao thông đảm bảo thông suốt đến trung tâm xã và hiện nhiều thôn, buôn đang nâng cấp đường bằng bêtông hóa; hơn 90% số hộ ở miền núi sử dụng điện thường xuyên.
Cùng với việc đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ, các vùng miền núi tại Phú Yên là địa bàn trọng điểm trồng cây công nghiệp với gần 20.000 ha mía, 18.000 ha sắn và 4.000 ha cao su, đảm bảo đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy đang hoạt động trên địa bàn. Nhờ vậy, những năm qua thu nhập trung bình đầu người đạt từ 11 đến 13 triệu đồng/năm. Riêng vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt 6 đến 8 triệu đồng/năm và hàng năm giảm từ 3-5% số hộ nghèo.
Tỉnh Phú Yên đang thực hiện đề án hỗ trợ đất sản xuất, đất ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở thôn, buôn đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí hơn 211 tỷ đồng.
Tỉnh Phú Yên đề ra mục tiêu đến năm 2019 có 30% lao động trong độ tuổi là đồng bào dân tộc thiểu số được đào tạo nghề, tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm dưới 50% lao động xã hội. Hàng năm, tỉnh giải quyết việc làm mới cho 4.000 lao động và giảm từ 3 đến 4% số hộ nghèo; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt khu vực miền núi.
Tỉnh cũng đảm bảo 100% điểm trường học kiên cố, có nhà công vụ cho giáo viên và nhà ở cho học sinh ở những nơi cần thiết./.